Quốc hội và những việc chưa có tiền lệ

0:00 / 0:00
0:00
TP - “Chủ tịch Quốc hội đã cùng với tập thể Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo các cơ quan phải chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng từ sớm, từ xa giúp công tác lập pháp của Quốc hội chuyển từ trạng thái bị động, phụ thuộc nhiều vào cơ quan trình, sang việc chủ động dẫn dắt thực hiện hiệu quả chức năng lập pháp theo Hiến định”, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường chia sẻ với Tiền Phong.

Kim chỉ nam cho hoạt động Quốc hội

Tinh thần tự đổi mới, chủ động, chuẩn bị từ sớm, từ xa được thể hiện như thế nào trong các kỳ họp Quốc hội, phiên họp Ủy ban Thường vụ và đặc biệt là kỳ họp Quốc hội bất thường lần đầu tổ chức, thưa Tổng Thư ký?

Tinh thần đổi mới, chủ động, từ sớm, từ xa, giám sát tới cùng có thể coi là kim chỉ nam cho hoạt động của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Đây cũng là những nội dung được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng quan tâm chỉ đạo. Đặc biệt, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ rất nhiều lần nhấn mạnh trong các bài phát biểu, các cuộc họp, các buổi làm việc với các cơ quan của Quốc hội; trong đó, thể hiện rõ nhất qua kết quả tổ chức thành công hai kỳ họp đầu tiên và qua các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, qua công tác chuẩn bị kỳ họp Quốc hội bất thường.

Đơn cử về công tác lập pháp, tại hai kỳ họp đầu tiên, Chủ tịch Quốc hội đã cùng với tập thể Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo các cơ quan phải chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng từ sớm, từ xa giúp công tác lập pháp của Quốc hội chuyển từ trạng thái bị động, phụ thuộc nhiều vào cơ quan trình, sang việc chủ động dẫn dắt thực hiện hiệu quả chức năng lập pháp theo Hiến định. Theo đó, Quốc hội đã quyết định tổ chức hai kỳ họp theo hình thức kết hợp trực tiếp và trực tuyến để phù hợp với yêu cầu, bối cảnh dịch bệnh COVID-19.

Việc Quốc hội tổ chức kỳ họp bất thường được xuất phát từ nhu cầu thực tiễn cuộc sống và cũng là sáng kiến lập pháp hết sức quan trọng, thể hiện sâu sắc sự đồng hành, linh hoạt của Quốc hội với Chính phủ để kịp thời xử lý các vấn đề thực tiễn đang đặt ra. Quốc hội sẵn sàng với tinh thần làm ngày, làm đêm, bất cứ lúc nào để kịp thời đáp ứng phục hồi kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội và yêu cầu phát triển của đất nước.

Tổng Thư ký Quốc hội có chia sẻ gì về sự đồng hành giữa Quốc hội và Chính phủ, nhằm kịp thời tháo gỡ những điểm nghẽn, tạo cơ chế thuận lợi cho phòng chống dịch COVID-19?

Như chúng ta đã biết, Quốc hội khóa XV bắt đầu các hoạt động trong bối cảnh đại dịch COVID-19 lan rộng ra các tỉnh, thành phố phía Nam. Nhưng với tinh thần chủ động, trách nhiệm, dưới sự chỉ đạo kịp thời của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chỉ trong vòng 1 ngày, Ủy ban Xã hội đã chủ trì, cùng các cơ quan của Quốc hội và Chính phủ xây dựng Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội, cho phép Ủy ban Thường vụ Quốc hội có thẩm quyền xem xét, giao Chính phủ áp dụng các giải pháp cấp bách trong phòng, chống dịch.

Quốc hội và những việc chưa có tiền lệ ảnh 1

Quang cảnh kỳ họp Quốc hội

Tiếp đó, tại kỳ họp đầu tiên, Quốc hội đã kịp thời bổ sung nội dung phòng chống dịch COVID-19 vào Chương trình và Nghị quyết số 30/2021/QH15 của Quốc hội. Đây là việc làm chưa có tiền lệ, khẳng định Quốc hội luôn tích cực đổi mới, sáng tạo, chủ động, đồng hành cùng Chính phủ, hệ thống chính trị và lấy người dân làm trung tâm. Theo đó, Quốc hội đã trao cho Chính phủ thẩm quyền được thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch khác với quy định của luật để kịp thời đẩy mạnh công tác phòng, chống dịch; đồng thời, thường xuyên giám sát, theo dõi để công tác phòng, chống dịch đạt hiệu quả cao, góp phần bảo đảm phát triển kinh tế và ổn định an sinh xã hội…

Nhiều ý kiến của các ĐBQH trẻ đã thể hiện, phát huy được quan điểm, góc nhìn của giới trẻ, có lập luận sâu sắc, xác đáng, tính phản biện cao, qua đó đóng góp thêm các góc nhìn mới cho các quyết sách của Quốc hội.

Có thể khẳng định rằng, Quốc hội không chỉ chủ động, đồng hành, chia sẻ cùng Chính phủ mà còn theo dõi, đôn đốc, giám sát việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ngoài ra, sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa Quốc hội và Chính phủ trong thời gian qua đã đem lại những kết quả rất khả quan, tích cực, tất cả vì lợi ích chính đáng của Nhân dân, trong đó yêu cầu cao nhất là bảo đảm an toàn tính mạng của Nhân dân, từng bước phục hồi, phát triển bền vững kinh tế, tăng cường bảo đảm an sinh xã hội.

Quốc hội và những việc chưa có tiền lệ ảnh 2

Trao Bản ghi nhớ hợp tác giữa Văn phòng Quốc hội Việt Nam và Văn phòng Hạ viện Ấn Độ. Ông Bùi Văn Cường thứ 2 từ trái sang

ĐBQH trẻ ngày càng trở thành lực lượng quan trọng

Tổng Thư ký từng nhắc đến việc sẽ xem xét sửa nội quy kỳ họp và Luật Tổ chức Quốc hội theo hướng “linh hoạt hơn”, vấn đề này dự kiến sẽ được triển khai vào thời điểm nào?

Như chúng ta đã biết, theo Hiến pháp năm 2013 (Điều 83), Luật Tổ chức Quốc hội (Điều 90) và Nội quy Kỳ họp Quốc hội quy định Quốc hội họp mỗi năm hai kỳ. Trường hợp Chủ tịch nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ hoặc ít nhất 1/3 tổng số đại biểu Quốc hội yêu cầu thì Quốc hội họp bất thường. Như vậy, việc Quốc hội tổ chức kỳ họp bất thường (ngoài 2 kỳ họp thường niên) để giải quyết các vấn đề thực tiễn đặt ra đã được pháp luật quy định rõ.

“Sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa Quốc hội và Chính phủ trong thời gian qua đã đem lại những kết quả rất khả quan, tích cực, tất cả vì lợi ích chính đáng của Nhân dân, trong đó yêu cầu cao nhất là bảo đảm an toàn tính mạng của Nhân dân, từng bước phục hồi, phát triển bền vững kinh tế, tăng cường bảo đảm an sinh xã hội”. Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường

Tuy nhiên, để tiếp tục đổi mới, nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả kỳ họp Quốc hội cũng như chất lượng, hiệu lực các quyết định của Quốc hội; kịp thời ứng phó với tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 và thích ứng với sự vận động, phát triển của thực tiễn…, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 277/NQ-UBTVQH, thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả kỳ họp Quốc hội. Trên cơ sở đó, Ban Chỉ đạo đã ban hành Kế hoạch, triển khai xây dựng Đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả kỳ họp quốc hội, dự kiến trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định và trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 3 (tháng 5/2022).

Tổng Thư ký đánh giá gì về các nghị sỹ trẻ và những đóng góp của họ trong hoạt động Nghị trường?

Theo tiêu chí của Diễn đàn Nghị sĩ trẻ Liên minh Nghị viện thế giới (IPU), các Nghị sĩ trẻ (đại biểu Quốc hội trẻ) được xác định trong khoảng từ 45 tuổi trở xuống. Trong nhiệm kỳ Quốc hội các khóa gần đây, tỷ lệ đại biểu Quốc hội trẻ chiếm tỷ lệ khá cao và ĐBQH trẻ ngày càng trở thành lực lượng quan trọng, có nhiều đóng góp trên mọi mặt hoạt động của Quốc hội nói riêng và của đất nước nói chung.

Thời gian qua, với sức trẻ, trí tuệ và tinh thần nhiệt huyết cao, các ĐBQH trẻ đã rất tích cực tham gia vào các hoạt động của Quốc hội trong công tác lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Nhiều ý kiến của các ĐBQH trẻ đã thể hiện, phát huy được quan điểm, góc nhìn của giới trẻ, có lập luận sâu sắc, xác đáng, tính phản biện cao, qua đó đóng góp thêm các góc nhìn mới cho các quyết sách của Quốc hội, được các cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra ghi nhận, tiếp thu…

Qua dõi theo hoạt động của các ĐBQH trẻ trong những nhiệm kỳ qua cũng như ở nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, có thể thấy không chỉ tỷ lệ ĐBQH có độ tuổi trẻ ngày càng tăng lên mà chất lượng của đại biểu cũng được nâng lên rất nhiều. Do đó, trong thời gian tới, tôi tin tưởng rằng, các ĐBQH trẻ Việt Nam sẽ tiếp tục nỗ lực, phấn đấu với tinh thần năng động, sáng tạo, trí tuệ, trách nhiệm cao để tham gia, đóng góp tích cực vào các hoạt động của nghị trường trong nước cũng như có trách nhiệm với những vấn đề chung của khu vực và trên thế giới.

Trân trọng cảm ơn Tổng Thư ký!

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.