Quốc hội thông qua Luật Trưng cầu ý dân

Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Phan Trung Lý
Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Phan Trung Lý
TPO - Với đa số đại biểu tán thành, chiều 25/11, Quốc hội (QH) đã chính thức thông qua Luật Trưng cầu ý dân. Theo đó, cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm tổ chức và bảo đảm thực hiện nghiêm chỉnh kết quả trưng cầu ý dân.

Trước đó, trình bày Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật trưng cầu ý dân, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho hay, qua thảo luận có ý kiến đề nghị quy định cụ thể, rõ ràng hơn nữa các vấn đề QH quyết định trưng cầu ý dân; bổ sung trưng cầu ý dân về các vấn đề liên quan đến quyền con người, quyền công dân, về bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ quốc gia, về chiến tranh và hòa bình.

Tuy nhiên, Ủy ban thường vụ Quốc hội thấy rằng, những vấn đề mà đại biểu nêu như quyền con người, quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân đều đã nằm trong các quy định của Hiến pháp và như vậy là đã được thể hiện trong các nội dung trưng cầu ý dân về Hiến pháp. Các nội dung khác đã thuộc phạm vi các vấn đề đặc biệt quan trọng về chủ quyền quốc gia và kinh tế - xã hội. 

Mặt khác, khoản 4 Điều 6 còn có quy định về “vấn đề đặc biệt quan trọng khác của đất nước”, nên không nhất thiết phải liệt kê quá chi tiết các vấn đề cần trưng cầu ý dân mà để QH căn cứ vào đề nghị của các chủ thể có thẩm quyền xem xét, quyết định trưng cầu ý dân khi thấy cần thiết.

Về chủ thể có quyền đề nghị QH quyết định trưng cầu ý dân, Luật quy định Ủy ban thường vụ QH, Chủ tịch nước, Chính phủ hoặc ít nhất là 1/3 tổng số đại biểu QH có quyền đề nghị QH xem xét, quyết định trưng cầu ý dân.

Về kết quả trưng cầu ý dân, theo ông Lý qua thảo luận có ý kiến băn khoăn về tính khả thi của quy định cuộc trưng cầu ý dân phải được ít nhất 3/4 tổng số cử tri có tên trong danh sách cử tri đi bỏ phiếu, đề nghị rút tỷ lệ này xuống quá 1/2 hoặc 2/3 tổng số cử tri. 

Tuy nhiên, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho rằng, biểu quyết khi Nhà nước trưng cầu ý dân là quyền của công dân, kết quả trưng cầu ý dân cần thể hiện đúng ý chí nguyện vọng của người dân.

Muốn vậy, kết quả này cần được xác lập trên cơ sở có tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu cần thiết (3/4) và ít nhất là quá nửa số phiếu hợp lệ tán thành để thể hiện sự đồng thuận cao của cử tri cả nước đối với vấn đề được đưa ra trưng cầu.

“Thực tế tổ chức bầu cử ở nước ta đã chứng minh việc thu hút, bảo đảm sự tham gia đông đảo của cử tri cả nước là hoàn toàn có cơ sở. Do đó, đề nghị Quốc hội cho giữ quy định về vấn đề này như dự thảo Luật“, ông Lý nhấn mạnh

Cũng theo ông Lý, trường hợp không đủ 3/4 tổng số cử tri đi bỏ phiếu thì cuộc trưng cầu ý dân này không thành công và theo quy định tại Điều 9 của dự thảo Luật thì “Không tổ chức lại việc trưng cầu ý dân về nội dung đã được trưng cầu ý dân trong thời hạn 24 tháng kể từ ngày kết quả trưng cầu ý dân được công bố”.

Luật Trưng cầu ý dân cũng quy định, cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm tổ chức và bảo đảm thực hiện nghiêm chỉnh kết quả trưng cầu ý dân.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.