Quốc hội nghỉ sớm, sao không có nghỉ muộn?

Quốc hội nghỉ sớm, sao không có nghỉ muộn?
TP - Thảo luận về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội (QH) về nội quy kỳ họp (chiều 27/10), một số đại biểu (ĐB) cho rằng, nên linh hoạt giữa việc nghỉ sớm và nghỉ muộn. Bởi có những phiên họp, do không có ĐB đăng ký phát biểu nên QH nghỉ sớm, ngược lại cũng có phiên ĐB đăng ký nhiều nhưng lại không được phát biểu vì hết giờ…

Chuẩn bị “toát mồ hôi” nhưng lại hết giờ

Theo đại biểu Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình), quy định về thời gian nghỉ tại QH nên linh hoạt, có thể muộn hơn hoặc sớm hơn, chứ không nhất thiết cứ phải đúng giờ là nghỉ. 

“Nghị viện ở các nước trên thế giới thì hết việc mới nghỉ, còn mình cứ đúng giờ là nghỉ, rất ảnh hưởng. Có người chuẩn bị “toát mồ hôi” hàng tháng trời cho bài phát biểu nhưng vì hết giờ, không được nói nên tâm trạng rất không tốt”.

Đại biểu Đỗ Văn Vẻ

“Nghị viện ở các nước trên thế giới thì hết việc mới nghỉ, còn mình cứ đúng giờ là nghỉ, rất ảnh hưởng. Có người chuẩn bị “toát mồ hôi” hàng tháng trời cho bài phát biểu nhưng vì hết giờ, không được nói nên tâm trạng rất không tốt”, ông Vẻ nói. Ông Vẻ đề nghị sửa đổi các quy định theo hướng, nếu phiên họp nào có nhiều ĐB đăng ký phát biểu thì QH cũng nên nghỉ muộn hơn để tăng thời gian họp lên.

Đề cập quy định cho phép người dân được vào dự các phiên họp của QH, ĐB Lê Như Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của QH cho hay, đây là việc mà nhiều nghị viện trên thế giới đã thực hiện. Vì khi người dân vào trực tiếp QH sẽ thấy được không khí, và là dịp để thực hiện quyền giám sát. 

“Vừa qua chúng ta đã tổ chức một vài lần các em học sinh, sinh viên được vào nghị trường. Tôi đề nghị nên tổ chức làm sao để các em ở các trường vào nhiều hơn nữa, để thấy và chắp cánh ước mơ làm nghị sĩ cho các em. Đồng thời nên để người dân vào để hiểu hơn nữa hoạt động của QH”, ông Tiến nói.

Khó nhưng vẫn phải tập trung họp hành

Đề cập tình trạng đại biểu vắng nhiều trong kỳ họp, ĐB Lê Minh Trọng (Tây Ninh) cho rằng, phần lớn ĐBQH của ta là kiêm nhiệm nên rất khó để các Bộ trưởng, lãnh đạo tỉnh có mặt tại nghị trường trong suốt 30 - 40 ngày. “Bộ trưởng đi họp suốt thì chẳng lẽ lại bỏ công việc của Bộ để đấy. Lãnh đạo địa phương cũng thế, làm sao mà có mặt tại QH suốt 40 ngày được. Họ còn phải về tỉnh họp và giải quyết biết bao nhiêu công việc nữa chứ”, ông Trọng nói.

ĐB Nguyễn Phạm Ý Nhi (Hà Nội) cũng cho rằng,  QH họp 40 ngày, tài liệu rất nhiều. ĐB nghỉ cũng một phần do lĩnh vực đó quá chuyên sâu hoặc đã có nhiều ý kiến rồi. “Nghỉ nhưng thực tế đại biểu vẫn còn nhiều tài liệu nghiên cứu nên hoạt động ĐB QH không chỉ có 8 giờ trên nghị trường mà ngoài thời gian hành chính rất nhiều”, bà Nhi nói. Theo bà Nhi để ĐB kiêm nhiệm hoàn thành nhiệm vụ không nên đưa ra các quy định theo hướng hành chính quá. Hành chính quá sẽ khó khả thi và làm khó cho mỗi ĐBQH.

MỚI - NÓNG
Sắp xếp bộ máy, sẽ 'đụng chạm' nhiều bộ trưởng, thứ trưởng
Sắp xếp bộ máy, sẽ 'đụng chạm' nhiều bộ trưởng, thứ trưởng
TPO - "Tôi chưa thống kê cụ thể, nhưng với phương án sắp xếp của Chính phủ, Quốc hội, nhìn sơ sơ đụng chạm tới khoảng 20 bộ trưởng và tương đương, cùng khoảng 80 - 100 thứ trưởng và tương đương ở cả khối Đảng, Mặt trận, Nhà nước...", TS Đinh Duy Hòa - nguyên Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính - Bộ Nội vụ nói.