Theo ông Nguyễn Hạnh Phúc, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, qua mỗi lần sửa đổi Hiến pháp, vị trí, tính chất của Quốc hội lại được hoàn thiện hơn ở một tầm cao mới. Qua 70 năm, Quốc hội Việt Nam ngày càng thực hiện tốt hơn chức năng là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, thực hiện các quyền lập hiến, quyền lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước.
Ngược dòng lịch sử, đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc nhớ lại kỳ họp cũng như phiên chất vấn đầu tiên tại Quốc hội khoá I cách đây 69 năm. Kỳ họp đầu tiên của Quốc hội (2/3/1946), nội dung quan trọng nhất là dàn xếp được sự hợp tác của các tổ chức như Việt Quốc, Việt Cách... nhằm thực hiện được khối thống nhất rộng rãi.
Theo biên bản kỳ họp, thời gian diễn ra rất ngắn chỉ trong vài giờ, được điều hành rất nghiêm trang nhưng tự do. Theo thông lệ quốc tế, người chủ tọa phiên đầu tiên khi chưa có chức vụ qua bầu cử được giao cho đại biểu cao niên nhất là cụ Ngô Tử Hạ. Một số người dân thời điểm đó cũng được vào theo dõi phiên họp từ hàng ghế trên gác cao nhất của Nhà hát Lớn.
Ông Dương Trung Quốc cũng cho hay, khi nhận xét về chất vấn của đại biểu, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát biểu: Chính phủ hiện thời mới thành lập được hơn một năm, hãy còn thanh niên. Quốc hội bầu ra được hơn 8 tháng lại còn thanh niên hơn nữa. Vậy mà Quốc hội đã đặt ra những câu hỏi thật già dặn, sắc mắc khó trả lời... “Đọc lại tường thuật phiên chất vấn đầu tiên của Quốc hội mới thấy giá trị nền móng truyền thống của thế hệ những người gây dựng nền Cộng hòa Dân chủ quý giá đến dường nào”, ông Dương Trung Quốc bình luận.
Đề cập đến cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên, PGS. TS Vũ Văn Nhiêm (Đại học Luật TPHCM) cho rằng, sự kiện này đã mang lại nhiều ý nghĩa, không những hợp pháp hóa, chính đáng hóa quyền lực nhà nước mà còn là giải pháp mang tính gốc rễ, căn bản để giải quyết những mâu thuẫn, xung đột. Trừ cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên ấy, ông Nhiêm cho rằng, các cuộc bầu cử sau này, việc vận động bầu cử chưa được coi trọng, còn cứng nhắc và mang nặng tính khẩu hiệu. Ông Nhiêm cho rằng, bầu cử tự do, công bằng, cạnh tranh là bầu cử tiến bộ và là xu hướng phổ biến trên thế giới mà chúng ta cần phải đổi mới.