Quốc hội Khóa XII: Chưa thông qua Luật Thủ đô

Đại biểu bấm nút biểu quyết thông qua Luật Thủ đô Ảnh: Hồng Vĩnh
Đại biểu bấm nút biểu quyết thông qua Luật Thủ đô Ảnh: Hồng Vĩnh
TP - Hôm qua, trước khi bế mạc kỳ họp, do chỉ được 35,9% tổng số đại biểu tán thành nên Quốc hội đã không thông qua Luật Thủ đô.

>> Tuần này, QH thông qua Luật Thủ đô

>> Không khí dân chủ phản ánh tiến bộ xã hội

>> Dự thảo Luật Thủ đô: Băn khoăn về 'công dân loại hai'

Đại biểu bấm nút biểu quyết thông qua Luật Thủ đô Ảnh: Hồng Vĩnh
Đại biểu bấm nút biểu quyết thông qua Luật Thủ đô.
Ảnh: Hồng Vĩnh.

Không quá bán

Mặc dù trước đó, trong báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Thủ đô, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã làm rõ nhiều nội dung, thậm chí lược bỏ một số điều, quy định. Ví như, lược bỏ điều về mục tiêu xây dựng, phát triển Thủ đô; bỏ quy định tặng thưởng danh hiệu công dân danh dự Thủ đô cho những người là công dân Việt Nam. UBTVQH cũng đồng ý lược bỏ điều kiện “việc làm hợp pháp” trong Dự thảo Luật…

Tuy nhiên, đến phần biểu quyết, chỉ có 53,14% đại biểu đồng ý với những quy định trong dự thảo luật về quản lý dân cư. Đối với chính sách, cơ chế về tài chính và quản lý đất đai (Điều 23), chỉ có 43,81% đại biểu tán thành, 39,55% đại biểu không đồng ý.

Kết quả biểu quyết toàn bộ Dự thảo Luật cho thấy, chỉ có 177 đại biểu tán thành (bằng 35,9%), 221 đại biểu không đồng ý (bằng 44,83%), 54 đại biểu không biểu quyết (bằng 10,95%). “Như vậy, QH chưa thông qua Dự thảo Luật Thủ đô tại kỳ họp này”- Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu kết luận.

Trước đó, QH đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự; Luật Phòng, chống mua bán người và Luật Kiểm toán độc lập với số phiếu cao.

Tại phiên bế mạc, đa số các đại biểu QH cũng thông qua Nghị quyết về kỳ họp thứ 9, QH khóa XII.

Sớm khắc phục yếu kém

Phát biểu bế mạc kỳ họp, Tổng Bí thư, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: Trong nhiệm kỳ qua, QH đã có nhiều đổi mới mạnh mẽ, nâng cao hiệu quả hoạt động lập pháp, giám sát tối cao, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Chủ tịch nước với tư cách là một định chế trong tổ chức quyền lực nhà nước, đã có nhiều đóng góp tích cực vào hoạt động đối nội, đối ngoại, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều cố gắng trong tổ chức thực hiện, điều hành quản lý đất nước, quản lý xã hội một cách năng động, quyết liệt, đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của cuộc sống.

Các cơ quan tư pháp đã từng bước đổi mới theo lộ trình cải cách tư pháp và có nhiều tiến bộ trong công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, kiểm sát hoạt động tư pháp. Những kết quả đó đã đóng góp to lớn vào những thành tựu chung của đất nước.

Tuy nhiên, Tổng Bí thư, Chủ tịch QH cũng cho rằng, trước yêu cầu ngày càng cao của công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế, hoạt động của các cơ quan trong bộ máy nhà nước vẫn còn những yếu kém, bất cập, chưa đáp ứng đầy đủ những đòi hỏi của việc quyết định và điều hành tổ chức thực hiện các nhiệm vụ đã đề ra.

Tổng Bí thư, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng cho biết, theo quy định của pháp luật, kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIII sẽ được khai mạc chậm nhất vào ngày 22-7-2011. Kỳ họp này có nhiều nội dung quan trọng như bầu, phê chuẩn nhân sự cấp cao của Nhà nước, tiếp tục xem xét các vấn đề về kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước, cho ý kiến và thông qua một số dự án luật và quyết định một số vấn đề quan trọng khác.

“Nhiệm kỳ QH khóa XII đang dần khép lại, nhưng dư âm và ấn tượng tốt đẹp chắc sẽ còn đọng mãi. Nhìn lại chặng đường gần bốn năm hoạt động, chúng ta có thể nói rằng, với tâm niệm phải làm gì để xứng đáng với lòng mong đợi và sự tin cậy của nhân dân, các vị đại biểu QH đã luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, gắn bó mật thiết với cử tri, đi sát cơ sở, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị của cử tri để phản ánh với QH, tích cực nghiên cứu, tham gia quyết định các vấn đề hệ trọng của đất nước.

Đồng thời, thông qua hoạt động QH, mỗi chúng ta đều thấy mình trưởng thành hơn, có thêm tri thức và kinh nghiệm công tác”.

(Trích phát biểu bế mạc của Tổng Bí thư,
Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng) 

 
 

Ý kiến ĐBQH và lãnh đạo TP Hà Nội

ĐB Vũ Quang Hải (Hưng Yên): “Dự luật chưa bao quát”

“Luật cần có tính bao quát hơn, chú ý hơn nữa cả vấn đề nội thành và ngoại thành, cũng như những qui định đối với công dân thủ đô, nhất là những người lao động, công nhân, nông dân đang sinh sống ở thủ đô; hoặc các vấn đề về bảo vệ văn hóa, truyền thống của Hà Nội ngàn năm văn hiến.

Nhưng những vấn đề này dường như chưa có sự quan tâm rõ nét trong dự thảo. Nếu thông qua một dự luật mà chủ yếu là các cơ chế chính sách đặc thù cho Thủ đô thì chưa cần thiết” - ông Hải nói.

ĐB Trần Du Lịch (TPHCM): “Cần xác định vị trí pháp lý của Thủ đô”

“Nếu chúng ta tổ chức lại cơ chế, đô thị tự quản, xây dựng được đô thị và xây dựng Thủ đô, đặc biệt xác định địa vị chính trị pháp lý của Thủ đô tương xứng với nó –tức là nâng tầm của luật lên đúng tính chất của một Luật Thủ đô hơn là luật này tập trung chủ yếu nội dung là giải quyết những bức xúc của một đô thị dạng đặc biệt về quy mô” – (Trích ý kiến thảo luận tại Hội trường)

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc KSor Phước: “Thủ đô - không phải khu tự trị”

“Chung qui lại tôi thấy còn rất lúng túng về dự án luật này. Vì muốn đặc thù nhưng đặc thù quá thì không khéo là biến Thủ đô Hà Nội thành khu tự trị trong một tổ quốc là không nên. Không có một quốc gia nào mà Thủ đô lại tự trị, đó một điều đặc biệt vô lý”- (Trích ý kiến thảo luận tại Hội trường)

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, Vũ Hồng Khanh: “Ban soạn thảo sẽ phải họp lại”

Trao đổi với PV Tiền Phong chiều 29-3, ông Khanh nói: “Ban soạn thảo cũng sẽ phải họp lại, trên cơ sở tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội để xem xét điều chỉnh cho phù hợp”. Ông Khanh cũng cho rằng, dù Luật Thủ đô chưa được QH thông qua đợt này nhưng về quản lý xây dựng phát triển Thủ đô, vẫn thực hiện theo các luật hiện hành.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG