Quốc hội cần giám sát lương lãnh đạo tập đoàn

Quốc hội cần giám sát lương lãnh đạo tập đoàn
TP - Từ chuyện thu nhập, lương thưởng của lãnh đạo các doanh nghiệp Nhà nước mà Tiền Phong đăng tải, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho rằng, đến lúc Quốc hội cần giám sát lương, thưởng của lãnh đạo các tập đoàn kinh tế, tổng Cty.

>> DN thua lỗ, TGĐ hưởng lương bạc tỉ: Bạn đọc bất bình

Quốc hội cần giám sát lương lãnh đạo tập đoàn ảnh 1
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh

Làm theo chỉ đạo của Thủ tướng kiểu gì?

Kết quả kiểm toán công bố mới đây cho thấy, lãnh đạo Tổng Cty Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đã tự ý trả vượt quỹ lương so với kế hoạch. Riêng Tổng Giám đốc Trần Văn Tá được nhận 942 triệu đồng/năm. Ông bình luận việc này thế nào?

Việc Kiểm toán Nhà nước phát hiện những sai phạm trong trả lương ở SCIC là rất đáng hoan nghênh. SCIC là cơ quan nắm giữ tài sản, tiền vốn của nhà nước nhưng lại có vi phạm trong việc trả lương cho mình. Điều này cho thấy sự tùy tiện sử dụng vốn của SCIC. Trách nhiệm trước tiên thuộc Bộ Tài chính.

Thứ hai, về mặt đạo đức và trách nhiệm của công dân, năm 2008 và 2009 là năm đất nước rất khó khăn, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, kêu gọi giảm chi tiêu, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhưng lãnh đạo SCIC lại vi phạm mức quy định về mức lương đến như vậy thì không biết việc SCIC thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ thế nào? Đây là vấn đề cần được giải trình cho công luận biết.

Mặt khác, hiệu quả hoạt động của SCIC vẫn còn khiêm tốn, vẫn còn việc thất thoát vốn nhà nước trong đầu tư vào Jestar Pacific Airlines và các vấn đề khác nữa, những việc đó cũng cần được giải trình.

Vấn đề không phải là rút kinh nghiệm cho từng trường hợp mà cần phải xem xét lại toàn bộ quy chế quản trị đối với các tổng Cty, tập đoàn nhà nước.

Dường như họ có suy nghĩ mình là các “anh cả đỏ” nên phải có quy chế đặc biệt. Nếu mọi doanh nghiệp nhà nước đều có suy nghĩ như vậy thì rất nguy hiểm.

Vì sao phải xem xét lại hệ thống quản trị tại các doanh nghiệp này?

Vì sai phạm ở SCIC trong thời gian dài, tại sao Ban kiểm soát, HĐQT của SCIC lại không có ý kiến gì. Rồi Đảng ủy của cơ quan cũng không phát hiện gì. Chỉ khi kiểm toán vào thì mới phát hiện ra.

Có thể thấy, cơ chế quản lý nội bộ của các doanh nghiệp về hình thức thì có đầy đủ cả cơ quan kiểm tra, giám sát nhưng vẫn không phát hiện được sai phạm. Chúng ta cần xem xét lại cơ chế hoạt động của các cơ quan này, đồng thời bổ sung quy định công khai minh bạch cả việc lãnh đạo doanh nghiệp làm gì, kết quả đạt được, tiền lương thế nào...

Quốc hội cần giám sát lương lãnh đạo tập đoàn ảnh 2

Đến 31-12-2008, SCIC đã bán vốn nhà nước tại 70 doanh nghiệp với giá trị thực tế thu về là 211 tỷ đồng (Biểu đồ thể hiện SCIC sở hữu vốn ở một số ngành). T.L (st)

Lợi ích cá nhân thắng

Lãnh đạo một số tập đoàn, tổng Cty lớn cho biết họ đang phải điều hành doanh nghiệp có đóng góp lớn thu nhập cũng chỉ ở 20-40 triệu đồng/tháng, trong khi lãnh đạo SCIC kinh doanh thuần phần vốn của nhà nước thu nhập lại quá cao. Vậy có thỏa đáng?

Vấn đề này cũng nên để SCIC và Bộ Tài chính trả lời. Thực tế này phản ánh sự bất bình đẳng nói chung trong kinh tế thị trường. Có thể thấy các tập đoàn, tổng Cty lớn như dệt may, cơ khí thì mức lương của lãnh đạo ở đây giới hạn nếu so với các cơ quan quản lý tài chính hay ngân hàng.

Để kéo dài thực trạng lương bất bình đẳng thế này đến sang năm thì có thể lương của lãnh đạo SCIC khi đó lên tới 100 triệu đồng/tháng. Sau khi thông tin được đưa ra không thấy có lãnh đạo nào của SCIC hay Bộ Tài chính có ý kiến gì hết. Trách nhiệm ở đâu?

Có ý kiến cho rằng, lãnh đạo của SCIC là nguyên Thứ trưởng Bộ Tài chính còn Bộ trưởng Tài chính đương nhiệm thì giữ chức Chủ tịch HĐQT SCIC nên cơ chế đặc thù về lương thưởng dễ dàng được thông qua hơn, ông nghĩ sao?

Ở đây phải nói đến việc một người đảm nhiệm hai vai. Bộ trưởng Bộ Tài chính thì phải lo quản lý nhà nước và khi bộ trưởng kiêm thêm chức Chủ tịch HĐQT SCIC thì ông ta phải lo cho lợi ích của doanh nghiệp. Như thế xung đột lợi ích. Trong trường hợp này chúng ta thấy lợi ích cá nhân mạnh hơn lợi ích của đất nước. Và khi đó, việc duy trì, quản lý lợi ích của đất nước khó mà thực thi nghiêm chỉnh được.

Phải giám sát

Thực tế, chênh lệch thu nhập giữa lãnh đạo doanh nghiệp với nhân viên khá lớn, gấp cả chục lần, ông có cho như thế là hợp lý?

Kinh tế thị trường trên thế giới có hai mô hình điển hình: Mô hình của Nhật Bản và của Mỹ. Ở Nhật, giới lãnh đạo có mức lương cao hơn người lao động từ 10 đến 15 lần. Khi có khó khăn như trong cuộc khủng hoảng vừa rồi thì các lãnh đạo đứng ra xin lỗi người lao động và tự trừ 30 hay 50% lương của mình.

Còn ở Mỹ thì mức chênh lệch giữa lãnh đạo và người lao động có thể lên tới trên 30 lần. Khi có khủng hoảng, gặp khó khăn thì các doanh nghiệp này thường chọn phương án sa thải nhân công. Ngay cả khi có thua lỗ lớn thì các lãnh đạo doanh nghiệp ở Mỹ cũng không chịu từ bỏ khoản tiền thưởng của mình.

Chúng ta còn nghèo và cần giữ mức bình đẳng tương đối trong thu nhập. tôi nghĩ cần có sự xem xét tương đối về mức chênh lệch thu nhập giữa lãnh đạo và nhân viên. Nhà nước nên ấn định một mức chung cho các tập đoàn, tổng Cty chứ không nên để họ tự định ra các cơ chế đặc thù với lương rất cao rồi lại vẫn vi phạm trả lương cao hơn nữa.

Liệu có cần rà soát lại toàn bộ phần lương, thưởng tại các tập đoàn, tổng Cty nhà nước?

Theo tôi, Quốc hội cần vào cuộc giám sát vấn đề lương, thưởng của các tổng Cty, tập đoàn, đảm bảo sự công bằng xã hội. Quốc hội đã có các đường hướng cơ bản về thu chi ngân sách của năm 2009. Những việc này rõ ràng là không thực hiện đúng định hướng thì tôi nghĩ Quốc hội cần vào cuộc và có ý kiến về việc này.

Cảm ơn ông!

Phạm Tuyên thực hiện

MỚI - NÓNG