Khi vừa mới bắt đầu ra sân, khán giả đã phải chứng kiến sự kiện hy hữu chưa từng có trong lịch sử bóng đá nước nhà khi không được nghe Quốc ca Việt Nam trong trận đấu của đội tuyển Việt Nam. Ca khúc đã bị tắt tiếng và trên màn hình hiện lên dòng chữ "Vì lý do bản quyền âm nhạc, chúng tôi buộc lòng phải tắt tiếng ở phần lễ chào cờ. Sau lễ chào cờ, tín hiệu âm thanh sẽ trở lại bình thường. Mong quý vị và khán giả thông cảm". Tuy nhiên, nếu theo dõi trận đấu trên sóng truyền hình thì khán giả vẫn có thể nghe rõ bài hát Tiến Quân ca - Quốc ca.
Sự việc này xảy ra khiến nhiều khán giả bức xúc, rất nhiều dòng cảm xúc bày tỏ trên các mạng xã hội cho rằng: Dù bất kỳ lý do gì đi chăng nữa thì việc ngắt tiếng phần hát Quốc ca của các cầu thủ trong trận bóng đá này là không thể chấp nhận được bởi Quốc ca là hồn cốt của dân tộc, không thể vì lý do cá nhân “đánh gậy” bản quyền mà xâm phạm vào tác phẩm âm nhạc đã nằm lòng trong trái tim nhân dân Việt Nam.
Họa sĩ Văn Thao, con trai cố nhạc sĩ Văn Cao gần đây đã lên án việc một đơn vị xác nhận sở hữu bản quyền ca khúc “Tiến Quân ca - Quốc ca” do nhạc sĩ Văn Cao hiến tặng cho nhân dân và Tổ quốc.
Hình ảnh dòng chữ ngắt tiếng bài hát Quốc ca trên màn hình. |
Theo họa sĩ Văn Thao, bài “Tiến Quân ca” được nhạc sĩ Văn Cao sáng tác từ cuối năm 1944. Ông sáng tác bài hát với quan điểm là để tuyên truyền, cổ động cho lực lượng vũ trang âm nhạc với ca từ ngắn gọn, khúc triết, dễ thuộc để mọi người có thể hát được.
Bài hát ngay sau khi ra đời đã được đón nhận và lan tỏa rất nhanh. Khi trở thành Quốc ca, mọi người hỏi ông là có chủ ý sáng tác cho Quốc ca, nhạc sĩ Văn Cao khi đó đã trả lời là ông không có ý nghĩ viết bài này để trở thành Quốc ca mà chỉ nghĩ là một bài hát cách mạng, bài ca yêu nước như nhiều ca khúc nhưng khi trở thành Quốc ca là do giá trị bài hát đó làm nên.
Họa sĩ Văn Thao cho rằng, tự đứa con tinh thần làm nên giá trị của nó chứ không phải tác giả muốn là được. Những chuyện “lùm xùm” liên quan đến bản quyền âm nhạc đối với bài Tiến quân ca là hoàn toàn sai phạm, gia đình tôi đã trao bài hát "Tiến Quân ca" cho Tổ quốc, cho nhân dân. Bây giờ, quyền tác giả là hoàn toàn thuộc về tài sản Quốc gia, của Nhà nước.
Trao đổi với Báo Quân đội nhân dân Điện tử, nhạc sĩ Lân Cường rất bức xúc trước sự việc trên. Ông cho rằng, trong một trận đá bóng mang tầm quốc gia hay bất kỳ một sự kiện nào có phần chào cờ thì không thể chấp nhận được việc bài Quốc ca bị ngắt tiếng vì lý do bản quyền.
Nhạc sĩ Lân Cường chia sẻ, khi âm nhạc của bài Tiến Quân ca vang lên thì người Việt Nam từ già đến trẻ đều thể hiện sự nghiêm túc, trọng thị trong đó, đặt tay lên trái tim mình, hướng ánh mắt về lá cờ đỏ sao vàng và hát bài Quốc ca. Điều này này thể hiện tình yêu với Tổ quốc vô cùng thiêng liêng. Vì vậy, cho dù là chương trình chỉ phát trên các nền tảng xã hội cũng cần phải xử lý nghiêm khắc.
Các nghệ sĩ khi làm các MV ca nhạc Quốc ca như ca sĩ Tùng Dương, Minh Quân… cũng không bao giờ nghĩ rằng làm MV như vậy để đưa lên Youtube kiếm tiền bằng MV đó bởi ai mang trong mình dòng máu Lạc Hồng thì đều có những cảm xúc đặc biệt mỗi khi đặt tay lên ngực và hát Quốc ca.
Nhiều ca sĩ làm MV ca nhạc Quốc ca vì màu cờ Tổ quốc chứ không bao giờ nhằm mục đích kinh doanh thì hà cớ gì mà một cá nhân nào đó lại lợi dụng cả Quốc ca “đánh gậy” bản quyền.
Trong buổi tường thuật trực tiếp trận bóng đá giữa đội tuyển Việt Nam - Lào không phải khán giả nào cũng xem trên sóng truyền hình. Có rất nhiều khán giả trẻ xem trực tiếp trên các nền tảng mạng xã hội. Vì thế sự việc ngắt tiếng bài hát Quốc ca ảnh hưởng rất lớn đến tinh thần, lòng tự tôn dân tộc, đặc biệt là thế hệ tương lai của nước nhà.
Không ai được phép mang tài sản Quốc gia để trục lợi cho mục đích cá nhân. Cơ quan chức năng phải xử lý nghiêm khắc vấn đề này, không thể lợi dụng cơ chế thị trường mà đảo ngược mọi vấn đề.
Link bài gốc:
https://www.qdnd.vn/van-hoa/doi-song/quoc-ca-bi-ngat-tieng-vi-ly-do-ban-quyen-trong-tran-bong-da-viet-nam-lao-can-xu-ly-kip-thoi-679735