Quê hương nghĩa trọng tình cao

Quê hương nghĩa trọng tình cao
TP - Ngôi nhà của Đại tướng ở làng An Xá, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình - quê của hai nhân vật nổi tiếng đứng ở hai chiến tuyến trong lịch sử Việt Nam thế kỷ 20: Võ Nguyên Giáp và Ngô Đình Diệm. Xin chép hầu bạn đọc những câu chuyện lượm lặt quanh ngôi nhà và mảnh đất lịch sử này.

> Kỳ 5: Với người chụp ảnh của Đại tướng
> Kỳ 4: Quý vật gặp quý nhân
> Kỳ 3: Chuyện của nhà văn Sơn Tùng
> Kỳ 2: Một chiều nghiêng Ba Đình
> Kỳ 1: Kỷ niệm nhỏ về một sự kiện lớn

Hồi đường Hồ Chí Minh xuyên Bắc Nam mới thông, đến địa phận Quảng Bình, có một tấm biển đề hướng rẽ vào nhà Đại tướng ở huyện Lệ Thủy. Ý chừng cũng để làm cái việc quảng cáo du lịch? Nhưng Đại tướng biết được đã cho bỏ.

Đến Lệ Thủy, chỉ phải hỏi thăm một tẹo. Dân trong này, nhất là đến huyện Lệ Thủy thì ai cũng tận tình lẫn chút hồ hởi khi chỉ đường đến nhà Đại tướng.

Ông Võ Đại Hàm thuần thục hướng dẫn, thuyết minh cho khách. ảnh: Xuân Ba
Ông Võ Đại Hàm thuần thục hướng dẫn, thuyết minh cho khách. ảnh: Xuân Ba.

Trông coi ngôi nhà của Đại tướng là ông Võ Đại Hàm, một người cháu của Đại tướng. Người dong dỏng, khách thăm rất thích ông vì ai ông cũng chịu chuyện, mặn chuyện cả.

Ông Hàm kể trước đây thương ông là con liệt sĩ, Đại tướng đưa ông ra Hà Nội từ bé, cho học hành tử tế. Rồi ông được theo học khoa điều khiển học ở trường đại học Thanh Hoa (Trung Quốc). Học đến năm thứ 3 thì nổ ra Cách mạng Văn hóa, ông về học tiếp ở ĐH Bách khoa.

Tốt nghiệp về làm ở nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo vài năm, ông phải về quê vì hoàn cảnh gia đình. Rồi ông được Đại tướng tin cẩn trao trách nhiệm phục dựng và trông coi ngôi nhà này.

Tại sao phải phục dựng? Câu chuyện ông Hàm đưa tôi về năm 1947.

Pháp bí mật bất ngờ tập kích làng An Xá khi đó là vùng tự do. Mặc dù ta đã lường tính, đã có kế hoạch đưa ông cụ và bà cụ thân sinh Đại tướng lên chiến khu nhưng chỉ có mỗi cụ bà với người con trai thứ là Võ Thuần Nho kịp lên. Ông cụ bị chúng bắt rồi bí mật đưa vào nhà lao Thừa Phủ trong Huế. Ông bị đánh đập dã man và mất sau đó.

Tôi ngồi đôi hồi một chi tiết... Cũng không rõ bởi chả có sách nào chép và người cháu Võ Đại Hàm này cũng chưa thấy nhắc đến? Có truyền khẩu rằng khi bọn Pháp bắt ông cụ đưa vô nhà lao Thừa Phủ, chúng đã làm cái việc bắn tin hoặc đặt điều kiện chi đó với vị Tổng tư lệnh lực lượng vũ trang Việt Minh đang ở chiến khu Việt Bắc về sự an nguy của người cha?

Có chuyện đó? Hay chỉ là sự đồn thổi? Kẻ thù của Tướng Giáp có lẽ chẳng thiếu gì mưu ma chước quỷ? Nếu sau này có ai làm cái việc viết tiểu sử về Đại tướng có lẽ cũng phải tính đếm đến chi tiết này?

Mãi sau năm 1975 vài năm, phần mộ Liệt sĩ Võ Quang Nghiêm, thân sinh Đại tướng mới được đưa từ Huế về Lệ Thủy.

Võ Giáp rất mực gần gụi, tôn kính cha mình. Những năm tháng thơ ấu, Võ Giáp học với cha. Buổi tối cụ chỉ dùng 3 bát cháo trắng ăn với cà muối mà cụ gọi là sâm của người nghèo. Trước khi đi ngủ cần nhất là xoa tay chân cho nóng. Nếp ấy, người con của cụ là Đại tướng giữ mãi về già!

Lại nói về cái đận bất ngờ ập vô An Xá, trước khi rút chạy, bọn Pháp đã cho phóng hỏa thiêu rụi ngôi nhà, khiến nó gần như chỏng trơ hoang tàn. Hòa bình rồi mãi sau này, có nhiều ý kiến đề nghị Đại tướng phục dựng lại ngôi nhà theo nếp xưa nhưng ông không đồng ý. Mãi đến những năm cuối chín mươi, việc phục dựng ngôi nhà Đại tướng mới được tiến hành nhưng cũng phải nhiều lần nói khó với ông rằng con cháu về quê, ngoài nơi thờ tự ông bà phải có chỗ mà ngủ lại này khác?

Cứ như ông Hàm cho hay thì toàn bộ nhà cửa sân sướng cổng rã đều theo kiểu phục dựng chứ không làm mới, làm thêm chi hết! Toàn bộ sơ đồ mô hình đều theo kiểu của người em Võ Thuần Nho vẽ theo trí nhớ.

Bao quát một lượt khu nhà phục dựng, dẫu có trên chua dưới gõ (chua là thứ gỗ thuộc nhóm 3 nhóm 4, gõ có thể là gỗ gụ? Cung cách xây cất của những nhà gọi là dư dật có máu mặt trước đây ở vùng này?), nhưng cứ như ông Hàm cho hay, hoàn toàn rập theo nếp cũ thì quả là ngôi nhà xưa của Đại tướng chả thấm tháp chi với lối xây cất cùng vật liệu của những ngôi nhà được coi là theo lối cũ bây giờ? Tóm lại là bần bạch.

Người anh kế của Đại tướng học rất giỏi. Nhưng coi lá số mệnh yểu... Một ông thày khuyên nên uống mực nho cho dạ tối bớt đi thì mới nuôi được (!?) Nhưng gìn giữ cách gì cũng không vượng được... Người anh kế Võ Giáp đã mất năm lên 8 vì bạo bệnh. Ba người chị gái của bác Giáp cũng không được học hành đến nơi đến chốn. Toàn bộ kinh tế tiềm lực gia đình dồn trút cho hai anh em là Giáp và Nho.

Ngôi nhà được phục dựng xong, Đại tướng về thăm.

Đến cổng, ông đi tới đi lui một hồi và cho biết không phải cái cổng ở vị trí này. Ngày trước cụ ông mở cổng không có cái kiểu xộc thẳng vô nhà như thế mà chếch đi, lối vào cũng gấp khúc theo con mắt phong thủy.

Thế là cái cổng vô nhà được sửa như bây giờ. Hàng chè tàu trồng năm 1978. Hàng hiên lát lại năm 2000.

Cây roi chiết từ vườn nhà ngoài Hà Nội, đường Hoàng Diệu. Cây cối trong vườn quý nhất có cây khế. Ông Hàm kể khi bác Giáp lớn lên đã sum suê, bác thường ngồi đọc sách dưới gốc khế. Nhưng trước đây, trong vườn quý hơn cả là một gốc mít cổ thụ mé trước nhà. Mùa lụt năm Tân Hợi, bác Giáp cất tiếng khóc chào đời dưới gốc mít này. Tôi băn khoăn sao cụ bà lại sinh bác Giáp dưới gốc mít? Nhà cửa sẵn kia? Ông Hàm cười cái lệ thời ấy, phụ nữ vượt cạn phải tạm lánh một nơi khác. Nơi khác chính là cái chòi cất dưới gốc mít. Gốc mít cổ thụ không còn. Theo gợi ý của Đại tướng nên trồng lại cây mít. Cây mít trồng lại ấy vài năm đã xanh tốt nhưng chưa bói quả.

Dẫu nhà cửa bần bách, dẫu có biết bao đổi thay về xây cất đường sá làm mới này khác nhưng Lệ Thủy có vẻ vẫn là nơi khuất nẻo của Quảng Bình? Nhưng nhiều, rất nhiều khách thăm đã tìm về nơi này. Nhớ lúc mới đến ngó qua cuốn sổ ghi cảm tưởng (được biết hết trang đã phải thay mấy bận), những dòng chữ cảm động biết ơn, khâm phục lẫn ngỡ ngàng về vẻ dung dị của ngôi nhà...

Hương trên bàn thờ tổ tiên chúng tôi dâng lên mới ngún vài tấc, ấm trà ông Hàm pha chưa kịp rót mà ngoài cổng đã lại lao xao một đoàn khách. Lúc quay trở ra, lại thấy mấy ông Tây ba lô ngấp ngé ngoài ngõ. Ban nãy ngó cung cách ông Hàm tiếp chuyện lẫn giới thiệu cho một đoàn khách khá sang từ Hà Nội vào và mấy ông nông dân ở một xã ở huyện Bố Trạch, Quảng Bình, không biết ông đã qua một trường lớp nào của ngành du lịch lẫn bảo tàng chưa mà khá nhuần nhuyễn?

Chẳng phải như một đoạn băng đã quay sẵn bất kỳ đối tượng khách nào cũng phát lại na ná mà tùy từng dạng khách, ông Hàm có lối chuyện lẫn thuyết trình khá sinh động. Lại nhớ dai. Ưu điểm nữa không bốc không vống lên. Chợt nhớ đã qua bao nhiêu thứ chờn chợn lẫn ngường ngượng khi qua một vài di tích văn hóa danh nhân. Người giới thiệu thuyết minh (có không ít người là trực hệ là trong dòng tộc) vống lên những điều không có hoặc ít xuýt ra nhiều!? Nhưng ở đây, cứ như thể bác nào cháu ấy, nơi chốn cùng hương tịch nhưỡng này, sự thật lịch sử vẫn cứ phải là nghiêm ngắn, phân minh. Hóa ra ông Hàm bộc bạch rằng, bác Giáp nhiều lần dặn ông, cháu luôn nhớ là đang thay bác tiếp chuyện với người đến thăm nhà mình đấy nhé.

Công việc của ông Hàm kể cũng độc đáo. Công cụ, phương tiện sử dụng thường xuyên thường trực thường ngày là tấm lòng. Sao cho tấm lòng đến với tấm lòng. Quên chưa kịp hỏi ông với thứ lao động đặc thù này, thù lao cho ông được tính thế nào đây?

Rời nhà Đại tướng một đoạn, tôi đứng bên con hói (ngòi) như cái mương nhỏ thông với sông Kiến Giang. Con hói ấy có từ thời nhà Mạc. Truyền rằng đám phong thủy địa lý thời ấy phao lên vùng đất này của Quảng Bình rất vượng địa, vượng khí. Phải trấn yểm không thì sẽ sinh loạn (!?) Việc trấn yểm ấy do Mạc Mậu Hợp khởi xướng bằng cách đào một con hói như một dòng mương nhỏ cắt Phong Lộc ra làm hai. Con mương đó cho ăn thông với dòng sông Kiến Giang. Không rõ việc trấn yểm ấy có linh hay không nhưng đầu thế kỷ XX vùng đất này đã xuất hiện hai nhân vật.

Bên này con hói là nơi chôn rau cắt rốn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Còn bên kia con hói là mạch đất của dòng họ Ngô. Mặc dầu sinh ở Huế nhưng quê gốc Ngô Đình Diệm cùng gia đình họ Ngô bám và phát tích từ mạch đất này! Hồi xây dựng Đại Phong lá cờ đầu về nông nghiệp Sóng Duyên Hải gió Đại Phong, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh cho khơi rộng con ngòi. Trong Nam ầm lên cái tin Nguyễn Chí Thanh học nhà Mạc cắt long mạch trù ếm Ngô Tổng thống (!?) Đại tướng nghe được cười, sao ngu thế, khơi rộng cho thuyền bè qua lại dễ dàng...

Một hồi lâu chuyện vãn bên quán nước, theo hướng tay chỉ của bà chủ quán, tôi lần đến một ngôi nhà xây khá khang trang cách quán không xa. Chủ nhà là một người đàn ông dong dỏng khó đoán tuổi vồn vã mời tôi vào. Tục quý khách ở đây là thế mặc dầu chưa biết khách là ai. Giường bên, bà vợ ông đang đút cháo cho một cụ bà ngó vẻ ốm yếu.

Câu chuyện với ông chủ nhà Ngô Quốc Dược cứ dài mãi ra...

Tên khai sinh là Ngô Đình Dược phải đổi tên lót đi. Chi, nhánh rồi những trực hệ thế nào đấy không rõ nhưng ông có thể nói khá gần với nhà họ Ngô ở Lệ Thủy!

Bố ông, Ngô Đình Tốn lao đao khốn khổ vì bị quy địa chủ may rồi được sửa sai. Hai anh em ông phải bỏ tên lót. Năm lần bảy lượt xung phong đi bộ đội kể cả viết đơn bằng máu mới được. Vào bộ đội ông ở sư 338 đóng quân ở Bỉm Sơn, Thanh Hóa rồi phấn đấu trở thành Đảng viên. Cũng phải qua 5 lần thẩm tra lý lịch. Vợ ông đang bón cháo cho mẹ chồng kia là người Hà Lâm, Hà Trung, Thanh Hoá cũng gần nơi ông đóng quân. Lấy vợ xa thế? Ở quê ông các cô gái sợ lấy chồng họ Ngô? Ông Dược cười... Ra quân ông dẫn vợ về quê.

Đất có tuần nhân có vận. Dần dà những năm tháng khốn khó rồi cũng qua... Chim có tổ người có tông, chất giọng ông Dược vẻ phấn khởi khi ông cho biết việc lập gia phả nối lại các chi đã một thời đứt đoạn kể cả việc bàn bạc để xây từ đường của họ ông bây giờ khá là thoải mái.

Nghe ông Dược mà chợt giật mình! Nào có lâu lắc xa ngái gì, những việc ấy chỉ ít năm trước thôi nó khó như tìm đường lên trời?

Nhà Đại tướng bị Pháp đốt rụi năm 1947. Hòa bình rồi, có nhiều ý kiến đề nghị Đại tướng phục dựng lại ngôi nhà theo nếp xưa nhưng ông không đồng ý. Mãi đến những năm cuối chín mươi, việc phục dựng mới được tiến hành nhưng cũng phải nhiều lần nói khó với Đại tướng rằng con cháu về quê, ngoài nơi thờ tự ông bà phải có chỗ mà ngủ lại.

Ghi chép của
Xuân Ba

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.