Quê hương Đồng khởi ngày ấy, bây giờ

Quê hương Đồng khởi ngày ấy, bây giờ
Đầu năm 2005, sau 45 năm cuộc Đồng khởi 1960, tôi về Bến Tre cảm nhận một cuộc Đồng khởi mới, người dân vùng lên quyết đổi thay cuộc sống, đổi thay những gì cũ xưa lạc hậu.
Quê hương Đồng khởi ngày ấy, bây giờ ảnh 1
Xơ dừa Bến Tre xuất ngoại

Nghèo khó điển hình của Bến Tre xưa và nay còn nghèo là xã Thạnh Hải miền biển huyện Thạnh Phú. Cán bộ xã kể câu chuyện mới mươi năm trước: Xã được huyện cấp cho một chiếc xe máy, mỗi lần chạy là con nít vây quanh không đi được. Bởi chúng thấy lạ!

Xứ hoang sơ lúc đó đường đi khó khăn, cách trở mới có vài chiếc xe đạp, 3 căn nhà tường xây từ hồi nảo hồi nào và tỷ lệ hộ nghèo đói ở mức 62,4%. Đầu năm 2000, tỷ lệ hộ nghèo đói cũng còn 42%.

Hôm nay, tôi theo xe ô tô chạy tới trụ sở xã, thấy ở đó đã có mấy chiếc ô tô của bà con trên TP Hồ Chí Minh về dự lễ cúng cá voi, còn xe máy thì không cần tính. “Tỷ lệ hộ nghèo đói chỉ còn 10,4% trong tổng số 1.796 hộ toàn xã”- Bí thư Đảng ủy xã Trần Linh Côn cho biết.

Bến Tre gồm 3 hòn cù lao của sông Mê Kông: Cù lao Minh, Bảo và An Hóa, hiện là tỉnh duy nhất ở ĐBSCL còn bị tách biệt với cả nước. Phải chờ cầu Rạch Miễu hoàn thành mới xoá được sự tách biệt ấy. Bên trong thì sông rạch chằng chịt chia cắt cũng vào hạng bậc nhất ĐBSCL.

Bến Tre từ hồi nào có câu: “Làm cầu rồi lại làm cầu, làm cầu cho đến bạc đầu chưa xong”. Cho nên, ô tô về tới trung tâm xã Thạnh Hải hạng nghèo nhất, xa nhất là sự đổi thay to lớn của Bến Tre.

Ở Bến Tre, có Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Lê Thị Đấu đem tiền làm cầu bê tông qua con kinh rộng ở ấp 3, xã Châu Bình (Giồng Trôm) quê mẹ “cho sắp nhỏ đi học khỏi té”, mẹ nói như vậy. Cũng ở Bến Tre, ông Trịnh Văn Y (Trịnh Mai Sơn) Phó chủ tịch UBND tỉnh khi  nghỉ hưu xung phong đi làm cầu, được bà con thân mật gọi là ông Hai “làm cầu”.

Nhiều người ở xa mến ông, tin ông mà hướng về quê hương Đồng Khởi. Anh em nhà giáo nghỉ hưu Lê Tuấn Hiền, Lê Thị Hồng Lập góp 120 triệu đồng, ông Huỳnh Ngọc Triển góp 100 triệu đồng... Kết quả làm được 75 cầu, 11 cây số đường nhựa.

Tấm lòng chân tình của ông Hai còn thuyết phục được kỹ sư Toni Ruttimann người Thuỵ Sỹ góp tiền làm 2 cầu treo Giồng Trôm. Về Thuỵ Sỹ, anh gửi e-mail cho ông Hai báo tin đang vận động tiền quyết làm đủ “20 cây cầu nho nhỏ cho người nông dân Bến Tre” để “mặt trời không bao giờ lặn trên những cây cầu hữu nghị”.

Quê hương Đồng khởi ngày ấy, bây giờ ảnh 2
Cầu treo An Điền dài 167,89m một trong những cầu treo đẹp nhất ở nông thôn ĐBSCL

Trong 4 năm, Bến Tre làm được 1.600 cầu, tráng nhựa hoặc đổ bê tông 1.520 km đường giao thông nông thôn. Các tuyến đường liên ấp hoàn toàn do dân làm, dân chủ động di dời các công trình để nhường đất và nếu có khúc mắc thì được giải quyết giữa những người xóm giềng.

Đi lên với hai chiều văn hóa

Về huyện Mỏ Cày, đi theo con sông Thom, thấy hai bên bờ san sát cơ sở chế biến dừa thủ công. Phó bí thư Thường trực Huyện ủy Trương Nghĩa khoe: “Hơn 210 cơ sở dọc sông này, giải quyết việc làm cho hơn 5.000 người”. Mỏ Cày đất chật người đông (27 xã, thị trấn với gần 300.000 dân) có cây dừa làm hàng xuất khẩu đã giảm bớt khó khăn.

Xã An Thạnh nằm bên bờ sông Thom, Chủ tịch UBND xã Ngô Văn Bình cho biết: “Năm 2004 xã thu ngân sách 550 triệu đồng, nhờ thuế TTCN”. Chợt nhớ Bến Tre là địa phương đầu tiên ở ĐBSCL dùng ong ký sinh diệt bọ cánh cứng cứu rừng dừa.

Để thoát đói nghèo lạc hậu, sức dân là cả sức mạnh khoa học kỹ thuật đưa vào cuộc sống. Bến Tre nhiều năm đói nghèo và tỷ lệ đói nghèo cao nằm ở vùng ven biển. Nay vùng ven biển là vùng kinh tế mũi nhọn.

Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, ông Cao Tấn Khổng kể: “Mới đây chúng tôi họp mặt kỹ sư thủy sản, cả tỉnh có hơn 300 người, trong đó người quê gốc Bến Tre chỉ khoảng bảy chục”. Từ năm 2000, xác định vùng nước mặn là một lợi thế kinh tế, Bến Tre chủ động liên hệ với trường Đại học Thủy sản Nha Trang mời sinh viên đến thực tập, qua đó kêu gọi họ về công tác khi tốt nghiệp cộng với chính sách khuyến khích liên kết giữa những người có vốn, có kỹ thuật, có đất để mở ra 42.371 ha nuôi trồng thủy sản, trong đó 5.328 ha nuôi tôm công nghiệp.

Đánh bắt hải sản trên biển ở Bến Tre cũng hình thành những tổ liên kết để giảm chi phí, thu hiệu quả kinh tế cao nên tình hình trả vốn vay đóng tàu đánh bắt xa bờ không gay gắt như nhiều nơi khác. Bí thư Đảng ủy xã nghèo Thạnh Hải- Trần Linh Côn hể hả: “Trước đây học sinh cấp 3 tìm đỏ con mắt nhưng năm 2004 xã đã có 10 em đậu vào các trường đại học, cao đẳng, 2 em đậu vào trường chuyên của tỉnh. Ngân sách cũng đưa được 7 người đi học đại học, 6 người đi học trung cấp, năm tới ra trường rồi. Mừng lắm!”.

Một lúc, Bí thư Côn tâm sự: “Trong xã có một địa điểm hồi xưa đánh giặc bộ đội ta hy sinh nhiều, nhân dân đang yêu cầu dựng bia kỷ niệm”. Bến Tre dày đặc địa danh ghi chiến công cũng như sự hy sinh của bộ đội và nhân dân qua cuộc chiến tranh giải phóng, nay có hơn 35.000 gia đình liệt sỹ. Đó là một gánh nặng của quá khứ để lại nhưng cũng là nguồn lực to lớn giúp Bến Tre đi tới.

Nhân dân đã đóng góp xây dựng nhiều tượng đài, bia kỷ niệm và yêu cầu của nhân dân xã Thạnh Hải là những biểu hiện của sức mạnh ấy. Không phải ngẫu nhiên báo Đồng Khởi Xuân 2005 dành gần 2 trang giới thiệu “những di sản văn hóa và thiên nhiên của nhân loại tại Việt Nam”.

Trò chuyện với ông Lê Kim Hùng - Bí thư Đảng ủy xã Định Thủy (Mỏ Cày), nơi khởi phát ngọn lửa Đồng Khởi năm 1960, thì biết Á hậu 2 của Hoa hậu Việt Nam 2004 Nguyễn Thị Ngọc Bích nhà cách trung tâm xã dăm cây số. Mỗi cuộc Đồng Khởi ở Bến Tre cho đất nước những tên tuổi đẹp: Đồng Khởi năm 1960 là nữ tướng Nguyễn Thị Định, nữ Anh hùng Tạ Thị Kiều, cuộc Đồng Khởi thoát đói nghèo hôm nay là những Người đẹp xứ Dừa trên thương trường và trong các cuộc thi Hoa hậu. Nắng Xuân - Giải - Phóng thật rực rỡ trên “ba đảo dừa xanh lộng gió thơ”.

MỚI - NÓNG