Mảnh đất cất đại lý kinh doanh bia, số 598B5, đường Nguyễn Thị Định, vừa bị UBND tỉnh Bến Tre thu hồi. Ảnh: Sáu Nghệ
Làm xấu quê hương Đồng Khởi
Ông Huỳnh Văn Be, Anh hùng LLVTND, từ Tỉnh đội trưởng tỉnh Bến Tre lên làm Chủ tịch UBND tỉnh 3 năm, sau đó làm Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre hai nhiệm kỳ đến tháng 10/2010 nghỉ hưu, nói với PV Tiền Phong: “Vụ anh Ba Truyền (ông Trần Văn Truyền-PV) bị phanh phui đã làm quê hương Đồng khởi Bến Tre mang tiếng xấu với cả nước”.
Thưa ông, tại sao hồi nào, lãnh đạo tỉnh Bến Tre lại cấp cho ông Truyền nhiều nhà và đất?
Cấp ban đầu là đúng nhưng sai về sau, do nể nang này nọ. Mảnh đất số 598B5 Nguyễn Thị Định mà kết luận của Ủy ban Kiểm tra T.Ư đã chỉ rõ, năm 2003, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã yêu cầu anh Ba Truyền trả lại mảnh đất đáng lẽ phải thu hồi nhưng nể nang không thu hồi, kéo dài hết đời Chủ tịch UBND tỉnh nhiệm kỳ này đến nhiệm kỳ khác.
Cụ thể thì trách nhiệm của ai?
Trách nhiệm của nhiều người, tới đây kiểm điểm theo yêu cầu của Ủy ban Kiểm tra T.Ư sẽ làm rõ trách nhiệm của từng người, bây giờ tôi nói thì không hay lắm. Tuy nhiên, cũng theo Ủy ban Kiểm tra T.Ư, trách nhiệm chính phải là người nhận nhà và đất, vì cán bộ đảng viên phải nêu cao tính tự giác, nhận một tiêu chuẩn thôi còn lại phải trả. Thế nhưng anh Ba Truyền lại không trả dù đã được yêu cầu, còn kỳ kèo tiền san lấp mặt bằng cao thấp rất không hay. Mà giá trị những mảnh đất đã cấp cho anh Ba Truyền thật ra cũng không cao lắm đâu, bây giờ mang tiếng cho cả Bến Tre, nói ra thật khổ tâm.
Đúng là có những việc không lớn. Như mảnh đất số 598B5, Nguyễn Thị Định, chỉ phải nộp 16 triệu đồng để làm giấy chứng nhận quyền sử dụng mà ông Truyền cũng có đơn xin miễn. Đơn của ông Truyền đã xin thì ngành thuế cũng khó xử nhưng về trách nhiệm, rõ ràng cán bộ thuế vẫn phải chịu?
Tôi đã nói, nhà và đất của anh Ba Truyền diễn ra trong thời gian dài nên liên quan nhiều người. Sự nể nang kéo dài vì anh Ba Truyền sau này đứng đầu cơ quan chống tham nhũng của Chính phủ. Trách nhiệm của lãnh đạo tỉnh Bến Tre ở đây cũng rõ ràng là có vì nể nang, không kiên quyết.
Đề nghị đưa về ấp kiểm điểm
Ông thương binh cụt chân, sỹ quan quân đội nghỉ hưu Trần Thanh Quang nói: “Tôi đi lính cùng thời với ông Truyền, nhưng ông Truyền có chức vị cao mà lại gây tiếng xấu cho quê hương là tôi không chịu”. Ông Quang kể, lúc ông Truyền mới xây biệt thự, nhiều người dân tỏ thái độ không đồng tình, ông Quang phản ánh lên đảng ủy phường và đảng ủy thành phố, nói rằng đảng viên cần gương mẫu sống hòa hợp với dân nhưng không ai quan tâm. “Khi xây dựng xong, ông Truyền khoe là biệt thự có cả thảy 270 cánh cửa; riêng cổng và tường rào tốn hơn 3,5 tỷ đồng, trong đó chỉ hai cánh cửa bằng nhôm hợp kim giá 850 triệu đồng”, ông Quang nói.
Với kết luận của Ủy ban Kiểm tra T.Ư, nhiều cán bộ nghỉ hưu bày tỏ sự vui mừng vì chỉ rõ được việc làm sai của ông Truyền và hy vọng việc xử lý nghiêm túc. Thiếu tướng Nguyễn Hữu Vị, nguyên Tỉnh đội trưởng Bến Tre, nói: “Mới chỉ là kết luận trên giấy thôi, chúng tôi đang trông chờ việc xử lý đúng quy định của pháp luật để lấy lại niềm tin của dân”. Ông Phan Thanh Giảng, cựu Giám đốc Sở Thương mại tỉnh Bến Tre, cũng bày tỏ: “Mong không xử lý kiểu giơ cao đánh khẽ”.
“Tôi đề nghị để đảng viên Trần Văn Truyền về họp kiểm điểm từ chi bộ ấp. Chúng tôi biết ông Truyền từ lâu rồi, mấy năm nay sống gần càng biết rõ. Thế nên cần kiểm điểm nghiêm túc, đúng điều lệ của Đảng”, ông Quang đề nghị.
Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Võ Thành Hạo đã ký quyết định thu hồi đám đất cấp cho ông Trần Văn Truyền ở số 598B5, đường Nguyễn Thị Định, đang được con ông Truyền mở đại lý kinh doanh bia. Dự kiến, ngày 26/11, Ủy ban Kiểm tra T.Ư sẽ đến Bến Tre để công bố kết luận về những sai phạm của ông Truyền và trực tiếp chỉ đạo việc kiểm điểm các cá nhân liên quan.