Cuộc chơi của tỷ phú Thái và 3 tỷ phú Việt
Thị trường thịt cũng như thức ăn chăn nuôi nhận được sự quan tâm rất lớn, trong đó có 3 tỷ phú đô la của Việt Nam: Nguyễn Đăng Quang (Masan), Trần Đình Long (Hòa Phát) và Trần Bá Dương (Thaco).
Hoạt động chăn nuôi lợn của Thaco coi như vẫn ở vạch xuất phát khi mà mới chỉ được lên kế hoạch trong thời gian gần đây sau khi Thaco chính thức đầu tư chiến lược vào Hùng Vương (HVG).
THADI – công ty con phụ trách mảng nông nghiệp của THACO – dự kiến sẽ thành lập 1 số liên doanh sản xuất heo giống và thức ăn chăn nuôi. Bên cạnh đó, THADI còn dự kiến đầu tư chăn nuôi heo thịt theo tiêu chuẩn EFSA với quy mô 1,2 triệu con/năm.
Masan và Hòa Phát đều đã có 5-6 năm gia nhập thị trường. Masan "sau một đêm" trở thành công ty thức ăn chăn nuôi lớn thứ 2 thị trường khi mua lại cùng lúc 2 công ty top đầu là Proconco và ANCO để hình thành nên Masan Nutri-Science – hiện được đổi tên thành Masan MeatLife.
Không được nhắc đến nhiều nhưng điều khá bất ngờ là quy mô mảng nông nghiệp Hòa Phát (Hòa Phát Agri) duy trì đã tăng trưởng rất nhanh trong thời gian qua. Năm 2019, doanh thu mảng nông nghiệp của Hòa Phát tăng 72% lên xấp xỉ 8.000 tỷ đồng, đóng góp 12% tổng doanh thu toàn tập đoàn – đứng thứ 2 chỉ sau mảng thép.
Ông Trần Đình Long đầu tư 3 triệu USD vào khởi nghiệp?
Theo thông tin từ Tập đoàn Hòa Phát, hiện nay trên internet và mạng xã hội lan truyền thông tin, bài viết quảng bá, khuyến khích người dân tham gia đầu tư tiền ảo Bitcoin có tiêu đề "Ông Trần Đình Long đầu tư 3 triệu USD vào Doanh nghiệp khởi nghiệp, ông cho biết "Đó chính là tương lai". Nội dung trên còn được quảng cáo trên một số báo điện tử qua hệ thống Google Network.
Phía Hòa Phát khẳng định, bài viết này hoàn toàn sai sự thật, ông Trần Đình Long – Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát chỉ đầu tư, điều hành doanh nghiệp duy nhất là Tập đoàn Hòa Phát. Ông Long cũng chưa từng phát ngôn những nội dung được trích dẫn trong bài viết.
Hòa Phát cũng khẳng định cá nhân ông Long cũng như các thành viên Hội đồng Quản trị, Ban Điều hành Hoà Phát đều duy nhất chỉ làm việc cho Tập đoàn, không ai có doanh nghiệp riêng.
Tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo lấn sân sang bảo hiểm
Hệ sinh thái của nữ tỷ phú đô la duy nhất của Việt Nam Nguyễn Thị Phương Thảo mở rộng sang mảng bảo hiểm khi Công ty TNHH Bảo hiểm HD vừa thành lập ngày 19/5 và được cấp giấy phép hoạt động của Bộ Tài chính cùng ngày.
Đây là công ty bảo hiểm thứ 67 trên thị trường và là công ty bảo hiểm đầu tiên được cấp phép trong 2 năm qua. Lần gần nhất Bộ Tài chính cấp phép thành lập một công ty bảo hiểm là năm 2018, Bảo hiểm OPES (một công ty liên kết của VPBank).
Vừa qua, CTCP Hàng không Vietjet (Vietjet Air) – doanh nghiệp mà bà Phương Thảo đang giữ vị trí Tổng giám đốc, cũng vừa phê duyệt chủ trương thành lập công ty con có vốn điều lệ 50 tỷ đồng với ngành nghề kinh doanh chính là hoạt động cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán. Vietjet Air sở hữu 51% vốn điều lệ. Hiện thị trường Việt Nam có 34 doanh nghiệp được cấp giấy phép hoạt động trong lĩnh vực này.
Việc mở rộng sang lĩnh vực bảo hiểm và ví điện tử sẽ giúp hệ sinh thái của bà Thảo bao gồm Sovico - Vietjet - HDbank - HDSaison - HD Insurrance có đủ hạ tầng cung cấp đa dạng các sản phẩm tài chính cho tập khách hàng.
Con trai bầu Thắng bị xử phạt
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) vừa có Quyết định về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với ông Võ Quốc Lợi.
Ngày 27/6/2019, ông Võ Quốc Lợi đã thực hiện giao dịch mua 307.820 cổ phiếu TTF nhưng không báo cáo UBCKNN, Sở giao dịch chứng khoán Tp.HCM về việc dự kiến giao dịch.
Sự việc diễn ra trong bối cảnh TTF đang trong xu hướng tăng ngắn hạn với thanh khoản cải thiện đáng kể. Chốt phiên 17/6/2020, TTF dừng tại mức 3.060 đồng/cp.
Được biết, ông Võ Quốc Lợi là thành viên HĐQT Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (TTF). Ngoài ra, ông Võ Quốc Lợi là con trai của ông Võ Quốc Thắng (bầu Thắng - Chủ tịch Đồng Tâm Group).
Người nhà Chủ tịch Cao su Sao Vàng liên tục đăng ký thoái sạch vốn
Bà Nguyễn Thị Hằng Nga và bà Phạm Ngọc Hà, lần lượt là vợ và em gái ông Phạm Hoành Sơn, Chủ tịch HĐQT CTCP Cao su Sao Vàng (mã chứng khoán SRC) đều vừa thông báo bán toàn bộ số cổ phiếu đang sở hữu tại SRC nhằm mục đích giải quyết nhu cầu tài chính cá nhân.
Cụ thể, từ ngày 22/6 đến ngày 21/7/2020, bà Nguyễn Thị Hằng Nga đăng ký bán toàn bộ 882.250 cổ phiếu SRC, tương ứng 3,14%. Giao dịch được thực hiện theo phương thức khớp lệnh hoặc thỏa thuận.
Tương tự, cũng trong khoảng thời gian trên, bà Phạm Ngọc Hà cũng đăng ký bán hết hơn 1,4 triệu cổ phiếu SRC nắm giữ, tương ứng tỷ lệ 4,999%.
Nếu giao dịch thành công, ngoài ông Phạm Hoành Sơn, các cá nhân liên quan đến ông Sơn cũng sẽ không còn nắm giữ cổ phiếu SRC nào.
Con trai Chủ tịch Hòa Bình ứng cử HĐQT
Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC) vừa công bố tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên 2020 với kế hoạch doanh thu 12.500 tỷ, giảm 33% và lợi nhuận sau thuế 125 tỷ đồng, giảm đến 70% so với thực hiện năm trước. HĐQT HBC trình tỷ lệ cổ tức 2020 dự kiến trình cổ đông tỷ lệ 5% bằng tiền hoặc cổ phiếu.
Song song, Công ty cũng xin ý kiến cổ đông về mức chi trả thù lao cho HĐQT là 0,8% trên LNST cổ đông công ty mẹ. Nếu lợi nhuận sau thuế vượt kế hoạch, Công ty dự kiến trích 10% phần vượt để thưởng kích lệ, với tỷ lệ phân bổ 25% cho ban điều hành và 75% cho cán bộ trọng yếu.
HBC dự kiến bầu cử thành viên thay thế cho ông Trương Quang Nhật có đơn từ nhiệm Thành viên HĐQT từ 28/5/2020. Đáng chú ý, ứng viên là ông Lê Viết Hiếu, con trai Chủ tịch Lê Viết Hải. Được biết, ông Hiếu sinh năm 1992, tốt nghiệp cử nhân quản trị kinh doanh, chuyên môn tài chính doanh nghiệp tại một trường Đại học thuộc California, Mỹ, ông Hiếu có 2 năm làm chuyên viên tín dụng của Shinhan Việt Nam.
Từ tháng 12/2016 đến 5/2019, ông Hiếu đảm nhận vị trí Phó Giám đốc, Giám đốc Phát triển thị trường nước ngoài của HBC.