Quây tôn, xây nhà trên đất nông nghiệp: Vẫn 'thả gà ra đuổi'

0:00 / 0:00
0:00
TP - Thời gian gần đây, câu chuyện xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp xen kẹt lại làm "nóng" dư luận.

Trên địa bàn Hà Nội hiện nay, ở nhiều quận nội đô vẫn còn một số quỹ đất nông nghiệp xen kẹt hiện đang được giao dịch sôi động.

Theo ghi nhận của PV Tiền Phong, tại khu vực đường Âu Cơ (phường Nhật Tân, quận Tây Hồ), giá đất giao động từ 100 - 200 triệu đồng/m2. Trong khi đó, đất nông nghiệp xen kẹt chỉ có giá 6 - 10 triệu đồng/m2. Do giá chỉ bằng 1/10 so với giá đất thổ cư nên nhiều người ham rẻ mua đất khiến thị trường đất nông nghiệp cũng sôi động không kém giao dịch đất có "sổ đỏ".

Việc xây dựng trên đất nông nghiệp cũng có những phương pháp chung mà các hộ dân sử dụng. Đơn cử tại ngõ 264 Âu Cơ (phường Nhật Tân), cách đây vài năm số lượng hộ dân chỉ đếm trên đầu ngón tay, chủ yếu là các thửa đất trồng đào. Đến nay, các vườn đào đã nhường chỗ cho các căn nhà cấp 4. Các căn nhà ở đây nếu đang xây dựng hoặc vừa xây xong đều trong tình trạng quây tôn kín, chỉ chừa một cửa nhỏ thi thoảng mở ra cho xe vật liệu ra vào. Toàn bộ việc xây dựng được gói gọn trong khu vực quây tôn nên ít gây chú ý.

Quây tôn, xây nhà trên đất nông nghiệp: Vẫn 'thả gà ra đuổi' ảnh 1

Một công trình xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp tại quận Tây Hồ

Tình trạng xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp cũng diễn ra tại phường Tứ Liên, quận Tây Hồ nhiều năm qua.

Đối với quận Thanh Xuân, khu vực "nóng" nhất về đất nông nghiệp là phố Bùi Xương Trạch (phường Khương Đình), dù chính quyền phường có những đợt ra quân xử lý, cưỡng chế nhà xây trên đất nông nghiệp nhưng sau xử lý đâu lại vào đấy. Đặc biệt gần đây, khi báo chí phản ánh về việc một số mảnh đất ở đây được phát giá cao với lời hứa chắc chắn xây được nhà sau khi chi tiền "làm luật".

Xử lý kiểu "thả gà ra đuổi"

Lãnh đạo UBND huyện Đông Anh cho biết, việc xử lý nhà xây dựng trên đất nông nghiệp cần nhất sự sát sao của chính quyền các xã, thị trấn - nếu phát hiện càng sớm, việc ngăn chặn sẽ càng hiệu quả và tránh gây lãng phí cả với người dân và chính quyền. Được biết, từ đầu năm đến nay, lực lượng chức năng huyện phối hợp với UBND các xã đã xử lý xong 104 vụ vi phạm trong lĩnh vực đất đai.

Đại diện UBND phường Tứ Liên, quận Tây Hồ cho biết, từ đầu năm phường đã có nhiều kế hoạch để xử lý nhà kiên cố và nhà xưởng xây dựng trên đất nông nghiệp. "Chúng tôi kiên quyết không để phát sinh các công trình vi phạm mới trên địa bàn", vị này khẳng định.

Theo các chuyên gia, việc xử lý vi phạm như "thả gà ra đuổi", bởi cứ phá một vài công trình thì sau đợt xử lý lại mọc lên các công trình khác, vừa lãng phí nguồn lực, vừa không đạt được hiệu quả.

Đối với phản ánh của báo chí về việc "làm luật", "xây nhà cứng bên trong nhà tôn" tại phố Bùi Xương Trạch, phường Khương Đình, lãnh đạo quận Thanh Xuân cho biết, hiện quận đã giao cho Đội Quản lý trật tự xây dựng quận, phường Khương Đình kiểm tra hiện trường, có báo cáo lãnh đạo quận để phản hồi báo chí. Lãnh đạo quận Thanh Xuân cho biết thêm, từ năm 2021, Bí thư Quận ủy Thanh Xuân đã yêu cầu các phòng, ban chuyên môn lập bản đồ hiện trạng các khu đất nông nghiệp xen kẹt trên địa bàn. Lấy đó làm căn cứ xử lý các trường hợp xây dựng mới phát sinh. "Nếu có phát sinh mới, lãnh đạo phường, lãnh đạo các đơn vị liên quan trực tiếp chịu trách nhiệm", vị này thông tin.

MỚI - NÓNG