>Vào rừng tránh nắng nóng
>Người dân Thủ đô khốn khổ vì nắng nóng
Riêng huyện miền núi Tương Dương được ví như là “chảo lửa Đông Dương”, “lò sấy Đông Dương”. Từ sáng sớm, một số bà con khu vực Cửa Rào phải lùa gia súc, gia cầm trốn vào khe suối. Dọc tuyến đường liên xã Thạch Giám, Lượng Minh, thị trấn Hòa Bình, Lưu Kiền, rất ít người ra đường.
Chị Lô Thị Thu, trú ở Cửa Rào 1, xã Thạch Giám, Tương Dương cho biết, nếu như ngày bình thường, bà con trong bản lên nương làm rẫy, xuống sông Lam mò cua bắt ốc, thì trong mấy hôm nay nắng nóng gay gắt có lúc lên đến 43 độ C, mọi người tìm cách tránh nắng ngồi dưới bóng cây ở bờ sông.
Từ sáng sớm, người dân Con Cuông cũng ùn ùn kéo nhau vào khu vực thác Khe Kèm để trú nắng. Anh Vi Văn Lợi, ở xã Chi Khê, huyện Con Cuông cho biết, năm nào người dân Con Cuông cũng phải hứng chịu nhiều đợt nắng nóng gay gắt. Nhiệt độ ở đây lên đến 41 hoặc 42 độ C là bình thường. Riêng mấy ngày qua, nhiệt độ có lúc lên tới 43 độ C.
Vì thế, khu vực thác Khe Kèm, thuộc khuôn viên rừng Quốc gia Pù Mát là điểm trú nắng lý tưởng đối với người dân Con Cuông. Tại xã Môn Sơn, hầu hết các gia đình đồng bào dân tộc Đan Lai trong khe Khặng, Khe Bu ra tái định cư đều đóng cửa. Cụ Lô Văn Tư cho biết, do nắng nóng nên từ sáng sớm bà con đã lùa trâu bò vào rừng, sau đó ngược dòng sông Giăng qua các khe suối vừa để tránh nóng vừa đi bắt cua ốc.
Mặc dù nằm ở vùng đồng bằng, nhưng TP Vinh lại là địa bàn phải hứng chịu nắng nóng không kém phần. Ngoài nhiệt độ lên cao xấp xỉ các khu vực miền núi, TP Vinh còn là tâm điểm gió Lào (Phơn Tây nam) nên ở đây gió có thể làm cho da người bị cháy, khô gây khó thở. Vì thế, người dân thành Vinh phải tìm đủ mọi cách chống nóng.
Dạo quanh các ngõ phố, mới chưa đầy 9 giờ sáng 2-5, cơ quan, công sở, trường học mầm non… đã đóng kín cửa bật điều hòa nhiệt độ, quạt gió và quạt nước. Một số người dân sống trong các khu chung cư trốn nắng bằng cách tìm đến các quán bia hơi. Một số người dân lao động thì tìm bóng cây hoặc các chợ cóc để ngả lưng ra ngủ. Nhiều học sinh, sinh viên lại tìm đến các công viên để vừa tránh nắng vừa học bài.
Người lao động chỉ còn biết tìm bóng cây bên đường để ngủ trưa. |
Đến 15 giờ chiều 2-5, trên các tuyến phố của thành Vinh, người dân vẫn còn thưa thớt. Trong nắng nóng, phóng viên Tiền Phong đã chứng kiến nhiều mảnh đời mưu sinh dưới cái nắng như thiêu đốt. Anh Nguyễn Văn L. trú ở xã Trù Sơn, huyện Đô Lương cho hay: Anh làm nồi đất. Ngày bình thường, 6 giờ sáng anh cùng một số người bạn ở Trù Sơn bắt đầu thồ hàng từ Đô Lương xuống thành phố Vinh để bán. Mấy ngày qua, do nắng nóng nên anh L. phải dậy sớm hơn (lúc 1 hoặc 2 giờ sáng) để thồ hàng với quãng đường hơn 50 cây số đi bộ.
Non trưa, chưa bán được cái nồi nào, anh L. cùng mấy người bạn phải chui vào lều của chợ cóc ở phường Quang Trung mắc võng nằm trú nắng. Còn tại một ngã 6 của TP Vinh, một số lao động nữ tự do (quê ở xã Hưng Tây, huyện Hưng Nguyên) đã hết buổi trưa mà vẫn chưa có ai thuê làm, không ít người tựa gốc cây ngủ.
Tránh nắng dưới gầm nhà sàn Tại nhiều khu vực miền núi trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, nhiều người dân phải tránh nắng, nóng dưới gầm nhà sàn, bếp, ven các dòng suối. Theo bà Hà Thị Lênh (60 tuổi), ở bản Trình, xã Lũng Cao, huyện miền núi Bá Thước cho biết, từ 10h đến 16h hằng ngày, trong suốt gần một tuần qua, ở đây có nắng nóng trên 39 độ C. Người dân tranh thủ đi làm cỏ lúa, ngô, sắn vào lúc 5h đến 9h sáng hằng ngày. Thời gian còn lại, dân tránh nắng bằng cách xuống gầm nhà sàn, vào bếp hoặc ra ven các bờ suối. |