Quanh giải thơ 'Con ve sầu'

TP - Lễ trao giải thơ Cikada của Thụy Điển cho nhà thơ Việt Nam Mai Văn Phấn diễn ra tối mồng 1 tháng 12 vừa qua, tại Văn Miếu (Hà Nội). Mai Văn Phấn là nhà thơ thứ hai của Việt Nam, trước đó là nhà thơ Ý Nhi,  đoạt giải thưởng này.
Nhà thơ Mai Văn Phấn nhận Chứng nhận giải thưởng Cikada. Ảnh: Nguyễn Đình Toán.

Giải ngoại kém long trọng hơn giải nội?

Có người khen: Năm nay giải thơ Cikada tổ chức ở Văn Miếu ý nghĩa hơn hẳn so với năm trao cho nhà thơ Ý Nhi, tổ chức trong khuôn viên Đại sứ quán Thụy Điển. Chính vị đại diện Đại sứ quán Thụy Điển cũng thừa nhận trong bài phát biểu: “Chúng ta không thể tìm được địa điểm nào phù hợp hơn Văn Miếu cho sự kiện này”.

Không quá nhiều gương mặt văn chương đình đám trong nước tham dự lễ trao giải Cikada 2017. Ngoài những “quan văn” như Hữu Thỉnh, bạn văn thân thiết như Nguyễn Quang Thiều, còn thấy nhà thơ Y Phương, nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên, nhà phê bình văn học Lưu Khánh Thơ… Trong giấy mời của Đại sứ quán Thụy Điển gửi tới những khách mời chính thức có lưu ý phần trang phục: “Dress code: Smart casual”, tức là cách ăn mặc và phối hợp thời trang theo phong cách mở, thể hiện được cái tôi của người mặc nhưng không phá vỡ khuôn phép cần thiết của một buổi lễ trao giải. Cũng giống như phần yêu cầu trang phục, buổi trao giải diễn ra giản dị, không cầu kỳ, bỏ qua phần âm nhạc và phần đọc thơ, mọi thủ tục, nghi thức của lễ trao giải diễn ra trong độ một tiếng. Phần thưởng dành cho nhà thơ Mai Văn Phấn được vị Chủ tịch Ban giám khảo Cikada tuyên bố rõ ràng: Một chứng nhận giải thưởng Cikada 2017, một tác phẩm gốm của một nghệ nhân Thụy Điển có biểu tượng ve sầu và một giải thưởng bằng tiền mặt sẽ được chuyển vào tài khoản Mai Văn Phấn tại ngân hàng. (Tiết lộ của Mai Văn Phấn giải thưởng tiền mặt là 20.000 SEK, tương đương khoảng 54 triệu đồng).

Giải Cikada được thành lập năm 2004, nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của nhà văn, nhà thơ Thụy Điển Harry Martinson (1904-1978), giành giải Nobel văn học năm 1974. Tên giải thưởng bắt nguồn từ tập thơ mang tên Cikada (Con ve sầu) của Harry Martinson, xuất bản năm 1953. Chủ nhân giải Nobel năm 1974 là một nhà thơ hết sức nhạy cảm vì cuộc sống của ông gặp nhiều khó khăn, cha mất sớm, ông cùng sáu chị em gái từng sống trong trại tế bần. Harry Martinson trở thành thủy thủ trên tàu viễn dương trước khi thành một nhà thơ. Khi đến khu vực châu Á, đặc biệt là khu vực Đông Á, ông cảm thấy yêu mến vùng đất này và nghiên cứu sâu về nền văn học của khu vực Đông Á. Thơ ông đượm buồn vì chịu tác động và ảnh hưởng bởi hai quả bom nguyên tử ném xuống hai thành phố của Nhật Bản, nổi tiếng nhất là trường ca Aniana, được đánh giá là một trong những “sử thi vĩ đại nhất của thời hiện đại”. Nhưng thơ Harry Martinson vẫn chứa đựng những thông điệp tích cực với tương lai. Ông từng giải thích: Sau khi hai quả bom nguyên tử ném xuống hai thành phố Nhật Bản thì một trong những tiếng động đầu tiên đánh dấu cuộc sống tiếp tục trở lại là tiếng một con ve sầu. Giải thưởng Cikada lấy ve sầu làm biểu tượng vì thế.

Hỏi nhà thơ Y Phương cảm nhận về buổi lễ, ông đánh giá: “Hơi lộn xộn, không chỉnh tề, mời ít người quá, ăn uống luôm nhuôm, mất vệ sinh”. Chẳng là tại buổi lễ có phần ăn nhẹ. Một số món của Việt Nam được lễ tân bưng ra mời từng người, như món cuốn, nem… tất cả khách dự lễ đều chấm chung một bát nước chấm, kiểu ăn uống này gợi nhớ cảnh uống rượu cần của đồng bào Tây Nguyên.  Mặc dù có danh sách chính thức song ban tổ chức cũng không kiểm soát lượng khách mời, ai đến cũng được, ai thích đứng thì đứng, ai thích ngồi thì ngồi (ghế). Thế nên, có người nói giải Cikada của Thụy Điển không trang trọng như giải văn chương trong nước. Họ vẫn thích nhận được giải văn chương trong nước hơn. Bởi ngoài sự trao giải long trọng còn vì vấn đề khác nữa: “Mình viết cho người mình, cho dân tộc mình. Tác phẩm được dịch ra nước ngoài cũng tốt nhưng không phải tuyệt đỉnh chỉ như tây ba lô, như đi phượt thôi”.

Cận cảnh “cup” Con ve sầu. Ảnh: H.D.

Bao giờ có giải Nguyễn Du trao cho tác giả nước ngoài?

Ấy là câu hỏi được nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên đặt ra sau lễ trao giải Cikada 2017 cho tác giả Việt Nam Mai Văn Phấn: “Đây là cách quảng bá văn học rất khéo của Thụy Điển, nói rộng ra là cách quảng bá văn học rất khéo của các nước phương Tây. Vì bằng một giải thưởng, lấy một tác phẩm của nhà thơ nước mình đoạt giải Nobel để trao cho các nước châu Á, cụ thể là Đông Á, đã khuếch trương văn học nước họ”. Phạm Xuân Nguyên cho rằng, Việt Nam thừa sức trao giải có giá trị (vật chất) ngang ngửa thậm chí hơn giải Cikada: “Giá trị tiền mặt của giải thưởng chưa đến 3 ngàn đô. Giải thưởng tặng một cái bằng, trao “cúp” con ve sầu của một nghệ nhân gốm giỏi. Tại sao Việt Nam không làm được, vấn đề là có ai nghĩ và làm không? Liệu chúng ta có làm đươc giải thưởng mang tên Nguyễn Du trao cho các nhà văn nước ngoài không?”. Nhà phê bình tiết lộ con đường đến với giải Cikada của Mai Văn Phấn và Ý Nhi: “Gần 10 năm trước, khoảng năm 2008, một nhà xuất bản tư nhân ở Thụy Điển, từng dịch nhiều văn học Việt Nam từ Nguyễn Huy Thiệp, Lê Minh Khuê, Bảo Ninh, Nguyễn Quang Thiều… Họ đề nghị chúng tôi làm một tuyển tập thơ Thụy Điển dịch ra tiếng Việt, tôi có tham gia dịch từ văn bản tiếng Anh. Sau đó, chúng tôi đề nghị NXB tư nhân ấy dịch một tuyển tập thơ Việt Nam hiện đại sang tiếng Thụy Điển. Chúng tôi chọn 12 nhà thơ từ Nguyễn Duy, Hữu Thỉnh, Ý Nhi, Mai Văn Phấn…”. Nhà phê bình nhấn mạnh rằng thơ của các nhà thơ Việt Nam như Ý Nhi, Mai Văn Phấn đến được Thụy Điển không phải qua con đường của Hội Nhà văn Việt Nam, hay những con đường quảng bá rầm rộ từ mấy hội nghị do Hội Nhà văn tổ chức: “Nó đi bằng con đường đơn lẻ, thầm lặng, chứ không rùm beng lên”.

Một băn khoăn khác của một số vị tham dự buổi trao giải Cikada là sự vắng mặt của nhà thơ Ý Nhi cùng vị đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam. Giải thích của chủ nhân Cikada 2017: “Bác đại sứ bị bệnh nên không tới được. Đang lúc trao giải thì đại diện Đại sứ quán Thụy Điển đưa tin nhắn của bác đại sứ cho tôi đọc. Chị Ý Nhi bận việc gia đình không ra được”. Lí do để Mai Văn Phấn được vinh danh ở giải thưởng “Con ve sầu”, vị Chủ tịch giám khảo của giải thưởng này nêu rõ: “Chúng tôi đánh giá rất cao những vần thơ của ông, có sự tương đồng rõ rệt khi so với những vần thơ của nhà thơ Thụy Điển Harry Martinson”.

Ở Việt Nam giới chuyên môn cũng như độc giả có những nhận định khác nhau về thơ Mai Văn Phấn. Tuy nhiên, không ai có thể phủ nhận nỗ lực của nhà thơ đất Cảng trong việc đưa thơ mình bay ra nước ngoài. Hiện nay thơ anh đã được anh tổ chức dịch ra 24 thứ tiếng trên thế giới, anh cũng có tập thơ từng lọt vào danh sách 100 cuốn sách bán chạy trong năm trên Amazon. Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên đánh giá: “Cá nhân tự tiếp thị được thơ mình là rất tốt, không nên dè bỉu. Mừng cho Mai Văn Phấn”.

Cận cảnh “cup” Con ve sầu. Ảnh: H.D.