Có gì quan trọng đâu?
Trao đổi với nhà văn Dương Hướng, anh cho biết: Trước đây anh đã từng là ủy viên trong Hội đồng văn xuôi nên khi “lên chức” Chủ tịch Hội đồng văn xuôi cũng cảm thấy… bình thường: “Vai trò này hợp với sở trường của tôi, đồng thời cũng là trách nhiệm, nghĩa vụ ấy mà”. Nhưng đó đây lại có ý kiến cho rằng: Tuy là một tác giả tên tuổi và tác phẩm đã được khẳng định, song Dương Hướng không kham nổi vai trò Chủ tịch hội đồng!
Cha đẻ “Bến không chồng” cười: “Tôi đã dự các cuộc này mấy năm rồi, có gì đâu mà quan trọng. Quan trọng là hội đồng ấy có thống nhất được với nhau hay không? Có tìm được tác phẩm xứng đáng hay không? Chứ hình thức, thủ tục không là cái gì”.
Ông còn chia sẻ thêm: “Khóa này chưa biết chứ khóa trước, Hội đồng có quyết được đâu? Hội đồng đưa lên tác phẩm ưng và tâm đắc thì bị gạt đi, thay vào cái chúng tôi không ưng, quyền của Ban chấp hành”. (Riêng câu chuyện dưới đưa, trên gạt, thì không chỉ Dương Hướng phản ánh, nhà phê bình Văn Giá, một thành viên của Hội đồng lý luận phê bình, cũng kể về “thời kỳ trước”, rằng: “Ý kiến Hội đồng chuyên môn chẳng có nghĩa lý gì…”).
Nhà văn Dương Hướng - Chủ tịch Hội đồng văn xuôi
Trở lại với Dương Hướng, ông nói: Tôi sẽ cố gắng hết mình nhưng được đến đâu thì còn tùy thuộc nhiều yếu tố, thời cuộc nữa. Thí dụ, giá trị văn học đâu phải một năm mà có, có khi vài chục năm mới xuất hiện thì sao? Hội đồng văn xuôi có 9 thành viên, ít bất ngờ, bởi có nhiều cái tên quen thuộc trên văn đàn Việt: Chủ tịch Dương Hướng, Phó Chủ tịch Y Ban, Lê Minh Khuê, Bảo Ninh,…
Thiên lệch một phong cách?
Danh sách Hội đồng thơ “nóng” nhất lúc này. Theo nhà thơ Trần Chấn Uy, danh sách Hội đồng thơ chưa thỏa đáng, bởi tính đại diện cho các phong cách thơ không đầy đủ: “Hội đồng thơ hiện nay bị thiên lệch về một phong cách, gọi là hậu hiện đại. Những tác giả chỉ đại diện cho một phong cách thơ chiếm lượng lớn”. Trong danh sách Hội đồng thơ, Trần Chấn Uy chỉ “bỏ phiếu” cho hai nhà thơ.
Nhà thơ quê Hà Tĩnh, đang sống và làm việc tại Khánh Hòa, còn buồn vì một lẽ khác: “Nam miền Trung của tôi, từ Quảng Ngãi trở vào đến Bình Thuận, không có một ai tham gia vào ban, bệ nào của Hội Nhà văn, trong Ban chấp hành đã không có, Hội đồng thơ cũng không, Hội đồng văn xuôi cũng không, lí luận phê bình cũng trống, vùng nam miền Trung bị bỏ quên”.
Tác giả “Đất nước hình tia chớp” ngoài “bỏ phiếu” cho hai nhà thơ giống như nhà thơ Trần Chấn Uy, còn dành thêm một “phiếu” cho một thành viên khác. Với cá nhân Trần Mạnh Hảo, ba cái tên này “thẩm thơ tương đối chuẩn”. Ngoài ra, chỉ “ấm ớ”. Khi chúng tôi đặt câu hỏi: “Ông thử chứng minh thế nào là “ấm ớ”? Trần Mạnh Hảo lấy luôn ví dụ: Cái ông có tập thơ “Giờ thứ 25” ấy. Đây là câu chuyện cũ nhưng găm vào ký ức của nhiều người, tên một tập thơ đoạt giải thưởng Hội Nhà văn 2012 , lại trùng với tên cuốn tiểu thuyết được đánh giá là kiệt tác thế giới “Giờ thứ 25” (The 25th hour) của tác giả Roumanie Constantin Virgil Gheorghiu.
Trần Mạnh Hảo còn cho rằng, một số nhà thơ nằm trong Hội đồng thơ, không làm thơ mà làm ra một “thứ văn xuôi liên tục xuống dòng”. “Vậy định nghĩa thơ là gì?”, chúng tôi hỏi Trần Mạnh Hảo. Ông đáp: “Thơ rộng mênh mông nhưng thơ không nói toẹt ra, thơ phải có biểu trưng, có ám ảnh, có hình ảnh cụ thể, không phải câu văn xuôi vớ vẩn được. Định nghĩa về thơ phải viết ngàn trang chưa hết”.
Tương tự, nhà thơ người Tày Lương Định chỉ tâm phục hai cái tên trong danh sách Hội đồng thơ: “Còn những người khác, tôi thấy chưa đại diện được cho Hội đồng thơ”.
Theo Lương Định: “Hội đồng thơ này quá đông đi. Không nhất thiết phải đến 9 người, có thể chỉ cần 5 người, nếu tính vùng miền ra thì mỗi vùng miền có một người đại diện là được rồi. Nhưng phải là người có uy tín thật sự trên văn đàn. Một người nằm trong Hội đồng thơ không phải chỉ là người sáng tác và được những giải thưởng danh giá mà phải là người có khả năng đọc và thẩm thơ người khác. Một ủy viên hội đồng thơ mà lúc nào cũng chỉ trích dẫn thơ mình thì không ổn, chưa nói ở vị trí cao hơn”.
Một trong những nhà thơ đặc biệt quan tâm tới nhân sự của Hội đồng Thơ chính là nhà thơ Đỗ Hoàng. Ông có trình bày quan điểm cá nhân trên mạng xã hội, còn trước báo chí, ông chia sẻ tâm trạng: “Tôi thấy rất buồn”. Với câu hỏi: “Nếu được lựa chọn nhân sự của Hội đồng thơ, ông chọn ai?”, Đỗ Hoàng đáp: “Đột ngột quá, nhanh quá, sợ trả lời không chính xác”. Một nhà thơ nổi tiếng xin được giấu tên cất tiếng cười khi bình luận về danh sách Hội đồng thơ: “Nói chung danh sách này vui. Khá bất ngờ. Một, hai cái tên trong danh sách tôi không biết”.
Ai là… ai?
Trong khi danh sách Hội đồng thơ gây nên tranh cãi xung quanh “tâm” và “tầm” thì ở Ban nhà văn trẻ một bộ phận dư luận lại đặt câu hỏi: “Vì sao Ban Nhà văn Trẻ lại không trẻ bao nhiêu?”. Chúng tôi chuyển câu hỏi cho Trưởng ban Nhà văn trẻ, nhà thơ Hữu Việt và nhận được phản hồi: “Nếu tiếp cận theo cách ấy thì Ban Nhà văn thiếu nhi sẽ mời toàn thiếu nhi, Ban Văn học nước ngoài mời toàn người nước ngoài? Tuổi tác không nói lên điều gì?”. Vậy đâu là tiêu chí để có tên trong Ban Nhà văn Trẻ của Hội Nhà Văn Việt Nam?
Nhà thơ Hữu Việt – cũng là người có tên trong Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa này chia sẻ: “Những người tham gia hội đồng là những người phải có uy tín văn học, từng tham gia các phong trào của các nhà văn trẻ, những người có những mối quan hệ nghề nghiệp và xã hội với những người viết trẻ. Họ phải là những người có nhiệt tình, sẵn lòng đồng hành, hỗ trợ, nâng đỡ để những người viết trẻ có thể bộc lộ hết khả năng của họ trong sáng tác, hỗ trợ họ trong in ấn tác phẩm, bán tác phẩm, hỗ trợ họ trong việc đào tạo hoặc tự đào tạo, tạo cơ hội cho họ giao lưu…”.
Trước câu hỏi của một bộ phận dư luận, nhà văn nọ, kia là ai mà có tên trong danh sách Hội đồng chuyên môn, Ban công tác? Nhà thơ Hữu Việt cho rằng: “Không nên hỏi về một cá nhân, e rằng xúc phạm người khác”. Ông cũng đưa ra quy trình để chọn thành viên Hội đồng chuyên môn, Ban công tác của Hội: “Do sự giới thiệu của các Ủy viên Ban chấp hành, của các nhà văn có uy tín về chuyên môn, của các nhà văn ở khu vực… Trên cơ sở sự giới thiệu ấy, sẽ tập hợp xem ai có nhiều phiếu nhất, sẽ đưa lên BCH xem xét”.
Nhân câu hỏi: Ai là ai? Lại nhớ đến họa sỹ Đào Hải Phong, anh phàn nàn về cách thưởng tranh của nhiều người Việt: Xem tranh bằng tai. Đối với văn chương cũng vậy, muốn biết ai là ai, tốt nhất hãy đọc tác phẩm của họ, hơn là nghe “định dạng”. Bởi, chưa chắc tên tuổi đình đám tác phẩm đã tương xứng và ngược lại.
Thay cho lời kết“Có những người mời còn không muốn vào Hội đồng. Vì tham gia công tác của Hội sẽ mất thời gian, công sức cho sáng tạo cá nhân”.
Nhà thơ Hữu Việt
Nhà thơ Trần Mạnh Hảo cho rằng: Nói về Hội đồng thơ hay những Hội đồng chuyên môn, Ban công tác khác của Hội Nhà văn Việt Nam khóa X lúc này vẫn có quá sớm và chủ quan. Hãy để họ có thời gian tập trung làm việc: “Biết đâu khi đọc họ lại có trách nhiệm, lại chọn được tập thơ hay để làm giải thưởng?”. Ông hứa: “Nếu Hội đồng thơ chọn được tập thơ hay để làm giải thưởng, tôi sẽ là người đầu tiên viết bài ca ngợi. Tôi không nói suông, sẽ chờ họ hoạt động”.
Có tên trong Hội đồng chuyên môn, Ban công tác không được bổng lộc gì, đó là khẳng định của nhiều nhà văn, nhà thơ. Nhà thơ Hữu Việt chia sẻ: Có những người mời còn không muốn vào. Vì tham gia công tác của Hội sẽ mất thời gian, công sức cho sáng tạo cá nhân. Mà dấu ấn của mỗi nhà văn chính là “đứa con tinh thần” của họ.
Bất kể một sự thay đổi, chưa dám nói “đổi mới” nào đều tạo nên những luồng dư luận khác nhau. Mới đây, tân Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam viết một dòng đầy hàm ý trên trang cá nhân của anh: “Khi bạn mở một con đường thẳng, bạn sẽ gặp nhiều ghềnh thác. Nhưng đó là sự lựa chọn của lòng dũng cảm”.