Quảng Nam: Hút cát để… chỉnh dòng

Người dân nghi ngờ việc cấp phép hút cát để bán hơn là việc chỉnh dòng chống sạt lở.
Người dân nghi ngờ việc cấp phép hút cát để bán hơn là việc chỉnh dòng chống sạt lở.
TP - Để chống sạt lở, UBND tỉnh đã cấp phép cho doanh nghiệp hút cát để “chỉnh dòng”, trong khi người dân, chính quyền địa phương mong ngóng làm kè cứu đất sản xuất cho dân.

10 năm trở lại đây, gần 100 ha đất sản xuất màu mỡ của 550 hộ dân 2 thôn Phú Tây và Phú Đông (xã Điện Quang, thị xã Điện Bàn, Quảng Nam) dọc sông Thu Bồn đã sạt lở, đổ xuống sông. Để chống sạt lở, UBND tỉnh đã cấp phép cho doanh nghiệp hút cát để “chỉnh dòng”, trong khi người dân, chính quyền địa phương mong ngóng làm kè cứu đất sản xuất cho dân.

Dân khốn khó vì mất đất

Cánh đồng có tên gọi Dân Y màu mỡ là nguồn thu chính của hơn  215 hộ dân thôn Phú Tây đang bị dòng Thu Bồn lấn sâu tạo thành một bờ vực dài với những vực sâu gần 100m. Cánh đồng xưa ở tít bãi bên kia, nay đã bị dòng Thu Bồn gặm dần, thu hẹp, khiến diện tích đất sản xuất của người dân thôn Phú Tây ít dần.

Dẫn chúng tôi ra khu vực sạt lở ở cánh đồng Dân Y, ông Trần Công Hưng, trưởng thôn Phú Tây cho biết, trong 7 năm trở lại đây, riêng cánh đồng này mất gần 30 ha đất. Đỉnh điểm năm 2010 – 2011 mất gần 10 ha đất. Tình trạng sạt lở kéo dài hơn 1km, mỗi lần sạt lở, sông lấn sâu vào bờ từ 15 – 20m. “Nếu sạt lở kéo dài thì đất sản xuất của người dân thôn Phú Tây sẽ không còn nữa. Lúc đó, người dân sẽ khốn khó vô cùng” ông Hưng than thở. Cách đó không xa, cánh đồng của thôn Phú Đông cũng tương tự. 

Theo ông Hưng, sạt lở thường xảy ra vào mùa mưa lũ. Tuy nhiên, 2 năm nay tuy không có lũ to nhưng sông vẫn lấn sâu về phía cánh đồng. Nước cạn vẫn sạt lở. Vì đất mất, hàng năm chính quyền phải đo đạc và chia lại đất cho dân, diện tích ngày càng ít đi. “Nếu như trước đây, ngoài đất sản xuất cố định, người dân được xã chia thêm khoảng 700 m2/khẩu đất vòng 2 để sản xuất. Nay chỉ còn khoảng 300 m2/khẩu. Nếu tình trạng này kéo dài thì người dân thôn Phú Tây sẽ hết đất để trồng hoa màu” ông Hưng cho biết.

Cũng theo ông Hưng, trước đây người dân trồng cây bói để chống sạt lở nhưng nay trồng cũng không còn giữ đất được nữa bởi vực đã quá sâu.  Người dân đã nhiều lần kiến nghị đề nghị có giải pháp kè giúp dân nhưng do đây không phải là khu vực có dân cư nên không được ưu tiên. 

Chúng tôi tha thiết mong sao có giải pháp kịp thời để giúp dân. Chứ cho hút cát nói để chinh dòng như thế kia, không tin là chống đươc sạt lở” ông Hưng vừa nói vừa chỉ tay về phía giữa sông nơi có hàng chục ghe, máy đang hút cát ào ào.

Ông Hưng cũng cho hay, việc sạt lở từ trước đến nay một phần do nạn hút cát trái phép trên sông Thu Bồn. Mấy năm nay, việc này được chấn chỉnh tuy nhiên vẫn thường xuyên xảy ra vào ban đêm. Riêng khu vực này, cách đây 2 tháng, một Cty lai được cấp phép hút cát,  vơi mục đích chỉnh dòng chảy. Tuy nhiên, người dân nghi ngờ tính khả thi của việc này, hay sau đó là việc cho doanh nghiệp hút cát bán để thu tiền

Hút cát lấy tiền

Ông Hà Văn Minh, Phó chủ tịch UBND xã Điện Quang, cho biết, để chống sạt lở và cứu đất sản xuất chỉ có giải pháp xây kè bê tông kiên cố mới hiệu quả. Bởi thực tế tại xã Điện Hồng và khu vực dưới chân cầu Kỳ Lam đã từng sạt lở nghiêm trọng, nhưng nay được làm kè kiên cố đã không còn sạt lở.

Ông Minh cũng thông tin, cách đây khoảng 2 tháng, Cty TNHH MTV Đầu tư phát triển Gia Lộc, được UBND tỉnh Quảng Nam cấp giấy phép khai thác cát ở đối diện khu vực sạt lở nhằm mục đích “chỉnh dòng”. Tuy nhiên, theo quyết định số 2929 ngày 19/8/2015 của UBND tỉnh Quảng Nam về việc cho phép Cty này khai khoáng cát sỏi làm vật liệu xây dựng thông thường và thuê đất tại khu vực thôn Phú Tây (Điện Quang, thị xã Điện Bàn) thì không đề cập đến việc “chỉnh dòng” hay khắc phục sạt lở. Theo quyết định này, cty được khai thác và thuê đất trong vòng 7 năm với trữ lượng khai thác là 281.000m3 cát sỏi, công suất 40.000m3/năm.

“Việc cấp phép và tính toán là của cơ quan chức năng cấp tỉnh. Chỉnh dòng chống sạt lở được hay không mới làm được 2 tháng thì chưa thể nói trước. Nhưng nếu có lũ thì chắc chắn sẽ sạt lở tiếp” ông Minh khẳng định.

Trong khi đó, theo ông Trần Công Hưng và người dân thôn Phú Tây, hai tháng trở lại đây hàng ngày, hàng trăm lượt ghe thuyền được huy động để hút và chở cát về xuôi. “Cát hút, tiền ai hưởng chúng tôi đâu có biết. Trước đây, khai thác trái phép đã gây sạt lở, nay ồ ạt khai thác thế kia, ai dám nói chỉnh dòng chảy sẽ không gây sạt lở. Qua mùa lũ rồi đâu lại hoàn đó, sao chỉnh được”-  ông Hưng nghi ngại. 

MỚI - NÓNG