Quang Linh, 5 Dòng Kẻ - ngọt ngào và tiếc nuối

TP - Quang Linh và 5 Dòng Kẻ - sự kết hợp khá thú vị có khả năng bù đắp cho nhau để tạo nên một Không gian Âm nhạc hài hòa.

Tuy nhiên dường như họ vẫn chưa phát huy hết sở trường trong lần đầu tiên làm show cùng nhau.

Quang Linh và 5 Dòng Kẻ biểu diễn ăn ý. Ảnh: N.M.Hà.
 

Quang Linh bắt đầu nổi giữa những năm 1990 và nhanh chóng trở thành cái tên hàng đầu về cat-xê. Gần đây, anh hầu như không có hoạt động gì nổi bật, nhưng sự tái xuất tại Không gian Âm nhạc cho thấy ngọn lửa Quang Linh vẫn nồng đượm nếu không nói là có phần đượm hơn.

Giọng anh xem ra đầy đặn hơn, khỏe hơn, sẵn sàng chơi pop-rock cùng ban nhạc mà không hề hụt hơi. Anh cùng ban nhạc đã cho khán giả một trải nghiệm khá thú vị khi phối lại bản dân ca Lý Hoài nam - nghe vừa độc đáo vừa gần gũi.

Ngoài những bài cũ đình đám như Chim sáo ngày xưa, Ca dao em và tôi…, với chương trình này, Quang Linh tiếp tục ghi dấu ấn với Cõng mẹ đi chơi, kể cả Câu hò bên bến Hiền Lương - bài hát quen thuộc trở nên rất Quang Linh. Có thể thấy hit ngày xưa của anh thiên về bề nổi, còn hit mới đây dần đi vào chiều sâu, lay động lòng người hơn xưa.

Giọng hát đậm chất dân gian của Quang Linh không phải lúc nào cũng được chào đón. Còn nhớ tiết mục Việt Nam quê hương tôi của anh được chọn trong Lễ khai mạc Festival Huế 2000 đã bị nói ra nói vào vì cho là không thích hợp. Cũng chỉ vì độ nóng của Quang Linh khi đó khiến tên anh đồng nghĩa với “thị trường”.

Cũng có thể vì hồi đó người ta bị ám ảnh nặng hơn với những gì Tây hóa - được coi là sang trọng, nên có phần nhạy cảm với chất dân ca của anh. Ngày nay thì Quang Linh có khi sắp được xếp vào hàng kinh điển khi phong cách đã định hình và có khả năng ảnh hưởng đến thế hệ kế cận.

Như khá nhiều nghệ sĩ xuất thân từ Huế, Quang Linh tỏ ra duyên dáng khi giao lưu cùng khán giả. Có thể nói khán giả nghe anh nói cũng như anh hát đều không chán, nên những màn kể chuyện giữa các bài hát của anh nói chung dài hơn hẳn ca sĩ khác.

Mở đầu đêm diễn 29-10, nghe nói có ngân hàng đã mua vé tập thể, Quang Linh nhân tiện kể về quãng đời 8-9 năm làm ngân hàng từng đoạt khá nhiều giải thưởng về… đếm tiền của mình (thời đó chưa phổ biến máy đếm tiền như ngày nay). Anh còn hát chay một bài “ngân hàng ca” khi xưa anh từng đi hội diễn quần chúng khiến khán giả rất thích thú.

5 Dòng Kẻ dĩ nhiên đem lại một không khí mới mẻ không chỉ vì ngày nay rút cuộc chẳng còn nhóm ca nào còn tồn tại (đủ sức) để cạnh tranh với họ mà còn vì thực tài và lao động nghệ thuật nghiêm túc. Những ca khúc của nhóm luôn được hòa bè tỉ mỉ, trau chuốt và trình diễn ở mức độ hiệu quả nhất.

Họ hát Buồn ơi chào mi, Độc huyền cầm hay Ban mai cùng Quang Linh hay, đẳng cấp nhưng nếu chỉ dừng lại ở đó e rằng các cô gái vẫn chưa phát huy hết sức hấp dẫn có thể. Chẳng hạn họ thiên về phô diễn kỹ thuật hát nhóm mà không mấy để ý đến những bài có tiết tấu, còn vũ đạo tất nhiên không thể triển khai trên sân khấu quá chật của Không gian Âm nhạc.

Những bài hát có hơi hướng new-age là thế mạnh của nhóm nhưng được bố trí hơi ít - chưa đủ để tạo ấn tượng cho khán giả. Bản nhạc có thể nói là bắt tai nhất của nhóm trong chương trình - Đôi cánh đáng tiếc lại được kết hợp một cách không ăn nhập với Lý ngựa ô cùng giọng Quang Linh - do đó thiệt cho cả hai bên.

Dù sao Ngẫu nhiên (không nhạc đệm) và Người ở đừng về đã là những kết hợp cực hiệu quả của 5 Dòng Kẻ và Quang Linh. 5 Dòng Kẻ hoàn toàn có thể ngọt ngào cùng Quang Linh chơi những bài dân ca kiểu này. Các cô gái rút cuộc không hát bài nào của cựu thành viên Giáng Son như quảng cáo của BTC lúc ban đầu.

Việc ban nhạc không bổ sung các cây đàn dân tộc lại còn đẩy nhanh tempo cũng như nhấn mạnh tính pop-rock khi chơi cùng Quang Linh có thể nói là một lựa chọn khá mạnh bạo, tuy nhiên không phải lúc nào cũng hợp lý. Nếu chương trình có vài điểm nhấn để không gian lắng lại cùng chất dân gian quý hiếm của Quang Linh, khán giả sẽ còn chút gì để nhớ lâu về chương trình hơn.

Theo Báo giấy