Quảng Bình: Di tích trùng tu 10 năm không xong

0:00 / 0:00
0:00
TP - Đã gần 10 năm được UBND tỉnh Quảng Bình giao trùng tu, tôn tạo di tích Đền thờ Thánh mẫu Liễu Hạnh nằm phía Nam chân Đèo Ngang theo chủ trương xã hội hoá, nhưng Cty CP Giáo dục Trí Nhân Tâm vẫn chưa hoàn thành để bàn giao theo cam kết. Đặc biệt, việc trùng tu, tôn tạo kéo dài đã làm biến dạng, nhếch nhác một di tích hàng trăm năm tuổi.

Dưới thời vua Lê Thánh Tông (ở ngôi 1460-1497) đã hình thành ngôi đền thờ Quốc mẫu Thánh Liễu Hạnh nằm phía Nam chân Đèo Ngang. Đây là ngôi đền thờ thánh Mẫu xa nhất về phía Nam mà người việt dựng lên để thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu ở thời điểm này.

Năm 1995, Đền thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh nằm phía Nam chân Đèo Ngang thuộc xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch được công nhận Di tích lịch sử cấp tỉnh. Năm 2013, UBND tỉnh Quảng Bình cấp chủ trương “xã hội hoá” cho Cty Trí Nhân Tâm đầu tư trùng tu, tôn tạo và mở rộng khu Đền thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh. Theo cam kết, tổng vốn đầu tư tất cả các hạng mục là 22 tỷ đồng và sẽ hoàn thành, bàn giao cho cơ quan chức năng quản lý trong năm 2015. Tuy nhiên, từ đó đến nay việc trung tu, tôn tạo của Cty Trí Nhân Tâm vẫn chưa hoàn thành khiến dư luận rất bất bình.

Quảng Bình: Di tích trùng tu 10 năm không xong ảnh 1

Xà bần đổ đầy trước cửa điện thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh

Theo người dân địa phương, kể từ khi trùng tu, tôn tạo, kiến trúc của Đền thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh đã bị biến dạng. Cụ thể, tự ý hạ nền của ngôi điện chính xuống 70cm, thay đổi trang thờ, chặt bỏ 7 cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi, đập bỏ miếu thờ của ông Thiện, ông Ác đứng trước tam quan, xây mới hai trụ biểu và cổng tam quan cũng bị đập bỏ xây mới.

Việc kéo dài thời gian trùng tu, tôn tạo kéo theo nhiều hệ luỵ, trong đó phải kể đến sự nhếch nhác và ô nhiễm môi trường trong khu đền thờ này. Ngay cạnh chân tường các điện thờ, xà bần, gỗ cốp pha vứt vương vãi khắp nơi; bùn đất từ việc đào bới để tạo hình trong khuôn viên đền thờ vương vãi trên lối đi, ngày mưa thì nhão nhoẹt, ngày nằng thì bụi mù…

Dư luận cho rằng, sở dĩ Cty Trí Nhân Tâm không sớm hoàn thành để bàn giao cho đơn vị có chức năng quản lý theo cam kết là vì “nguồn thu” ở đây rất lớn. Còn đại diện Trí Nhân Tâm cho rằng, do Cty ở xa và thời tiết ở đây khắc nghiệt nên làm chậm tiến độ thi công.

Năm 2014, Tiền Phong từng đề cập “Xã hội hoá hay kinh doanh di tích?” phản ánh những bất cập kể từ khi Cty Trí Nhân Tâm được cấp phép trùng tu, tôn tạo di tích Đền Thánh Mẫu Liễu Hạnh. Ngay sau đó, UBND tỉnh Quảng Bình đã yêu cầu Sở Văn Hoá thành lập tổ giám sát đối với việc trùng tu, tôn tạo ở đây. Tuy nhiên cho đến nay, công trình vẫn đang dang dở.

MỚI - NÓNG