Quan VFF mất chức, các fan gây rối tính sao ?

Quan VFF mất chức, các fan gây rối tính sao ?
TPO - Gây loạn đả trên sân Vinh, người chết, người bị thương... làm một người mất chức sao đủ. Hầu hết dân cư mạng đều lên án ban tổ chức và các "quan" VFF. Tuy nhiên, ít thấy ai kêu gọi các "thượng đế" gây rối trên khán đài phải "từ chức". Lạ thật !
Quan VFF mất chức, các fan gây rối tính sao ? ảnh 1
Loạn đả trên sân Vinh

Chuyện hooligan bóng đá có khắp mọi nơi trên thế giới. Gần đây, Việt nam ta lại bắt đầu phát triển mạnh cái "văn hóa đáng sợ" này. Thật đáng tiếc. Vụ việc máu đổ trên sân Vinh mới rồi là một ví dụ điển hình.

Trưởng ban Tổ chức V League đã mất ghế cho dù ông khăng khăng không từ chức dù ông rất "hiểu văn hóa từ chức". 

Đi sâu hơn nữa, chắc còn nhiều người liên quan nên đưa về vườn sau vụ đẫm máu trên sân Vinh, kể ra thì nhiều lắm. "Quan trí" thấp nên từ chức là phải rồi. Tổ chức đá bóng mà biến thành trận hỗn chiến thời La Mã cổ đại thì đáng về vườn hơn là quản lý bóng đá.

Một đất nước có luật pháp nghiêm minh, giữa thế kỷ 21 này mà phải chịu nạn hooligan bóng đá hoành hành. Nếu lực lượng bảo vệ khám được ai mang gậy gộc, dao hay vật rắn theo người nên bắt ngay, cho vào đồn công an. Cấm cửa luôn, không cho đi xem bất kỳ trận bóng nào. Có thể dán ảnh như ảnh những kẻ bị truy nã ở các sân vận động.

Cảnh sát bảo vệ sân, xin các anh đừng xem 22 cầu thủ đá bóng mà trông lên 20-30 nghìn người trên khán đài, xem chỗ nào có nguy cơ sắp "đấm bốc". Nếu để họ mang "vũ khí" vào sân và đợi lúc máu đổ mới can thiệp thì hẳn đã muộn rồi, có khi bị vạ lây luôn.

Ban tổ chức thừa biết những cách làm thế nào để tránh nạn "thượng cẳng chân hạ cánh tay" trên sân vận động. Có hàng nghìn cách như thế. Vấn đề là họ có muốn thực sự làm hay không.

Người hâm mộ thời 1970-1980 đi xem bóng đá trên sân Hàng Đẫy ăn mặc như đi xem xi nê, quần phăng, áo trắng bỏ trong quần, đầu bóng mượt. Trên sân họ giữ trật tự, không hò hét. Thấy pha nào đẹp thì vỗ tay rào rào, hoặc đá ra ngoài thì xuýt xoa tiếc rẻ, chậc chậc lưỡi như thạch sùng tiếc của, ngồi Bờ Hồ cũng nghe thấy. Hồi đó, các cha chú không biết huýt sáo hay chế giễu, nếu phạt đền 11m đá ra ngoài mà chỉ ôm đầu "trời ơi, đất hỡi".

Thời đó, dân mình yêu bóng đá rất thú vị. Bác ruột của tôi mê sân cỏ quá, đi xem nhưng hết chỗ gửi xe, đành vứt ngoài đường. Xem xong trận bóng thì...đi bộ về nhà. Chưa bao giờ thấy các bác các chú ấy đánh nhau vì thật ra họ ủng hộ cả hai bên đá trên sân. Thấy bên nào bị thua nhiều quá thì cả sân lại quay sang ủng hộ bên yếu vì thương tình. Nếu có mất trật tự thì cùng lắm là hò "cố lên, cố lên" hoặc "ê ê".

Quan VFF mất chức, các fan gây rối tính sao ? ảnh 2
Bóng đá Việt Nam thời danh thủ Thế Anh (Ba Đẻn) chưa hề có nạn hooligan. Ảnh : Tư liệu 

Các bậc con cháu sau này học ở Đông Âu về bắt đầu biết huýt sáo chế giễu người đá dốt. Đi xem bóng đá biết mặc quần sooc, áo may ô. Mang cờ và biểu ngữ. Dần dần có các đội riêng và người hâm mộ cũng riêng luôn. Rồi vẽ mặt, đầu trọc kể cả vẽ hình đầu lâu lên lưng hay ngực cho oai. Cũng bắt đầu từ đó có chuyện hai đội đang đá trên sân, cổ động viên của hai đội cũng thi "đá" trên khán đài.

Các bậc con cháu xem bóng đá ngày nay "hơn hẳn" các cha chú thời trước. Lẽ ra "con hơn cha nhà có phúc", nhưng riêng chuyện cổ động bóng đá như khán giả Hải Phòng hay Vinh thì "con hơn cha, nhà…vô phúc". Cổ động viên ra sân mang theo gậy gộc, đá gạch, pháo sáng... chỉ để nhằm choảng nhau. Thật ra, họ có đi xem bóng đá đâu mà chính là đi "chiến trường" túc cầu.

Kẻ tám lạng người nửa cân. Toàn dân anh chị thích đánh nhau từ trong máu. Hơi một tý là chiến. Đầu tiên là chửi đổng, rồi chửi thẳng vào mặt, tiếp theo là chai nước và cuối cùng là đá gạch. Máu đổ là phải.

Tôi thương mấy người tổ chức bóng đá và các anh cảnh sát bảo vệ. Cổ động viên thì không hối lộ rồi nên không "ăn" gì. Đá hay cũng khổ mà đá dở cũng khổ. Đá vớ vẩn thì bị chửi không thương tiếc. Quân ta thắng thì cổ động viên ra đường ăn mừng bằng cách phóng mô tô không cần phanh. Không chết trên khán đài thì chết trên đường phố. Người hâm mộ thật sự chỉ có cách nằm nhà xem tivi và chửi thầm bọn lưu manh giả danh... người yêu bóng đá.

Tôi không nghĩ là ngừng giải mà giải quyết được việc. Hàng trăm người tổ chức phải mất việc cũng không hết nạn hooligan sân cỏ. Có một cách nữa là kêu gọi những cổ động viên ngông cuồng "từ chức". Nếu họ không từ chức thì "cách chức". Họ không chịu bỏ ghế trên khán đài "vì tham quyền cố vị" thì đành cho họ cái còng số 8.

Thực ra, họ là những côn đồ, làm nhơ bẩn nền bóng đá, băng hoại thanh danh của những người yêu môn túc cầu chân chính, làm méo mó hình ảnh nền bóng đá quốc gia và gây tai họa cho những người lương thiện.

Tôi viết thế này thôi, không hy vọng cánh hooligan đọc được. Người có chữ không ai làm thế cả. Họ có đọc thì cũng khó tiếp thu mà có khi còn đi tìm tôi để "đấm bốc" tiếp như trên sân Vinh vừa qua.

Vì thế, chỉ có những người tổ chức khéo léo, tận tâm, hết lòng vì nền bóng đá chuyên nghiệp, biết tuyên truyền vận động "văn hóa yêu bóng đá" như các bậc cha chú xa xưa và kèm theo pháp luật nghiêm minh mới có thể giúp cho nạn hooligan bớt đi.

Ý kiến của bạn về vấn đề này ?

MỚI - NÓNG
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
TPO - Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai biểu quyết, thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Phùng Ngọc Mỹ (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Ủy viên Ban cán sự đảng, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh) và ông Mai Xuân Hải (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Giám đốc Sở Y tế, nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh).