Quán từ tâm

Quán của Thời Thanh xuân là nơi để giúp các bạn điếc tự tin hơn trong cuộc sống. Ảnh: U.P
Quán của Thời Thanh xuân là nơi để giúp các bạn điếc tự tin hơn trong cuộc sống. Ảnh: U.P
TP - Không bảng giá niêm yết, khách đến thưởng thức món ăn, thức uống có thể trả tiền, có thể không. Nhiều quán trà, quán ăn như thế đã hình thành ở TPHCM. Điều các chủ quán hướng đến không phải lợi nhuận mà là tấm lòng và niềm tin về người Sài Gòn hào sảng.

Ấm lòng nơi quán không bảng giá

Trong cái nắng hanh hao của những ngày đầu năm, chúng tôi trốn mình vào quán nước có cái tên là lạ, nằm trên đường Trương Quốc Dung (Q.Phú Nhuận, TPHCM): Quán của Thời Thanh Xuân. Lần đầu tiên đến đây, chúng tôi ngỡ ngàng trước cuốn menu được tô nhiều màu, kèm theo đó là những chiếc que đầy màu sắc như một ký hiệu riêng. Nhìn bạn nhân viên phục vụ ra dấu, khách mới nhận ra họ là những người điếc. Mảnh giấy nhỏ với dòng chữ nắn nót: “Bạn thương! Bạn vui lòng chọn thức uống trên menu. Sau đó rút que có màu tương ứng với thức uống để bạn nhân viên người điếc có thể hiểu và phục vụ bạn nhé!”.

Thực đơn quán chỉ xoay quanh những món trà đơn giản nhưng được chăm chút từ nguyên liệu cho tới cách pha và trình bày. Các món bánh ngọt được làm ở Đà Lạt và chuyển về trong đêm... Ngoài trà bánh, quán còn bày bán những sản phẩm handmade như tinh dầu chiết xuất từ cây cỏ Đà Lạt, xà phòng, vòng tay, vòng cổ, túi vải, sen đá... Tất cả sản phẩm đều do các bạn điếc làm nên. Không có bất kỳ mức giá nào cho từng món khách chọn, khách muốn trả tiền thì cho vào một chiếc hộp nhỏ tùy theo mức độ trải nghiệm và cảm nhận của mình.

Tôi còn được các bạn dạy cách sử dụng “ngôn ngữ đôi tay”. Đó là dùng tay này đặt thẳng lên bàn tay kia (như động tác chặt xuống) nghĩa là có đá; bàn tay để dưới cằm, hai ngón tay búng nhẹ vào nhau nghĩa là món nước được dùng nóng… Khách và nhân viên cùng cười, dù không có âm thanh nhưng tôi tin, ai cũng thấy hạnh phúc thể hiện trên nét mặt.

Bạn tin được không khi giữa đất Sài Gòn có một quán buffet chay, mà ở đó bạn được “ăn thả cửa” mà không lo nghĩ chuyện tiền nong? Đó là quán Mãn Tự Vegan do chị Đỗ Thị Ngọc Phượng (39 tuổi) mở và duy trì gần 3 năm qua.

Trước mắt chúng tôi, dãy bàn dài bày miên man các món chay từ cơm, canh chua, bún xào, đến các loại rau củ, nem, gỏi… Khách đến chỉ cần lấy dĩa, chọn thức ăn rồi mang ra bàn ngồi thưởng thức. Ai muốn ăn bao nhiêu tùy ý, đến khi no bụng thì thôi. Trước cửa quán có một hộp giấy với dòng chữ nắn nót “Ăn tùy bụng, trả tùy tâm” - khách trả tiền bao nhiêu cũng được.

Dắt đứa con gái học lớp 2 vào quán, anh Thìn (40 tuổi), một công nhân, chọn cho mình chỗ còn trống. Hai cha con lấy thức ăn rồi vui vẻ dùng bữa tối. Anh Thìn kể, do hoàn cảnh nghèo khó, vợ sinh con được vài tháng rồi bỏ đi đâu không rõ. Anh ôm con rời quê An Giang lên Sài Gòn kiếm sống. Đồng lương công nhân đủ để anh lo cho con được đến trường như bao đứa trẻ khác. “Năm nay dịch bệnh, tôi thất nghiệp mấy tháng trời. Tính gửi con về quê nhưng không yên tâm, nên cha đâu con đó. Ai thuê gì tôi cũng nhận làm. Một lần tình cờ nghe nói đến quán chay ăn thỏa thuê, trả tùy ý. Sau lần đến ăn thử, giờ cha con là khách “ruột” nơi này. Những hôm không có tiền, cô chủ vẫn mời chúng tôi dùng tự nhiên. Nhiêu đó cũng thấy ấm lòng!” - anh Thìn chia sẻ.

Nhóm “ngọn lửa” yêu thương

Quán trà Zentea nằm yên bình trong con hẻm sâu ở Q.Bình Thạnh (TPHCM). Lách mình qua cánh cửa gỗ, khách được đắm mình trong không gian trà đạo với hương thơm ngan ngát, tiếng nhạc thiền dịu êm.

Quán không có nhân viên phục vụ, cũng không có bảng giá thức uống. Trên từng quầy kệ bày sẵn các loại ấm, tách, nguyên liệu trà... để khách tự chọn lựa loại thức uống cho riêng mình và pha theo ý. Ngoài trà xanh truyền thống, quán có nhiều loại khác như trà ô-long, trà lam gác bếp, hoa cúc, phổ nhĩ, san tuyết, trà thảo dược... Khi ra về, khách có thể không trả tiền hoặc đóng góp tùy tâm cho quán tại thùng gỗ đặt trước cửa ra vào.

Anh Phạm Hoàng Sơn (30 tuổi), người đồng sáng lập Quán trà Zentea tâm sự, anh muốn có một không gian làm nơi để người yêu trà, thích sống chậm, muốn chiêm nghiệm giá trị cuộc sống, tìm ra giá trị bản thân. Do vậy, anh Sơn đã cùng bạn bè bắt tay xây dựng quán trà và không thu tiền bất kỳ ai. “Đây là dự án vì cộng đồng, kinh phí xây dựng quán đều đến từ sự đóng góp của bạn bè, mạnh thường quân. Ai có tấm lòng đều có thể đóng góp. Người góp vật chất, người góp sức lực. Điều đặc biệt, quán chẳng hề thu tiền một ai. Tất cả đều tùy tấm lòng của khách, đóng góp cùng duy trì quán” - anh Sơn bộc bạch. Cuối tuần, quán còn mở lớp dạy viết thư pháp, dạy cắm hoa hay dạy võ tự vệ, tất cả đều miễn phí.

Anh Võ Thành Luân (32 tuổi), chủ Quán của Thời Thanh Xuân cho hay, anh mở quán vì muốn tạo việc làm, tạo thu nhập, giúp các bạn điếc hòa nhập cuộc sống, giúp những bạn trẻ không nghe, không nói được có những trải nghiệm về nghề nghiệp, tác phong làm việc, tích lũy vốn để có thể tự lập về sau. Tinh thần “phi lợi nhuận” Luân đặt ra cho quán đã mang đến cho chính anh và các bạn trẻ, trong đó có các nhân viên phục vụ của quán và những vị khách cơ hội được mở lòng, trao đi và nhận về những giá trị tinh thần vô giá.

Khi hỏi Luân có sợ lỗ vốn nếu ai cũng vào quán uống nước “miễn phí”. Mỉm cười nhẹ nhàng, Luân nói: “Tiền có thể nay có, mai không nhưng tình cảm rất thiêng liêng, không đong đếm được bằng vật chất. Chúng mình tin quán sẽ duy trì được lâu dài bởi tấm lòng hào sảng của người Sài Gòn”.

Ngày ngày vẫn tất bật nấu hàng chục món chay phục vụ khách, chị Phượng bảo mình vẫn còn sức để làm được nhiều chuyện hơn nữa. Giải thích về lý do tại sao không quy định rõ số tiền cho một phần ăn, chị Phượng cho rằng, nếu niêm yết giá là 2.000 đồng, 5.000 đồng hay 10.000 đồng, thì vô tình chỉ nhắm đến đối tượng khách hàng là dân lao động, trong khi đó các bạn trẻ hay dân văn phòng sẽ không đến vì tâm lý chung.

“Tôi mở quán nhằm muốn truyền bá việc ăn chay vì đây là lối sống lành mạnh, tốt cho sức khỏe, cũng như khuyến khích mọi người hãy cho đi nhiều hơn thay vì cứ nhận lại. Tôi muốn nhóm lên “ngọn lửa” yêu thương, tinh thần chia sẻ đến nhiều bạn trẻ” - chị Phượng trải lòng.

Quán từ tâm ảnh 1 Hàng chục món chay ở Mãn Tự Vegan phục vụ mọi khách đến quán Ảnh: U.P

Giữa trung tâm Sài Gòn hào nhoáng và nhộn nhịp, những mô hình “trả tiền tùy tâm” ở nhiều quán ăn, quán nước như một “nốt trầm” trên “bản nhạc sôi động” của thành phố phồn hoa này. Có lẽ chính không gian yên bình, nhẹ nhàng và gần gũi đã thu hút giới trẻ Sài Gòn tìm đến, bởi đây là nơi cho họ những “khoảng lặng” để sống chậm lại.

 
MỚI - NÓNG