Chấn chỉnh lễ hội thế nào? - Bài 2

Quản trị lễ hội thiếu chuyên nghiệp, giật cục

Chen lấn xô đẩy lễ Phủ Tây Hồ. Ảnh: Hồng Vĩnh
Chen lấn xô đẩy lễ Phủ Tây Hồ. Ảnh: Hồng Vĩnh
TP - Sau bài “Bỏ quy hoạch tổng thể, siết bằng nghị định” đăng trên Tiền Phong số 38 ngày 7/2 về nghị định lễ hội sắp tới, Tiền Phong ghi nhận ý kiến của các nhà nghiên cứu, chuyên gia văn hóa xung quanh vấn đề này.

PGS.TS Nguyễn Văn Huy: Quản trị lễ hội hiện nay chưa xứng tầm

Một loạt vấn đề lộn xộn, trục lợi hay thương mại hóa lễ hội nếu xem xét kỹ sẽ thấy vấn đề quan trọng nằm ở khâu tổ chức, quản trị. Các ban quản lý, ban tổ chức (BTC) lễ hội không theo kịp với sự chuyển biến rất nhanh, sự hội nhập của xã hội cũng sự thay đổi tâm lý, nhu cầu của người dân thành ra quản trị không theo kịp và chưa xứng tầm thời đại. Muốn có được sự chuyên nghiệp dứt khoát họ phải được đào tạo, hiện nay các ban quản lý, các nhà sư trụ trì vẫn quản lý tự phát, theo trải nghiệm cá nhân.

Nhìn ra các nước trong khu vực tùy từng nơi quản trị khác nhau nhưng họ đều đạt được hiệu quả cao. Ví dụ ở Lào, Thái Lan, Campuchia các nhà sư thực hành tâm linh đúng mức, nghiêm chỉnh tạo ra không khí nghiêm túc ở đền, chùa. Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản quản trị mang tính chuyên nghiệp rất cao mà chúng ta chưa có được. 

Các nguồn lợi rất lớn từ nguồn công đức và thu từ lễ hội, muốn quản trị tốt không phải bắt nguồn từ biện pháp, trước hết là nhận thức. Nếu người quản trị nhận thức đúng sẽ điều chỉnh được xã hội trong phạm vi nhỏ như di tích, lễ hội của mình, bằng không thì bị sự trục lợi, đồng tiền khỏa lấp và đẩy đến xu hướng ngày càng bùng phát.

Ở ta quản lý không những nghiệp dư mà còn có lỗ hổng từ nhận thức tới tổ chức. Chẳng hạn các lễ hội mới như chọi trâu nở rộ một phần do người quản lý, quản trị ở đâu đó nhận thức không đúng về mục đích và phương pháp thực hành lễ hội nên sinh ra vụ lợi, còn người dân tham gia lễ hội lao vào bằng niềm tin mù quáng.  Nâng cao dân trí vì vậy cũng không thể xem nhẹ. Cuối cùng là sự nghiêm minh của pháp luật. 

Tại sao các nước gần như không có chuyện chen lấn nhưng chúng ta vẫn mắc? Rồi chuyện tranh cướp lộc ở đền Trần, đền Sóc phải xem lại một cách thực sự nghiêm túc để tìm giải pháp thỏa đáng. Chúng ta hoàn toàn có thể điều tra kỹ lưỡng thành phần nào hay chen lấn xô đẩy và cướp lộc, xem họ là ai và từ đâu tới, lễ hội nào cũng có hệ thống an ninh, bảo vệ để theo dõi. Ấy là chưa kể các biện pháp sử dụng camera, máy ảnh, máy ghi hình để từ đó phân tích tìm ra nguyên nhân cụ thể của những bất cập cứ lặp đi lặp lại mãi.

Không thể chỉ trông chờ vào nghị định mới về lễ hội, phải có nhiều giải pháp khác nhau, phù hợp từng lễ hội. Tôi tin sự quản trị tốt, chuyên nghiệp ở các không gian vi mô sẽ làm lễ hội trở nên văn minh hơn, bớt dần đi những điều không mong đợi.

TS Trần Hữu Sơn: Quản lý lễ hội theo kiểu giật cục

Tôi cho rằng nhiều hay ít, tám nghìn lễ hội hay ít hơn không hẳn là vấn đề. Từ khi lễ hội chuyển hướng theo cơ chế thị trường đẩy lợi ích cá nhân cao hơn lợi ích cộng đồng, biến con người ta chạy theo cơ chế. Người ở ngoài ngành cứ nghĩ do ngành văn hóa phục dựng lễ hội tràn lan, nghĩ thế oan cho ngành lắm. 

Bởi chỉ một số lễ hội được phục dựng, nhiều lễ hội do thời xưa đóng lại nay người ta tự mở lại thôi. Tuy nhiên xã hội biến đổi, đối với lễ hội được phục dựng nếu mình cứ giữ nguyên sẽ có nhiều điểm không còn phù hợp.

Hiện nay, các nhà quản lý không nghiên cứu kỹ, chưa dự báo được xu hướng dẫn đến cách quản lý kiểu chữa cháy, giật cục. Năm nay xì ra cái này không quản được thì dẹp, năm sau lại xì ra cái khác không quản được lại dẹp. Muốn quản lý tốt phải có tri thức, lắng nghe ý kiến các nhà khoa học. 

Tôi cho rằng, chỉ nghị định không giải quyết được vấn đề. Thực tế ở nước mình có luật, có nghị định nhưng vẫn khó. Hút thuốc lá, xả rác nơi công cộng đều có chế tài đấy thôi, sát sườn như thế còn không làm được. Lễ hội phức tạp hơn thế nhiều.

Điểm yếu không phải ở nghị định hay luật mà là cách làm. Chẳng hạn về ý thức của người dân, không thể chỉ kêu gọi suông e khó đấy, nhưng đưa ra chế tài và thực thi nghiêm thì đâu vào đấy. 

Tết vừa rồi ngành giao thông cứ kiểm tra nghiêm một loạt người uống rượu, họ sợ ngay. Lễ hội giờ chỗ nào cũng có camera hoàn toàn có thể phạt nguội được. Muốn chấn chỉnh lễ hội đòi hỏi phải thực hiện các bước từ nghiên cứu, thể chế hóa văn bản, thực thi và chế tài xử phạt.

TS Trần Trọng Dương: Phạt được “quan” thì dân trở lại thuần hậu

Số lượng lễ hội không phải là vấn đề cần phải cân nhắc, vì loại hình hội làng lại là văn hóa truyền thống cần tiếp tục phát huy. Vấn đề cần cân nhắc chính là các loại hình tệ nạn, các hủ tục, các loại hình tội phạm, hoặc các loại hoạt động phản văn hóa, phản nhân văn núp dưới cái vỏ lễ hội. 

Chúng ta nên có thống kê đầy đủ các loại tệ nạn này: Từ cờ bạc, cá độ, lừa đảo, cho đến các nghi lễ hay hành vi mê tín dị đoan, hay phản văn hóa như cướp lộc, xoa lộc, lấy hơi lộc từ thánh thần, từ Phật, từ Mẫu. Rồi vay nợ tiền âm, hóa vàng nhà lầu xe hơi, những hình nhân thế mạng trong chùa, những nghi lễ mang tính man rợ... 

Tất cả cần có thống kê chính xác, và đưa vào chế định, quy định cũng như hình thức và các cấp độ xử phạt. Thậm chí, cần nêu thành luật, nhất là trong điều lệ Đảng, Luật Cán bộ, công chức. Lãnh đạo đến khai ấn, thì dân mới theo. Phạt được “quan” thì dân sẽ trở lại thuần hậu ngay thôi!

Ngoài việc xây dựng hệ thống quy định, pháp lý, chế tài xử phạt, TS Trần Trọng Dương đề xuất cần có cơ quan thực thi chế tài. “Còn người giám sát lễ hội chính là du khách, nhân dân, nhà báo, các giai tầng xã hội. Đó là hình thức giám sát nhân dân, do toàn dân thực thi. 

Bất kỳ lễ hội nào có đơn thư, hình ảnh, clip được công bố trên các phương tiện truyền thông, trang mạng xã hội đều có thể coi đó như một nguồn cứ liệu để xử phạt. Chúng ta có các ủy ban cấp quốc gia ở lĩnh vực khác, tại sao lại không thể lập ra một ủy ban giám sát văn hóa- lễ hội?”, TS Trần Trọng Dương nói.

MỚI - NÓNG
Bản tin Hình sự: Ông Lê Tùng Vân có quan hệ loạn luân với con ruột
Bản tin Hình sự: Ông Lê Tùng Vân có quan hệ loạn luân với con ruột
TPO - TIN NÓNG ngày 19/4: Chiếm đoạt hơn 1.000 tỷ đồng của nhà đầu tư, hai lãnh đạo Công ty CP tập đoàn Tâm Lộc Phát bị bắt giữ; Cơ quan chức năng vào cuộc xác minh vụ thất thoát hơn 53 tỷ đồng quỹ di tích làng Đồng Kỵ; Biến tướng chiêu trò lừa đảo liên quan giải chạy marathon; Tạm giữ đối tượng sàm sỡ nữ sinh trên phố...