Quán tính giá băng

TP - Tới gần ngã tư đèn đỏ, nếu chạy nhanh hơn mấy giây sẽ qua kịp. Ta nghĩ là mình đã chậm. Nếu chạy chậm hơn mấy giây, sẽ khỏi phải chờ đèn đỏ một chốc. Ta lại nghĩ mình đã đi hơi nhanh.

Vậy là nhanh, hay chậm? Nhanh hay chậm, thì quán tính cuộc sống và thời thế hiện đại này vẫn đang băng tới theo thói thường, con người vẫn khó thể điều chỉnh dù đã đến lúc buộc phải thay đổi. Cho dù đến thời điểm này đã có hơn 2 triệu người chết vì COVID-19. Cho dù kinh tế khắp nơi suy sụp, đói kém thất bát, giá lạnh phủ tràn... 

Hai ngày nữa, thế giới sẽ chứng kiến thời khắc cuộc chuyển giao quyền lực ồn ào, gay cấn bậc nhất trong lịch sử nước Mỹ. Ở xứ ta, có người còn có thể bỏ ra tới hơn 1 triệu đô la (trên 22,7 tỷ đồng) để “chạy” cái chức vụ phó. Quyền lực là gì?

Tỉnh miền núi nghèo như Đắk Nông vừa quyết định chi 77 tỷ đồng để làm một cây số đường dẫn lên tượng đài N’Trang Lơng trên ngọn đồi. Tượng đài đặt đá khởi công từ năm 2012, nhân kỷ niệm 100 năm cuộc khởi nghĩa của người anh hùng Tây Nguyên thời chống Pháp, nhưng tới cuối năm 2020 mới hoàn thành. Chi phí xây tượng đài hơn 67 tỷ đồng, nay thêm các hạng mục khác, trong số tổng mức đầu tư dự toán khoảng 167 tỷ đồng!

Cho dù đó là tiền đóng góp từ “nhân dân, doanh nghiệp”, để dựng lên biểu tượng của lòng yêu nước, tinh thần cách mạng giáo dục truyền thống cho thế hệ sau. Nhưng với một địa phương hàng năm số tiền chi tiêu thường gấp 3 lần tổng ngân sách thu được, giữa lúc người dân cả nước đang phải cắn răng “thắt lưng buộc bụng” vì dịch giã, thiên tai, thất nghiệp, thì đó là biểu tượng gì?

Đọc “Một đêm” của Trịnh Xuân Thuận, nhà Vật lý thiên văn nổi tiếng người Mỹ gốc Việt. Kính thiên văn TMT đường kính khổng lồ 30m từ đỉnh núi lửa Mauna Kea (Thần Trời) trên đảo Hawaii giữa Thái Bình Dương cao 4.207m có thể quay ngược thời gian của vũ trụ tới 13 tỷ năm, để quan sát lại nguồn gốc sự sống trên hành tinh này. Kính thiên văn được tác giả gọi là một “đền thờ của thời hiện đại” có thể soi rọi quá khứ. Nhưng cuối cùng chỉ có ánh sáng, ánh sáng của vũ trụ mới hắt vào những cỗ máy vô tri, để mách bảo chúng ta về “sự vô thường” của dải thiên hà.

Từ những lằn ranh chớp mắt mong manh của thời gian, để nhận chân cốt lõi của những gì chúng ta hằng hướng tới. Như là tôn giáo, đạo đức, như là hạnh phúc, và cả cái mà ta hằng hy vọng vẫn được gọi là “nền văn minh hiện đại”. Để tự thấy mỗi bước chân mình trên mặt đất là nhanh hay chậm? Tiền tài, quyền lực là được hay mất, và quan trọng hơn: điều còn lại đó là gì?

Một số nhà khoa học cho rằng trái đất đang “đối mặt với một kỷ băng hà mới”. Bởi hành tinh này đang bị con người hun nóng với một tốc độ nguy hiểm. Mọi loại nhiệt kế đang hoạt động hết công suất mọi lúc mọi nơi để tầm soát thứ virus chết chóc, còn chúng ta vẫn lao đi, với thứ quán tính lạnh lùng băng giá.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.