Khai mạc hội nghị Ban Chấp hành T. Ư Đoàn lần thứ 7:

Quan tâm giáo dục kỹ năng sống cho thanh thiếu niên

Bí thư thứ nhất T. Ư Đoàn Nguyễn Đắc Vinh phát biểu chỉ đạo Hội nghị.
Bí thư thứ nhất T. Ư Đoàn Nguyễn Đắc Vinh phát biểu chỉ đạo Hội nghị.
TPO - Hôm nay (21/7) tại Hà Nội, Hội nghị Ban Chấp hành T.Ư Đoàn lần thứ 7, khóa X đã chính thức khai mạc.

Thay mặt Ban Bí thư, Ban Thường vụ T.Ư Đoàn, Bí thư thứ nhất T. Ư Đoàn Nguyễn Đắc Vinh phát biểu khai mạc và đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận, hiến kế trong việc tổ chức, cho ý kiến sâu về các nội dung Ban thường vụ trình Hội nghị lần này.

Về Báo cáo đánh giá giữa nhiệm kỳ việc triển khai, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ X, đây là nội dung có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, có tác động trực tiếp tới công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi, được Ban Thường vụ, Ban Bí thư T.Ư Đoàn chỉ đạo chuẩn bị kỹ lưỡng. Bí thư thứ nhất T. Ư Đoàn Nguyễn Đắc Vinh yêu cầu các đại biểu tập trung thảo luận, đưa ra giải pháp cho các vấn đề sau:

Đối với công tác giáo dục, mục tiêu lớn nhất đặt ra là phải tạo ra sự chuyển biến tích cực trong các đối tượng thanh niên, kể cả thanh niên chậm tiến. Chúng ta đã có nhiều nỗ lực, tuy nhiên hiệu quả giáo dục ở nhiều nơi vẫn chưa rõ nét, sự chuyển động chưa nhiều. Vậy nguyên nhân nằm ở đâu? Một số địa phương đã thực hiện rất tốt một số mô hình giáo dục thanh niên chậm tiến, từng bước nhân rộng, nhưng nhìn chung trên phạm vi cả nước, chủ trương này thực sự đã được quan tâm triển khai chưa?

Đối với hai phong trào lớn của Đoàn, mục tiêu đặt ra là cần lan tỏa tới mọi nơi, được đông đảo thanh thiếu niên và người dân hưởng ứng, cần thể hiện tính sáng tạo cao của tuổi trẻ, hiệu quả cao, bền vững. Từ thực tiễn phong trào, đề nghị các đồng chí ủy viên BCH nêu ý kiến về những bài học trong xây dựng phong trào, làm thế nào để phong trào có sức sống, gắn với các cơ sở Đoàn và thực hiện được cả hai nhiệm vụ: tham gia phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và giáo dục thanh niên; nguyên nhân nào khiến cho một số phong trào chậm phát triển, chưa thấm vào thực tiễn cuộc sống?

Về công tác tổ chức, xây dựng Đoàn: mục tiêu đặt ra là củng cố và phát triển tổ chức. Tuy nhiên việc kết nạp đoàn viên bị đánh giá chạy theo số lượng, ít chú ý tới chất lượng; chương trình rèn luyện đoàn viên chưa được quan tâm triển khai hiệu quả; việc đánh giá, phân loại đoàn viên chưa chất lượng; công tác quản lý đoàn viên bị buông lỏng ở nhiều nơi; việc phát triển Đoàn, Hội ở khu công nghiệp, khu chế xuất, tập hợp thanh niên lao động tự do, thanh niên làm việc ở khu vực ngoài quốc doanh rất khó khăn. Đề nghị các đồng chí tập trung phân tích, đánh giá, tìm ra những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên để tìm ra những giải pháp hữu hiệu, cải thiện tình hình, củng cố tổ chức Đoàn.

Về công tác phụ trách Đội TNTP Hồ Chí Minh và chăm sóc thiếu niên nhi đồng, mục tiêu là định hướng hình thành nhân cách, lý tưởng cho các em từ tuổi nhi đồng qua các hoạt động giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng xã hội. Nhiều ý kiến đóng góp đề nghị củng cố lại nền nếp sinh hoạt đội, nghi thức Đội, chú ý đổi mới nội dung, hình thức hoạt động của thiếu nhi, để hiệu quả hoạt động và công tác giáo dục thiếu nhi được nâng lên.

Về công tác quốc tế thanh niên, anh Nguyễn Đắc Vinh cho biết Đoàn đã đạt được mục tiêu đặt ra là nâng cao uy tín, vai trò của tổ chức Đoàn, tạo dựng niềm tin với các tổ chức thanh niên trên thế giới.

Về công tác tham mưu cơ chế và huy động nguồn lực, anh Vinh cho biết, trong nửa đầu nhiệm kỳ, nhiều cơ chế, chính sách được ban hành, thể hiện sự quan tâm, chăm lo của Đảng và Nhà nước, sự ủng hộ của toàn xã hội và sự nỗ lực tham mưu của các cấp bộ đoàn. Trong thời gian tới, Đoàn cần cần tập trung vào những vấn đề nào?

Quan tâm giáo dục kỹ năng sống cho thanh thiếu niên ảnh 1

Toàn cảnh Hội nghị BCH. Ảnh: Hoàng Hải. 

Băn khoăn chất lượng cán bộ

Về công tác cán bộ, thước đo đánh giá cán bộ là hiệu quả thực hiện công việc và kết quả triển khai phong trào. Việc thực hiện Quy chế cán bộ Đoàn đã tạo điều kiện để đội ngũ cán bộ Đoàn được trẻ hóa, từng bước chuẩn hóa, tạo nên nguồn sinh khí mới trong triển khai thực hiện phong trào. Tuy vậy, việc trẻ hóa cán bộ Đoàn cũng bộc lộ những mặt khó khăn như cán bộ thiếu kinh nghiệm thực tiễn, thiếu chuyên gia am hiểu sâu về chuyên môn, nghiệp vụ cũng như đối tác. Trong bối cảnh như vậy, đề nghị BCH cho ý kiến đánh giá về các giải pháp đã thực hiện cũng như những giải pháp cần thực hiện trong nửa cuối nhiệm kỳ.

Về công tác kiểm tra, giám sát đã được quan tâm, đầu tư đúng mức hay chưa? Đã thực sự giải quyết một số vấn đề thực tiễn đặt ra như số liệu thiếu chính xác, kỷ cương, kỷ luật lao động...

Công tác thi đua - khen thưởng được xem là động lực để thúc đẩy phong trào. Trong triển khai thực tiễn tại cơ sở, có nội dung nào cần xem xét, sửa đổi, cải tiến không?

Với tinh thần thẳng thắn, khách quan và cầu thị, trân trọng anh Vinh đề nghị các đồng chí Ủy viên BCH tập trung nghiên cứu, thảo luận, cho ý kiến.

Về nội dung Kiểm điểm giữa nhiệm kỳ Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Ban Bí thư T. Ư Đoàn khóa X, anh Vinh cho biết, qua bước đầu sơ kết đánh giá nửa đầu nhiệm kỳ vừa qua, nhìn chung công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi đã có nhiều bước phát triển mới, tích cực và toàn diện. “Có được kết quả này, bên cạnh sự nỗ lực, cố gắng của các cấp bộ đoàn và đoàn viên, thanh niên, sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Ban Bí thư cũng đóng vai trò quan trọng. Tuy nhiên, trước yêu cầu của thực tiễn công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi, vẫn còn những nội dung, những mặt công tác đang tồn tại nhiều hạn chế đòi hỏi chúng ta nhìn thấy rõ trách nhiệm của mình. Có những tồn tại hạn chế mang tính chất hệ thống, nhưng có những tồn tại mang tính chất cá biệt, ở từng thời điểm, từng bộ phận. Ban Thường vụ T.Ư Đoàn đã nghiêm túc tự kiểm điểm và thẳng thắn nhìn nhận, tính trung thực cần được đề cao hơn nữa trong tất cả các hoạt động của Đoàn. Trung thực trong báo cáo. Trung thực trong nhận xét, đánh giá. Trung thực trong phê bình và tự phê bình” anh Vinh nói.

Về Chương trình hành động thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 24/3/2015 của Ban Bí thư T.Ư Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ giai đoạn 2015 - 2030”.

Đây là nội dung rất quan trọng, có tác động sâu, rộng tới công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi. Ngay sau khi Chỉ thị được ban hành, Ban Thường vụ, Ban Bí thư T. Ư Đoàn đã tập trung chỉ đạo triển khai nhiều nội dung, biện pháp cụ thể. Tuy nhiên, với ý nghĩa và tầm quan trọng của Chỉ thị, Ban Thường vụ T. Ư Đoàn đề nghị xin ý kiến của BCH T.Ư Đoàn để việc triển khai chương trình hành động thực hiện Chỉ thị được toàn diện, đầy đủ.

“Một tổ chức muốn có sự phát triển tốt hơn, cần phải được đánh giá khách quan, nhìn ra các vấn đề của sự phát triển và chỉ rõ những hạn chế cần khắc phục. Cán bộ Đoàn cần gương mẫu thực hiện đầu tiên sự đánh giá khách quan ấy. Tôi đề nghị các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành phát huy tinh thần trách nhiệm cao nhất, tập trung nghiên cứu, thảo luận đóng góp ý kiến cho các dự thảo”, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Nguyễn Đắc Vinh nói.

Hội nghị chia 5 tổ thảo luận. Chiều 21/7, Hội nghị nghe báo cáo chuyên đề, họp Ban Thường vụ T.Ư Đoàn về việc tiếp thu các ý kiến tại các tổ thảo luận.

MỚI - NÓNG
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
TPO - Ở bậc THPT, Hà Nội hiện có hơn 100 trường tư thục. Trong đó, Quận Nam Từ Liêm có số lượng nhiều nhất với 12 trường. Mức học phí các trường từ 1,8 triệu đồng/ tháng đến gần 600 triệu đồng/ năm. Tuy nhiên, năm học 2024-2025, chỉ có 9 trường được Sở GD&ĐT Hà Nội giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10.