Quận Sơn Trà cưỡng chế vụ 'đền bù đất thấp hơn giá thị trường 1.000 lần' có đúng luật?

0:00 / 0:00
0:00
Hình ảnh cưỡng chế thu hồi đất đối với hộ gia đình ông Nguyễn Văn Côi.
Hình ảnh cưỡng chế thu hồi đất đối với hộ gia đình ông Nguyễn Văn Côi.
TPO - Trong khi Viện KSND Tối cao đã có văn bản xác nhận việc nhận đơn đề nghị xem xét kháng nghị giám đốc thẩm của gia đình ông Nguyễn Văn Côi về vụ "đền bù thấp hơn giá thị trường 1.000 lần", thì ngày 9/12, UBND quận Sơn Trà (TP Đà Nẵng) đã thực hiện cưỡng chế thu hồi đất đối với hộ gia đình này. 

Ngày 9/12, UBND quận Sơn Trà (TP Đà Nẵng) đã thực hiện cưỡng chế thu hồi hơn 1.200m2 đất của gia đình ông Nguyễn Văn Côi (62 tuổi) và bà Nguyễn Thị Thanh Vân (59 tuổi, trú tại tổ 34, phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà).

Trước đó, UBND quận Sơn Trà đã ra Quyết định 4698 áp dụng biện pháp cưỡng chế thu hồi đất đối với hộ gia đình ông Côi bà Vân đang sử dụng thửa đất số 84 tờ bản đồ số 42 (tại phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà) do không chấp hành Quyết định số 175 ngày 15/1/2019 của UBND quận Sơn Trà về việc thu hồi đất để đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu dân cư Bàu Gia Phước. Thời gian thực hiện cưỡng chế thu hồi đất đến ngày 29/3/2022.

Diện tích đất nói trên được dư luận quan tâm khi trước đó ông Côi đã khởi kiện yêu cầu tòa án hủy các Quyết định 175/QĐ-UBND ngày 15/1/2019 của UBND quận Sơn Trà về việc thu hồi đất để đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu dân cư Bàu Gia Phước cùng 4 quyết định khác.

Ngày 28/9/2020, TAND TP Đà Nẵng đã tuyên chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Côi hủy các quyết định hành chính của UBND TP Đà Nẵng và UBND quận Sơn Trà, trong đó có Quyết định số 175 ngày 15/1/2019.

Ngày 17/9/2021, theo kháng án của UBND quận Sơn Trà, TAND Cấp cao tại Đà Nẵng xử phúc thẩm vụ án “Khiếu kiện yêu cầu hủy quyết định hành chính” và bác bản án sơ thẩm, tuyên chấp nhận đơn kháng án của UBND quận Sơn Trà, bác toàn bộ nội dung khởi kiện của ông Côi đối với các quyết định của UBND Sơn Trà và UBND TP Đà Nẵng.

Đáng chú ý, sau phiên tòa phúc thẩm, gia đình ông Côi, bà Vân đã có đơn đề nghị xem xét thủ tục giám đốc thẩm đối với bản án phúc thẩm của TAND Cấp cao tại Đà Nẵng.

Ngày 8/11, Viện KSND Cấp cao tại Đà Nẵng cho biết: Đã nhận được đơn kiến nghị xem xét thủ tục giám đốc thẩm Bản án phúc thẩm số 186 ngày 17/9/2021 của TAND Cấp cao tại TP Đà Nẵng về giải quyết vụ án “Khiếu kiện yêu cầu hủy quyết định hành chính” của ông Côi và bà Vân. Đồng thời đã chuyển đơn và tài liệu kèm theo của ông bà đến vụ 12 Viện KSND Tối cao xem xét, giải quyết theo thẩm quyền.

Ngày 23/11, Viện KSND Tối cao đã có giấy xác nhận về việc nhận đơn đề nghị xem xét kháng nghị giám đốc thẩm của gia đình ông Nguyễn Văn Côi và bà Nguyễn Thị Thanh Vân.

Sự việc đang trong quá trình giải quyết, thế nhưng ngày 16/11, UBND quận Sơn Trà lại ra Quyết định số 4698 áp dụng biện pháp cưỡng chế thu hồi đất. Gia đình ông Côi sau đó đã có đơn xin tạm dừng cưỡng chế thu hồi đất.

Đến ngày 8/12, Ban thực hiện cưỡng chế thu hồi đất (UBND quận Sơn Trà) có văn bản trả lời không chấp nhận việc gia hạn của gia đình.

Quận Sơn Trà cưỡng chế vụ 'đền bù đất thấp hơn giá thị trường 1.000 lần' có đúng luật? ảnh 1

Diện tích đất của gia đình ông Côi trước khi cưỡng chế thu hồi.

Cơ quan nào được ra quyết định cưỡng chế?

Ngoài ra, gia đình ông Côi cũng đã có đơn xin tạm dừng thi hành án đối với bản án phúc thẩm gửi Viện KSND Tối cao. Trong đơn ông Côi trình bày: Mặc dù, gia đình đã nhiều lần trao đổi với chính quyền địa phương về việc đây là việc thi hành một bản án có hiệu lực pháp luật, không phải là thi hành một quyết định hành chính nên phải thực hiện thông qua Cơ quan thi hành án và theo đúng thẩm quyền, quy trình và trình tự quy định tại Luật Tố tụng hành chính năm 2015 và Nghị định 71 của Chính phủ quy định thời hạn, trình tự, thủ tục thi hành án hành chính và xử lý trách nhiệm đối với người không thi hành bản án, quyết định của Tòa án.

Gia đình ông Côi đề nghị Viện trưởng Viện KSND Tối cao trong thời gian chờ đợi xem xét vụ án một cách khách quan, toàn diện, tạm dừng thi hành án để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của gia đình.

Đại diện luật sư người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của gia đình ông Côi cho biết: Theo quy định tại Điều 311 và 312 của Luật Tố tụng hành chính năm 2015; Điều 14 Nghị định 71 ngày 1/07/2016 của Chính phủ và Công văn số 212 ngày 13/9/2019 của TAND Tối cao, thì ông Côi có 30 ngày kể từ ngày nhận được bản án phúc thẩm để tự nguyện thi hành án. Sau 30 ngày trên, trong vòng 1 năm, quận Sơn Trà phải gửi đơn lên tòa phúc thẩm yêu cầu ra quyết định buộc thi hành án.

"Sau khi quyết định buộc thi hành án được toà ban hành thì phải gửi đến Viện KSND cùng cấp, cơ quan thi hành án và gia đình ông Côi. Tiếp đó, Cơ quan thi hành án sẽ phân công chấp hành viên thụ lý hồ sơ và liên hệ với ông Côi yêu cầu thực hiện nghĩa vụ bản án. Nếu ông Côi không chấp hành, cơ quan thi hành sẽ án ra quyết định cưỡng chế, chứ không phải UBND quận. Hiện tại, với quy trình trên, UBND quận Sơn Trà đều không thực hiện, nên việc cưỡng chế là không đúng thẩm quyền, không đúng trình tự, thủ tục luật định”, vị luật sư này nêu quan điểm.

Như Tiền Phong đã phản ánh, gia đình ông Nguyễn Văn Côi có đơn thư khiếu nại về quyết định thu hồi đất để đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu dân cư Bàu Gia Phước của chính quyền TP Đà Nẵng. Cụ thể, ngày 15/1/2019, UBND quận Sơn Trà ra Quyết định 175 thu hồi đất xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu dân cư Bàu Gia Phước. Theo đó, hơn 1.200m2 của gia đình ông được thu hồi để thực hiện dự án và được UBND quận Sơn Trà áp giá đền bù là đất trồng cây hàng năm.

Theo bảng tính giá trị đền bù được đưa ra, 1.212m2 đất của gia đình ông Côi chỉ được áp giá 70.000 đồng/m2, trong khi giá đất thị trường tại khu vực này đã 70-100 triệu đồng/m2.

Ông Côi cho rằng giá đền bù như vậy là thấp hơn giá thị trường cả 1.000 lần. Từ năm 2019 đến nay, gia đình ông Côi khởi kiện chính quyền để đòi hỏi quyền lợi của mình.

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.