Quán quân Olympia 2021: Bạch Đằng dậy sóng

0:00 / 0:00
0:00
Nguyễn Hoàng Khánh có một tủ sách rất lớn
Nguyễn Hoàng Khánh có một tủ sách rất lớn
TP - Tự tin vượt qua 3 thí sinh cùng chơi với điểm số thuyết phục, Nguyễn Hoàng Khánh (Quảng Ninh) hôm qua ghi tên mình vào danh sách quán quân của chương trình Đường lên đỉnh Olympia 2021. Khánh cũng là 1 trong 3 quán quân xuất sắc của Quảng Ninh giành vòng nguyệt quế về cho tỉnh nhà.

Biệt tài đọc nhẩm siêu nhanh

Cái tên Nguyễn Hoàng Khánh được chú ý khi góp mặt vào vòng thi Quý I của chương trình Đường lên đỉnh Olympia 2021 với số điểm nhì cao nhất vòng thi tháng (270 điểm). “Ở 2 vòng thi đầu tiên, em luôn có cảm giác hồi hộp. Mặc dù những câu hỏi mà chương trình đặt ra không phải là quá khó, nhưng cảm giác hồi hộp đã khiến em chưa quyết đoán cũng như tư duy thật nhanh để trả lời tốt nhất. Từ thất bại sát nút ở vòng thi Tháng I, em đã có nhiều thời gian để điều chỉnh cảm xúc của mình”, Khánh chia sẻ trước khi lên đường tham dự vòng thi chung kết.

Ở trường, Khánh luôn là thần tượng của nhiều học sinh lớp dưới, không chỉ bởi vẻ ngoài lạnh lùng cùng đôi kính cận tôn lên vẻ thư sinh. Khánh là chủ nhân của hàng loạt giải thưởng danh giá cấp tỉnh, cấp quốc gia. Khánh ít nói, không thích phô trương và có vẻ già hơn các bạn cùng trang lứa.

Quán quân Olympia 2021: Bạch Đằng dậy sóng ảnh 1

Tiết mục cổ động tái hiện hình ảnh chiến thắng Bạch Đằng để tiếp sức cho Nguyễn Hoàng Khánh

Đang bận lái xe về UBND tỉnh Quảng Ninh để kịp buổi gặp mặt lãnh đạo tỉnh chúc mừng quán quân Olympia, nhưng cô Bùi Thị Hải Yến, Hiệu trưởng Trường THPT Bạch Đằng (nơi Khánh đang theo học), vẫn rất vui vẻ tiếp chuyện phóng viên Tiền Phong qua điện thoại. Với cô, Khánh là một học trò rất đặc biệt. “Khánh ít nói, không thích thể hiện mình nhưng ẩn chứa bên trong bạn ấy là cả một khối kiến thức khổng lồ. Chỉ cần 7-8 giây là Khánh có thể đọc xong một trang tin. Đối với những dữ liệu cần thiết, bạn ấy sẽ đọc kỹ hơn để có thể nắm rõ nội dung. Cũng có thể biệt tài đọc nhẩm siêu nhanh này mà Khánh luôn làm chúng tôi đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác trên chặng đường chinh phục đỉnh Olympia vừa qua”, cô Yến chia sẻ.

Chị Hoàng Thị Thu Giang, mẹ của Khánh, nói: “Không chỉ trên sân khấu cuộc thi này mà thường ngày, Khánh cũng thể hiện là một người bản lĩnh và đôi khi còn là điểm tựa tinh thần cho cả nhà. Khánh ít nói, điềm đạm nhưng sống rất tình cảm. Em cũng rất hay làm việc nhà, đặc biệt nấu ăn rất ngon. Ngoài ra, Khánh cũng là người có con mắt để đánh giá về thời trang cho mẹ”.

Khánh là con cả trong gia đình có mẹ là giảng viên đại học, bố là kỹ sư xây dựng. Hằng ngày, ngoài việc học trên lớp, Khánh đều dành thời gian đọc sách báo, xem truyền hình để nắm bắt thông tin thời sự, tin chính thống. Khánh biết đọc từ năm 4 tuổi. “Lúc đấy nhiều người gọi con là “thần đồng” nhưng không vì việc đấy mà gia đình đặt quá nhiều kỳ vọng để tạo áp lực cho cháu. Bắt cháu phải học nhiều hay phải sống trong khuôn khổ gò bó. Gia đình luôn ủng hộ những quyết định của Khánh kể cả việc cháu không muốn đi du học sau khi giành giải quán quân”, chị Giang chia sẻ.

Ngôi trường mang tên dòng sông lịch sử

Sinh ra và lớn lên ở thị xã Quảng Yên (Quảng Ninh), Khánh luôn tự hào về lịch sử hào hùng của mảnh đất 3 lần đánh thắng quân Nguyên Mông. Khánh cũng chia sẻ, từ bé, cậu đã rất thích lịch sử, nhất là lịch sử Việt Nam. Khi lớn một chút, Khánh thường tìm tòi đọc tư liệu, sách báo về chiến thắng sông Bạch Đằng. Khánh càng cảm thấy yêu quê hương và tự hào hơn khi được học chính ngôi trường mang tên dòng sông lịch sử.

Thông thường, các điểm cầu truyền hình của vòng chung kết Olympia được đặt tại sân trường có thí sinh tham dự. Nhưng lần này điểm cầu Trường THPT Bạch Đằng được đặt ở sân đền Trần Hưng Đạo - miếu Vua Bà, cách trường khá xa. Cô Yến tiết lộ, nguyên nhân một phần là do niềm tự hào về truyền thống lịch sử của Bạch Đằng Giang và đây cũng là nguyện vọng của Khánh.

“Để viết tiếp lịch sử hào hùng của dân tộc cũng như con người Quảng Yên với 3 lần đánh thắng quân Nguyên Mông, chúng tôi nhận thấy đền thờ Trần Hưng Đạo - miếu Vua Bà là địa điểm hợp lý hơn cả. Vừa thể hiện tinh thần dân tộc, vừa là dịp để các bậc cao nhân có thể chứng kiến những chiến thắng của con cháu đời sau. Trước đây, nhà vô địch Olympia 2018 Nguyễn Hoàng Cường cũng chọn bờ vịnh Hạ Long là điểm cầu trực tiếp để quảng bá hình ảnh quê hương”, cô Yến nói.

Để tiếp thêm sức mạnh, sự tự tin cho Khánh trong cuộc đua leo núi, các bạn học sinh Trường THPT Bạch Đằng đã ngày đêm khổ công tập luyện một tiết mục cổ động tái hiện hình ảnh chiến thắng Bạch Đằng. Không chỉ trên sân khấu, mà đội cổ động còn bày chiến trận dưới sông với dòng chữ Bạch Đằng được ghép từ những chiếc thuyền nan.

“Trước khi lên đường dự chung kết, Khánh tự tin hứa sẽ đem vinh quang về cho trường cũng như quê hương. Đặc biệt em sẽ dành món quà này cho ngày kỷ niệm 60 năm thành lập ngôi trường mang tên dòng sông lịch sử, Trường THPT Bạch Đằng”, thầy Bùi Đức Thanh, Phó hiệu trưởng Trường THPT Bạch Đằng, nói.

Với 4 lần có thí sinh tham dự vòng chung kết chương trình Đường lên đỉnh Olympia, Quảng Ninh có 3 thí sinh giành được vòng nguyệt quế vinh quang. Tính đến thời điểm hiện tại, Quảng Ninh là tỉnh có nhiều quán quân Olympia nhất. Đây không chỉ là niềm tự hào của ngành giáo dục Quảng Ninh mà còn là niềm hãnh diện của người Quảng Ninh khi thế hệ trẻ đang từng ngày viết tiếp những trang sử hào hùng của quê hương đất mỏ anh hùng.

MỚI - NÓNG