Quân nổi dậy Syria bắt tay dưới làn đạn Nga

Dưới đòn không kích dồn dập của Nga để hậu thuẫn cho quân đội chính phủ Syria, các nhóm nổi dậy nỗ lực bắt tay, thành lập liên minh đối phó.
Máy bay Su-34 của Nga thả bom. Ảnh: RT.

Ngày 12/10, Bộ Quốc phòng Nga cho biết không quân nước này đã tiến hành 55 đợt xuất kích trong ngày, không kích các vị trí phiến quân tại các tỉnh Idlib, Latakia, Homs và Hama. Chiến dịch không kích của Nga đang ngày càng trở nên quyết liệt hơn về cường độ, liên tục dội xuống các vị trí của phiến quân.

Trước những cuộc không kích dồn dập đó của Nga, nhiều phe phái nổi dậy và phiến quân ở Syria gác lại đấu đá, liên kết chống lại quân đội chính phủ Syria, Wall Street Journal đưa tin.

Gác bất đồng

Các nhà quan sát cho biết ở Syria hiện nay có ít nhất 41 nhóm nổi dậy chống chính phủ khác nhau, trong đó có các lữ đoàn, sư đoàn được Mỹ hậu thuẫn và cả phiến quân Mặt trận Nusra, một nhánh của al-Qaeda ở Syria. Một số nhóm chỉ tập trung tấn công phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS), trong khi nhiều nhóm lại liên minh chống quân đội chính phủ.

Các nhóm nổi dậy này đã từng lập ra các liên minh chiến đấu, rồi lại giải tán chúng trong suốt cuộc chiến kéo dài 4 năm rưỡi qua, khi những bất đồng về chiến lược và ý thức hệ vẫn còn sâu sắc. Một yếu tố khác khiến các liên minh này không thể bền lâu là thái độ ganh đua giữa các chỉ huy, cùng những cuộc đấu đá tranh giành ảnh hưởng đẫm máu giữa các nhóm phiến quân.

"Bất cứ liên minh nào được lập ra cũng có lợi cho quân nổi dậy", thiếu tá Yasser Abdolraheem, chỉ huy lữ đoàn Faylaq al-Sham, một nhóm nổi dậy được cho là ôn hòa hoạt động trên nhiều tỉnh ở Syria, cho biết. "Thế nhưng hết lần này đến lần khác, mâu thuẫn và bất đồng xuất hiện khiến các liên minh này không thể tồn tại lâu".

"Bạn sẽ chứng kiến những kiểu liên minh danh nghĩa hay sự đoàn kết cục bộ này hình thành liên tục, nhất là khi họ chuẩn bị tấn công vị trí nào đó hoặc muốn giành lấy một mục tiêu nào đó", theo ông Aron Lund, biên tập viên trang Syria in Crisis, một dự án Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế ở Washington. "Hầu hết sự đoàn kết này đều phai nhạt sau khi họ đạt được mục đích, hoặc ngay cả khi họ không đạt được mục đích".

Từ năm ngoái, lữ đoàn Ahrar al-Sham đã tích cực vận động 7 nhóm nổi dậy lớn nhất ở Syria thành lập liên minh Mặt trận Hồi giáo, nhằm tiến tới thành lập một quân đội đối lập chính thức, đóng vai trò dẫn đầu trong kế hoạch chính trị cho tương lai của Syria.

Tuy nhiên sau nhiều tháng đàm phán, thương thảo liên tục, kế hoạch thành lập Mặt trận Hồi giáo đổ vỡ khi các nhóm nổi dậy không thể nào tìm được tiếng nói chung.

Trong lúc các nhóm nổi dậy tranh giành ảnh hưởng, đấu đá lẫn nhau, phiến quân IS đã chớp lấy cơ hội và chiếm lấy địa bàn của họ ở nhiều khu vực. Thế nhưng thực tế đó vẫn không khiến các lữ đoàn quân nổi dậy đoàn kết lại với nhau để chống IS, bởi mục tiêu của nhiều nhóm vẫn chỉ là lật đổ ông Assad. Thậm chí Mặt trận Nusra có lúc còn bắt tay với IS để mở các chiến dịch quân sự chung.

Khi Nga bắt đầu chiến dịch không kích vào các mục tiêu "phiến quân và khủng bố" ở Syria, đồng thời tăng cường trang bị vũ khí và huấn luyện cho quân đội Syria để bảo vệ chính quyền của ông Assad, các phe phái nổi dậy như bừng tỉnh và có các hành động phối hợp với nhau, theo biên tập viên Raja Abdulrahim của Wall Street Journal.

Một chiến binh nổi dậy ở Syria. Ảnh: Guardian.

Bắt tay

Sau ngày đầu tiên Nga dội bom xuống các mục tiêu ở Syria cách đây hai tuần, trong đó có một số vị trí phe nổi dậy cho là sở chỉ huy của họ, 41 nhóm nổi dậy ở Syria đã ra một tuyên bố chung kêu gọi các chỉ huy chấm dứt tranh chấp, bất đồng để đối phó với "kẻ thù chung".

Sau đó, ba liên minh quân nổi dậy đã được hình thành ở nhiều khu vực quan trọng của Syria, nơi quân đội của Tổng thống Bashar al-Assad bắt đầu mở các chiến dịch phản công và giành lại quyền kiểm soát lãnh thổ. Các nhóm nổi dậy tuyên bố sẽ có thêm nhiều liên minh được thành lập trong thời gian tới để chống lại các cuộc tấn công của quân chính phủ dưới sự yểm trợ hỏa lực trên không của Nga.

Hôm thứ hai, quân đội chính phủ mở một cuộc tấn công lớn và chiếm được thị trấn Kafar Nabouda ở tỉnh Hama sau một tuần vây hãm và giao tranh quyết liệt. Abu al-Majid al-Homsi, chỉ huy lữ đoàn Suqoor al-Ghab ở Hama từng được CIA huấn luyện, cho biết quân chính phủ đã phóng hơn 700 quả rocket về phía họ, trong khi máy bay Nga liên tiếp thực hiện nhiều vụ không kích.

Tuy nhiên, chỉ vài giờ sau đó, lữ đoàn của al-Homsi đã phối hợp chặt chẽ với một số nhóm nổi dậy khác thông qua một sở chỉ huy chung mà họ vừa thiết lập hồi tuần trước để mở đợt phản công và chiếm lại thị trấn.

"Sự can thiệp quân sự của Nga thực sự là một lý do quan trọng để các nhóm này hợp tác với nhau, vì ai cũng phải lo lắng về trận chiến sắp tới", ông Mahmoud Allouz, người phát ngôn Binh đoàn Homs thuộc lực lượng nổi dậy Quân đội Syria Tự do, nói. Binh đoàn Homs đã phối hợp cùng lữ đoàn Ahrar al-Sham và phiến quân Nusra lập một sở chỉ huy chung tại phía bắc tỉnh này, bởi "quân đội chính phủ cũng đang tập hợp lực lượng ở xung quanh".

Nguy cơ 

Tuy nhiên việc hình thành những liên minh này cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ, đặc biệt là đối với các nhóm nổi dậy lớn. Khi bắt tay cùng các nhóm phiến quân có liên hệ với khủng bố al-Qaeda như Nusra, các nhóm nổi dậy sẽ đánh mất bản chất được xem là "ôn hòa" của mình và sẽ không nhận được sự hậu thuẫn của phương Tây. Cục diện chiến trường Syria khi đó chỉ còn là cuộc đối đầu giữa quân đội chính phủ với các tổ chức phiến quân theo đường lối cứng rắn.

"Trước các cuộc không kích, nhiều nhóm nổi dậy ôn hòa sẽ tìm cách sáp nhập với những tổ chức cứng rắn hơn để tìm kiếm sự bảo vệ và hậu thuẫn tốt hơn", chuyên gia phân tích Christopher Kozak tại Viện Nghiên cứu Chiến tranh ở Washington, nhận định.

Chẳng hạn như ở tỉnh Hama, vài nhóm quân nổi dậy do Mỹ hậu thuẫn đã chấp nhận sáp nhập vào Fatih Army, một liên minh mới được hình thành cách đây vài tháng giữa lữ đoàn Ahrar al-Sham và phiến quân Nusra. Ông Kozak cho biết các nhóm nổi dậy này được trang bị tên lửa chống tăng TOW do CIA cung cấp, nhưng lại phối hợp tác chiến chặt chẽ với Fatih Army.

CIA bắt đầu cung cấp tên lửa TOW cho phe nổi dậy ôn hòa từ đầu năm ngoái và có những quy định chặt chẽ để số tên lửa này không rơi vào tay phiến quân. Nhưng với việc các nhóm nổi dậy sáp nhập vào các liên minh rộng lớn hơn, nỗi lo sợ của Mỹ về nguy cơ trao vũ khí cho nhầm người đang ngày càng trở nên hiện hữu.

"Không phải nhóm nào cũng tin rằng cần phải hợp nhất lại. Hy vọng những cuộc không kích của Nga sẽ khiến họ thay đổi suy nghĩ", ông Baraa Halaq, người phát ngôn Ahrar al-Sham nói.

Theo Theo VnExpress