Ðụng đâu cũng… yếu
Đại biểu (ĐB) Nguyễn Thị Tố Trâm nêu vấn đề: Chỉ trong tháng 10/2019, TPHCM có 4 ca tai biến liên quan phẫu thuật thẩm mỹ. Sở Y tế đã kiểm tra các cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ nhưng ngay trong thời điểm kiểm tra, các cơ sở không phép vẫn tiếp tục hoạt động. Sở có giải pháp nào để phòng ngừa tai biến trong phẫu thuật thẩm mỹ?
Đề cập yếu kém của ngành giao thông vận tải (GTVT), ĐB Nguyễn Thị Tố Trâm đặt câu hỏi: Vì sao người dân TPHCM quay lưng với xe buýt, rồi dẫn chứng: Trong 8 tháng đầu năm, lượng khách đi xe buýt tiếp tục giảm. Giai đoạn 2014 -2018, lượng khách đi xe buýt bình quân giảm 7,6%. Trong khi đó, mỗi năm, TPHCM trợ giá cho xe buýt khoảng 1.000 tỷ đồng.
Bà Trâm chất vấn: “Trợ giá cho xe buýt không nhỏ nhưng hiệu quả ngày càng giảm. Trong bối cảnh ngân sách eo hẹp, không mở rộng được đường sá thì Sở GTVT có giải pháp gì để khuyến khích người dân đi xe buýt?”.
Trả lời ĐB Trâm, Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Tấn Bỉnh cho biết, sau khi xảy ra các ca tai biến, UBND TPHCM đã có công văn yêu cầu chấn chỉnh từ khâu cấp phép đến quản lý của các quận huyện. “Sai sót của phòng khám thẩm mỹ hiện nay chủ yếu ở quảng cáo sai sự thật để thu hút bệnh nhân. Vừa qua Sở Y tế đã phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông kiểm tra xử lý các trường hợp quảng cáo sai. Với trường hợp phức tạp hơn, Sở phối hợp với cơ quan công an làm rõ”, ông Bỉnh cho biết.
Về việc người dân không mặn mà với xe buýt, Giám đốc Sở GTVT Trần Quang Lâm cho rằng có nhiều nguyên nhân, trong đó do xe buýt chưa đáp ứng được các tiêu chí về thời gian. Cụ thể: Thời gian để xe buýt thực hiện lộ trình mất từ 40 - 90 phút, vận tốc di chuyển khoảng 20 km/h. Trong khi đó, vận tốc trung bình của xe hai bánh tại TPHCM là 30 km/h. Tình trạng ùn tắc ngày càng khó kiểm soát vì hạ tầng, đường sá không tăng, mỗi ngày TPHCM tăng thêm 170 ô tô đăng ký mới (tăng 11%), hơn 1.000 xe máy (khoảng 7%). “Khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, hạ tầng giao thông đã đạt quy mô thiết kế, nếu không có giải pháp, sẽ rất căng thẳng”, ông Lâm cho hay.
50% lãnh đạo hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ là quá cao
Chiều cùng ngày, trong phiên giám sát việc bảo tồn di sản và kiến trúc đô thị, ĐB Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM nhắc: Cụ Vương Hồng Sển trước khi mất có tâm nguyện giao lại căn nhà và các hiện vật cổ cho TPHCM nhưng đến nay không còn gì. Nhà nghiên cứu sử học Nguyễn Đình Đầu có rất nhiều tư liệu cổ xưa về chủ quyền biển đảo và nhiều lần có ý định gửi tặng lại Thư viện Quốc gia TPHCM nhưng chúng ta chần chừ. Đình Nam Tiến (quận 4) có sắc phong của vua Minh Mạng rất quý. Suốt 5 đời Chủ tịch UBND quận đã kiến nghị nhưng UBND TPHCM, Sở Văn hóa và Thể thao (VH&TT) không hồi âm nên đến nay ngôi đình chỉ còn sót lại… mảnh đất trống.
“Đẩy qua đẩy lại gần 30 năm chưa có câu trả lời về một ngôi đình! Nhiều chuyên gia, nhà khoa học cũng có ý kiến là phải phục dựng lại, vậy có phục dựng hay không? Nếu không, thì chuyển đổi thành công trình công cộng để người dân được thụ hưởng, không nên để lãng phí”, bà Châu nói.
Quản lý nhà nước còn nhiều yếu kém nên theo ĐB Trần Quang Thắng, nếu đánh giá đúng, tỷ lệ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ (để làm cơ sở chi trả thu nhập tăng thêm) đối với cấp lãnh đạo các đơn vị không thể đạt 50%. Ông Thắng cảnh báo: Nguồn ngân sách của TPHCM không cho phép muốn cái gì được cái đó. Nếu làm không khéo sẽ gây dư luận không tốt.
Trả lời làm rõ ý kiến ĐB Thắng, Giám đốc Sở Nội vụ Trương Văn Lắm cho hay: Năm 2018, khi bắt đầu triển khai chi thu nhập tăng thêm theo Nghị quyết 54 của Quốc hội, UBND TPHCM đã ban hành quy định về phân loại đánh giá hàng quý. Thực tế đánh giá năm 2018 cho thấy tỷ lệ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đạt… khá cao. Vì vậy, UBND TPHCM ban hành quy định mới điều chỉnh, sửa đổi và áp dụng từ quý 3/2019, trong đó tiêu chí đánh giá, phân loại chặt chẽ và khắt khe hơn so với quy định cũ và đảm bảo rằng người được đánh giá kết quả đạt được phù hợp với mức độ công tác của mình. Cụ thể, số lượng lãnh đạo, quản lý của cơ quan, đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giới hạn tối đa chiếm 50% trong tổng số lãnh đạo tại cơ quan, đơn vị.
Theo ông Lắm, Nghị quyết Trung ương 7 quy định đối với cán bộ được xếp loại xuất sắc chỉ chiếm tỷ lệ 20% trong tập thể lãnh đạo. Còn TPHCM thì “nới” hơn, cụ thể là tập thể lãnh đạo, quản lý được đánh giá là xuất sắc chiếm tối đa 50% tổng số lãnh đạo tại cơ quan, đơn vị. “Những người đạt xuất sắc thì yêu cầu có 20% khối lượng công việc phải hoàn hành vượt mức thời gian theo quy định nhằm hạn chế tình trạng đa số lãnh đạo hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong khi hoàn thành tốt nhiệm vụ lại ít hơn diện xuất sắc”, ông Lắm cho hay.
Hôm nay, kỳ họp sẽ diễn ra phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Đăng đàn là Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường, Công an TPHCM và Chủ tịch UBND thành phố.
Trao đổi với báo chí, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan thừa nhận tỷ lệ 50% là quá cao, chưa phản ánh đúng thực tế. “Anh em cấp dưới luôn bầu cho lãnh đạo đạt loại xuất sắc, trong khi nhiệm vụ của ngành đó chưa chắc đạt được như vậy”, ông Hoan nói.