Liên bộ vào cuộc ngăn sốt đất
Từ đầu năm 2021, thị trường bất động sản (BĐS) tăng giá khắp nơi ở nhiều phân khúc. Mới đây, Bộ TN&MT và Bộ Xây dựng đưa ra hàng loạt cảnh báo ngăn chặn tình trạng đầu cơ, thổi giá đất hiện nay. Bộ TN&MT giao Tổng cục Quản lý đất đai kiểm tra 26 địa phương về việc thực hiện quy hoạch, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất. Riêng tại Hà Nội, TPHCM, Tổng cục Quản lý đất đai sẽ kiểm tra việc đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất, quản lý sử dụng đất tại một số dự án, công trình không hoặc chậm đưa đất vào sử dụng... Bộ Xây dựng yêu cầu các tỉnh, thành phố kiểm soát việc tăng giá đất nhằm đảm bảo phù hợp điều kiện thực tế phát triển của địa phương. Ngoài ra, các địa phương sẽ phải công khai thông tin quy hoạch, tiến độ dự án phát triển cơ sở hạ tầng, bất động sản, đặc biệt là các dự án lớn và việc sáp nhập, thành lập, nâng cấp đơn vị hành chính...
GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT, cho rằng, nhiệm vụ lớn nhất của cơ quan quản lý thị trường BĐS lúc này là cắt sốt đất bằng mọi cách. Bên cạnh đó, chính quyền các đô thị lớn phải đặt nhiệm vụ cắt sốt đất, trong đó có việc sử dụng công cụ thuế, là nhiệm vụ trọng tâm, ông Võ nói. Theo ông, giải pháp cơ bản nhất trước hết là các địa phương có thể ngừng cho phép chuyển mục đích sử dụng đất vì quy hoạch kỳ tới chưa được phê duyệt. Hơn nữa, cơ quan chức năng, chính quyền địa phương làm rõ thông tin lợi - hại để cảnh báo mọi người tham gia…
Giao dịch thực sự không nhiều
Ông Quốc Anh, Phó tổng giám đốc batdongsan.com.vn, nhận định, năm 2021, thị trường chứng khoán vượt đỉnh, các nền kinh tế dần hồi phục, thông tin quy hoạch nhiều khu vực được tung ra, thanh khoản thị trường tăng, nhiều nơi xuất hiện sốt đất. “Thông tin quy hoạch được tung ra đồng nghĩa với lượng tìm kiếm tăng và thanh khoản tăng. Tuy nhiên, thị trường BĐS có bong bóng như năm 2008 hay không thì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhất là vấn đề kiểm soát tín dụng vào lĩnh vực này”, ông nói.
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Tổng thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam, cho rằng, tại một số phân khúc BĐS hiện nay, việc tăng giá trên thị trường không đi kèm việc tăng chất lượng dự án cho phù hợp; khi giá tăng không phản ánh đúng giá trị của dự án, rất dễ xảy ra “bong bóng” BĐS. Theo ông Đính, lực cầu ngoài ngành chuyển hướng vào thị trường BĐS đang chiếm tỷ trọng khá lớn, ước đạt 30-40% tổng cầu đầu tư. Đây là tính ảo của thị trường BĐS do lực cầu ngắn hạn này chỉ tham gia với mục đích sinh lời nhanh rồi rút vốn.
“Nhiều giao dịch diễn ra tại các dự án BĐS được xác định là đầu tư ngắn hạn, chờ lên giá. Những giao dịch kiểu này hiện đang chào bán lại trên thị trường khá phổ biến, nhưng khó thành công vì giao dịch lần đầu cao, khó được thị trường hấp thụ lại. Do đó, dù tăng giá nhưng hiện tượng giao dịch thực sự diễn ra không nhiều; mua bán chủ yếu qua lại giữa các nhà đầu cơ với nhau”, ông nói.
Nguồn cung căn hộ giảm, giá tăng
Theo khảo sát của CBRE Việt Nam, trong quý I, thị trường Hà Nội ghi nhận xấp xỉ 4.400 căn hộ mở bán mới (giảm 39%). Nguồn cung chào bán mới và doanh số bán trong năm 2021 dự kiến dao động trong khoảng 24.000-26.000 căn. Năm nay, giá bán trung bình trên thị trường sơ cấp dự kiến tăng từ 4-6%.