Quản lý nhà công, đất công: Xác định lỗ hổng

Khu đất gần 5.000m2 ở đường Lê Duẩn, quận 1 (TPHCM) được cho là đất “kim cương” được chuyển nhượng không qua đấu giá làm thất thoát ngân sách gần 2.000 tỷ đồng. Ảnh: Lê Nguyễn.
Khu đất gần 5.000m2 ở đường Lê Duẩn, quận 1 (TPHCM) được cho là đất “kim cương” được chuyển nhượng không qua đấu giá làm thất thoát ngân sách gần 2.000 tỷ đồng. Ảnh: Lê Nguyễn.
TP - Theo Cục trưởng Cục Quản lý Công sản, Bộ Tài chính, nguyên nhân để xảy ra tình trạng thất thoát, lãng phí đất công chủ yếu nằm ở khâu tổ chức thực hiện của các cơ quan, đơn vị có tài sản và các cơ quan có thẩm quyền trong việc xác định giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất.

Pháp luật còn chồng chéo 

Thanh tra Thành phố Hồ Chí Minh vừa có báo cáo, qua thanh tra 10 đơn vị đang quản lý, sử dụng đất công với 103 mặt bằng có sai phạm, thì có tới 26 mặt bằng bỏ trống gây lãng phí, thất thoát ngân sách. Cụ thể, quận 6 có 8 địa chỉ, quận 3 có 5 địa chỉ, quận Bình Tân có 17 địa chỉ… Riêng huyện Hóc Môn đang quản lý một khối lượng địa chỉ nhà, đất công lên tới hơn 1.100 ha.

Trước hiện tượng này, GS.TS Đặng Hùng Võ cũng nhận xét rằng, cho đến nay vẫn chưa có một chính sách cụ thể nào để thiết lập lại trật tự quản lý, sử dụng đất công. Do đó, đòi hỏi toàn bộ hệ thống chính trị phải vào cuộc mới giải quyết được vấn đề không làm thất thoát quỹ đất thuộc sở hữu toàn dân, cũng như giá trị đất đai thuộc về toàn dân nhưng đang bị “biến báo” sang sử dụng cho khu vực tư nhân.

“Hầu hết các dự án đổi đất lấy hạ tầng ở các dự án BT thời gian qua sau khi kiểm tra, kiểm toán đều lộ ra sai phạm. Tuy nhiên, lỗ hổng ở chỗ Luật Đất đai 2003 có điều khoản nói về các dự án BT cũng chỉ nói về thẩm quyền giao đất để đổi lấy hạ tầng mà không hề nói cách thức nào để xác định trị giá đất, đổi lấy hạ tầng đấy trị giá bao nhiêu? Nghị định của Chính phủ hướng dẫn thi hành luật đầu tư về hình thức đối tác công tư (PPP) và Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017 cũng không đồng bộ, ông Võ nói.

Trong khi đó, theo TS Huỳnh Thế Du (Đại học Fulbright Việt Nam), do chính sách phát triển đô thị tại Việt Nam chưa hợp lý, tạo ra nhiều diện tích có sẵn hạ tầng nhưng lại bị bỏ hoang hóa, không được khai thác hợp lý. “Nghịch lý hiện nay là đất công nếu cứ để thế thì không sao, thế nhưng khi khai thác đấu giá lại gặp rất nhiều vướng mắc, rào cản, dễ xảy ra lợi ích nhóm, gây thất thoát tài sản công. Do đó, vị chuyên gia cho rằng, cần tăng cường kiểm tra, rà soát và làm rõ những vụ chuyển nhượng đất công trái phép.

Đẩy mạnh giao dịch điện tử

Theo Chuyên gia kinh tế-TS. Ngô Trí Long, câu chuyện quản lý nhà công, đất công cũng đã đến lúc cần phải phân tích kỹ nguyên nhân, thực tế để từ đó còn xác định được “lỗ hổng” trong quản lý, sử dụng đất công.

Đúc rút từ các vụ việc vừa qua, ông Long nói có thể thấy đều nổi cộm nguyên nhân như sau: Quản lý còn lỏng lẻo, chồng chéo, cùng một vấn đề nhiều cơ quan cùng quản lý. Thứ hai là lợi dụng hình thức kêu gọi đầu tư, liên kết liên doanh đầu tư, cổ phần hóa để thuê đất giá rẻ sau đó chuyển đổi mục đích sử dụng để trục lợi.

Chuyên gia Ngô Trí Long cũng đồng tình rằng, thất thoát lớn nhất hiện nay là xuất phát từ việc tính giá đất khi cho thuê, giao đất hoặc bán đất với giá thấp hơn giá thị trường rất nhiều. Do vậy, cần lựa chọn một phương pháp chuẩn mực để xác định giá khởi điểm. “Trong quá trình xác định giá, Nhà nước cũng nên xem xét lại quy định khung giá đất khi giao dịch. Tuy việc đặt ra khung giá nhằm đảm bảo thu hút đầu tư cũng như đảm bảo người dân không chịu quá nhiều thiệt thòi khi giải phóng mặt bằng song khung giá lại làm mất tính chủ động sáng tạo và tính cụ thể của địa phương, chưa phù hợp với nguyên tắc thị trường”, ông Long nói và kiến nghị Chính phủ nên giao toàn quyền cho địa phương ban hành khung giá đất, hệ số điều chỉnh giá đất và địa phương chịu hoàn toàn trách nhiệm trước nhân dân địa phương về giá đất phù hợp với thị trường.

Ông Trần Đức Thắng, Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài Chính) thừa nhận, qua công tác kiểm tra, xử lý vi phạm của các cơ quan chức năng đã phát hiện một số trường hợp quyết định bán, chuyển nhượng tài sản chưa đúng thẩm quyền, hình thức xử lý, việc xác định giá bán chưa phù hợp với quy định, gây thất thoát, lãng phí. Nguyên nhân của tình trạng này chủ yếu nằm ở khâu tổ chức thực hiện của các cơ quan, đơn vị có tài sản và các cơ quan có thẩm quyền trong xác định giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất.

Ông Thắng đề xuất, Chính phủ cần triển khai đồng bộ Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017; xây dựng hệ thống giao dịch điện tử về tài sản công để thực hiện các giao dịch xử lý tài sản, bảo đảm công khai, minh bạch, tránh thất thoát; Nâng cấp cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công...

“Quản lý nhà công, đất công cũng đã đến lúc cần phải phân tích kỹ nguyên nhân, thực tế để từ đó còn xác định được lỗ hổng trong quản lý, sử dụng đất công”.

Chuyên gia Ngô Trí Long

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.