Quản lý dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông có vấn đề

TP - Ngày 24/4, trao đổi với Tiền Phong, Phó Chủ nhiêm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Lê Như Tiến cho rằng: “Để công trình đội giá thì ngành đường sắt và lãnh đạo Bộ Giao thông - Vận tải phải giải trình”.

Thưa ông, Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đang thi công dang dở nhưng đã đội vốn lên hơn 300 triệu USD, ông nhìn nhận vấn đề này thế nào?

Chủ trương đầu tư, nâng cấp, hiện đại hệ thống đường sắt nói chung, xây dựng dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông để giảm tải giao thông Hà Nội là đúng. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là cách làm sao cho tiết kiệm, hiệu quả nhất. Thật khó mà hình dung vì sao dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đội giá lên tới hơn 300 triệu USD.

Chúng tôi có tham khảo ở các nước, giá thành làm đường sắt đô thị tương đương như của chúng ta khoảng từ 30-40 triệu USD/1km. Còn ở ta, dự án này chỉ có 13 km mà đội giá lên như vậy, nghĩa là mỗi km đường sẽ tiêu tốn gần 70 triệu USD. Theo quy định, các dự án đều có tính toán cho phép chi phí phát sinh (khoảng 10% giá thành) và chi phí này được tính toán, dự liệu ngay từ ban đầu.

Cho nên nếu đội giá lên tới trên 60% như dự án này, dư luận sẽ thấy khó có thể chấp nhận được.

Nếu các dự án đều đội giá, nền kinh tế phải oằn mình gánh nợ, ngân sách kiệt quệ. Những dự án tiêu tốn lượng tiền lớn như vậy mà không được quản lý tốt sẽ làm cho đất nước ngày càng nghèo thêm.

Để đội giá lên cao như vậy, ngành đường sắt đã đưa ra nhiều lý do, theo ông, cái gốc vấn đề ở đây là gì?

Nói gì thì nói, từ lúc bỏ thầu cho đến nay, công trình vẫn đang thi công mà giá đội lên hơn 300 triệu USD là quá lớn. Có thể nói, năng lực quản trị dự án, công tác lựa chọn nhà đầu tư của ngành đường sắt và đơn vị liên quan chưa thể hiện hết trách nhiệm.

Chúng tôi thấy có một tình trạng không ít các dự án sử dụng vốn vay, ban đầu giá bỏ thầu thường thấp, sau khi trúng rồi, nhà thầu tìm cách đội giá. Đó là kẽ hở gây thất thoát, lãng phí.

Ban đầu anh bỏ thầu thấp để trúng. Anh vẽ ra dự án rất đẹp nhưng khi dự án triển khai rồi, anh mới tìm đủ mọi cách để tăng giá lên. Lúc đó, chúng ta đã ở vào thế cưỡi lên lưng hổ rồi, sẽ trở tay không kịp. Từ việc đội giá dự án đường sắt này cho chúng ta bài học thấm thía về công tác đấu thầu.

Thưa ông, để dự án đội giá lên như vậy, trách nhiệm của ngành đường sắt và Bộ GTVT là gì?

Đó là trách nhiệm trong mời thầu, chấm thầu của những đơn vị liên quan thuộc ngành đường sắt, Bộ GTVT. Tiếp đó là trách nhiệm của những cơ quan này trong việc quản lý, giám sát, thi công dự án có để lãng phí, thất thoát và có tiêu cực hay không.

Nhìn rộng ra, chúng ta thấy các dự án của ngành giao thông từ đường sắt, đường bộ đều có đội giá thì nguyên nhân vì sao. Chúng ta vẫn phải nhìn lại công tác quản trị dự án, công tác đấu thầu. Ở các khâu này dường như có một khoảng hẫng hụt về quản trị, có kẽ hở từ dự toán, thiết kế tiền khả thi, cho đến triển khai dự án...

Phát biểu với báo chí, lãnh đạo Cục đường sắt cho rằng “đã làm hết sức rồi”, dự án “điều chỉnh một tý mà làm rùm beng cả lên”, ông có bình luận gì?

Hơn 300 triệu USD đội lên mà lãnh đạo Cục đường sắt nói không là gì, chắc đội lên hàng tỷ USD thì mới là nhiều? Với số tiền đó, chúng ta có thể làm được bao nhiêu công trình văn hóa, lớp học, bệnh xá, cầu treo dân sinh. Để đội giá, rõ ràng công tác tổ chức, quản lý dự án có vấn đề, dù ít hay nhiều đều phải kiểm điểm.

Người có trách nhiệm mà phát ngôn như vậy là chưa nghiêm túc. Nhưng quan trọng hơn, bây giờ cần phải kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của Cục đường sắt, rộng hơn là Bộ GTVT và những cá nhân có liên quan.

Cảm ơn ông!