Quản lý buông lỏng, trường vô tư gắn mác quốc tế

TPO - Từ sự việc đau lòng xảy ra với cháu học sinh trường Quốc tế Gateway, đại biểu Quốc hội Phan Viết Lượng, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Văn hóa, giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội đề nghị cơ quan quản lý giáo dục và chính quyền các cấp phải tập trung rà soát, kiểm tra, quản lý chặt chẽ các cơ sở giáo dục ngoài công lập.
Quản lý buông lỏng, trường vô tư gắn mác quốc tế ảnh 1

Đại biểu Quốc hội Phan Viết Lượng

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Phan Viết Lượng nói: Qua theo dõi sự việc, chúng ta đều thấy rất đau lòng, thương tâm khi cháu học sinh trường Quốc tế Gateway tử vong sau khi bị bỏ quên trên ôtô. Ngoài gia đình cháu bé, chúng ta cũng rất lo lắng cho những gia đình đang có con phải đưa đón bằng xe buýt như vậy.

Còn việc đưa đón học sinh, thì đây có thể là một dạng hợp đồng thỏa thuận giữa các bên. Lẽ ra trách nhiệm đưa đón thuộc về phụ huynh. Nhưng vì không đưa đón được nên gia đình hợp đồng với nhà trường, và nhà trường lại hợp đồng với đơn vị khác, tổ chức xe đưa đón các cháu học sinh.

Về quy trình cụ thể, cơ quan công an sẽ điều tra và đưa ra kết luận cuối cùng. Nhưng trong sự việc này, có một số vấn đề cần đặt ra. Thứ nhất, cháu bé còn nhỏ như vậy, mà từ sáng tới chiều lại không có kênh thông tin giữa gia đình và nhà trường nào cả. Cần phải nghiên cứu, thiết lập thông tin thế nào đó, để khi con đến trường phải có thông báo gì cho gia đình. Điều này cần phải làm rất chặt chẽ.

Về nhà trường, lẽ ra đầu tiên phải điểm danh. Khi các cháu vắng mặt, ít nhất cũng phải hỏi phụ huynh lý do. Nếu các cháu ốm, bao giờ gia đình cũng phải viết giấy xin phép, hay thông báo xin cho con mình vắng. Vậy mà giờ thấy cháu học sinh vắng mà lại không biết, thì phải xem quy trình quản lý của nhà trường ra sao, đặc biệt là giáo viên chủ nhiệm lớp đó như thế nào? Tại sao lại không có quy trình đó? Nhà trường có quy định về việc này không?

Còn với trách nhiệm của lái xe và giáo viên đi cùng hôm đó, thưa ông?

Rõ ràng phải xem trách nhiệm của chính giáo viên đi cùng và người lái xe đó. Đầu tiên phải kiểm tra lại quy trình trong vận hành, sự phối hợp giữa hai người này thế nào, có quy trình phân công trách nhiệm không? Trách nhiệm của giáo viên đến đâu, lái xe đến đâu? Vì hai người này đang có biểu hiện vô trách nhiệm, cũng có biểu hiện không có một quy trình nào mang tính chuyên nghiệp cả, để khi thiếu một cháu mà không biết.

Trong khi bình thường, giáo viên phải tập hợp học sinh, xem các cháu đủ chưa, có thiếu cháu nào không, có để quên ba lô trên xe không? Nếu thiếu phải tìm lại, đủ quân số rồi mới đi chứ? Phải xem lại xem có quy trình đón nhận các cháu, kiểm tra các cháu có không? Nhưng rõ ràng dù có hay không thì ở đây vẫn có biểu hiện của sự vô trách nhiệm.

Quản lý buông lỏng, trường vô tư gắn mác quốc tế ảnh 2 Ảnh Tiền Phong

Sự việc đáng tiếc này cũng là hồi chuông cảnh tỉnh, nhắc nhở các bậc phụ huynh, không thể phó mặc con mình cho những nơi thiếu trách nhiệm, thiếu chuyên nghiệp như vậy. Khi gửi gắm, phó thác con mình phải tìm hiểu thông tin những nơi mình gửi gắm, xem có đáng tin cậy không, có chuyên nghiệp không, có tử tế hay không? Vì các cháu nhỏ như vậy, sẽ có rất nhiều những rủi ro rình rập. Rồi nhà trường cũng phải hợp tác với đơn vị vận tải, những thầy cô đưa đón phải có tình cảm, trách nhiệm chứ không phải làm qua loa, vì đây là nghề đặc thù có điều kiện.

Các bậc phụ huynh có điều kiện thường, bỏ ra khoản tiền rất lớn tìm đến hệ thống trường quốc tế cũng chỉ vì hai chữ “tin cậy” và “tử tế”. Nhưng đôi khi họ cũng không có công cụ để đo đếm được mức độ tử tế của ngôi trường đó đến đâu?

Tôi cũng băn khoăn trong việc thu phí các trường đào tạo ngoài công lập, đặc biệt các trường hiện nay thu rất cao, nhưng chất lượng đào tạo có tương xứng với đồng tiền bỏ ra không? Bên cạnh đó, ở đây cũng có sự phân biệt đối xử rất lớn giữa trường nhà nước với trường quốc tế, tạo ra những suy nghĩ tiêu cực. Nhiều người cũng thích khẳng định, cứ phải cho con mình học trường quốc tế. Điều này cũng phản ánh sự chênh lệch giàu nghèo rất lớn. Dù rất khó để tìm hiểu sâu được, nhưng cha mẹ phụ huynh cũng phải tìm hiểu thật kỹ trước khi đưa con mình vào những cơ sở giáo dục như vậy.

Dựa vào tâm lý của phụ huynh, hiện rất nhiều trường gắn mác quốc tế mọc lên, nhưng dường như quy chuẩn và việc quản lý nhà nước đối với hệ thống trường này vẫn còn đang là một dấu hỏi?

Trong những năm vừa qua, xã hội hóa giáo dục, đặc biệt với bậc mầm non phát triển rất mạnh. Cũng nhờ xã hội hóa mà phần nào có sự cạnh tranh, đầu tư về nhiều mặt, cả vật chất, con người và các điều kiện khác. Qua đó cải thiện chất lượng và giảm áp lực cho nhà nước.

Tuy nhiên hiện nay việc mở trường ngoài, đặc biệt trường gắn mác quốc tế chúng ta còn quản lý chưa chặt, còn nhiều cái rất đáng lo, chưa đáp ứng được yêu cầu. Vì vậy mới có việc ở đâu đó vẫn có tình trạng lợi dụng việc gắn nhãn mác trường Quốc tế để mở rộng, rồi thu chi phí đào tạo rất cao. Nhiều khi phụ huynh dù tìm hiểu kỹ nhưng rất khó mà sâu được bằng cơ quan nhà nước. Nên quản lý nhà nước cũng có vấn đề trong việc này.

Qua sự việc này, tôi đề nghị cơ quan quản lý về giáo dục cũng như chính quyền các cấp phải tập trung rà soát, kiểm tra, quản lý chặt chẽ các cơ sở giáo dục ngoài công lập, không thể để các trường tự do mở rộng quy mô, tự do tiến hành các hoạt động mà buông quản lý nhà nước.

Cảm ơn ông.

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.