Phải chăng vì thế khao khát được làm quan, được có lộc mới xảy ra tình trạng người hành hương, đi lễ sẵn sàng “cướp ấn”, “cướp lộc”.
Và nếu chúng ta dùng google để gõ từ khóa “cướp lộc”, sẽ có hơn 6 triệu kết quả trong vòng 0,24 giây. Cũng mất thời gian tương tự với từ khóa "cướp ấn”, có gần 14 triệu kết quả.
Nhiều người hoan hỉ vì cướp được lộc, dù là “lộc rơi, lộc vãi”. Để rồi từ việc cướp lộc, cướp ấn ở nơi cửa thánh, người ta không ngần ngại hôi của ở ngoài đời.
Dân thường thì hôi của từ những người yếu thế hơn mình, những kẻ gặp nạn. Còn "quan" có quyền lại sách nhiễu, tìm cách lợi dụng vị trí của mình để đỏi ăn của đút, tham nhũng, kiếm lợi lộc, hoặc bất chấp luật lệ, đạo lý. Tham nhũng, tham ô hay hôi của cũng đều là hành vi phạm tội.
Nói cách khác, đó là "lộc" có được trên sự chiếm đoạt mồ hôi nước mắt của những người khác
Một truyền thuyết kể rằng, ông Lộc trong ba vị tam đa Phúc – Lộc – Thọ vốn là quan lớn đời Tấn tên Đậu Tử Quân, quyền cao chức trọng. Ông càng nổi tiếng giàu có bao nhiêu, thì càng đau khổ khôn cùng vì giàu mà vẫn cô đơn… Tiền của cuối đời đều rơi vào tay dòng họ khác.
Vì thế dân gian mới quan niệm khi hưởng Lộc là phải nghĩ tới tạo Phúc và cầu Thọ. Nhưng một khi Lộc đến bất minh, lộc mà lại đi cướp, đi giành thì chũ Phúc, chữ Thọ có ổn được chăng?