Quan liêu làm chậm hàng cứu trợ

Nhân viên Hội Chữ thập Đỏ phát lều cá nhân cho những người dân Nepal
Nhân viên Hội Chữ thập Đỏ phát lều cá nhân cho những người dân Nepal
TP - Đại diện Liên Hợp Quốc (LHQ) vừa bày tỏ quan ngại tình trạng quan liêu ở Nepal đang khiến hàng hóa cứu trợ bị ùn tắc, trong khi 2 triệu nạn nhân động đất đang sống trong cảnh vô gia cư hơn 1 tuần qua.

Hôm qua, thêm hai người đàn ông và một phụ nữ sống sót được tìm thấy trong đống đổ nát ở làng Surya Prasad Upadhaya xa xôi của Nepal, AP đưa tin. Cảnh sát nước này cũng vừa tìm thấy thi thể của khoảng 50 người, trong đó có nhiều nhà leo núi người nước ngoài, ở khu vực bị lở tuyết, trong khi tổng số người thiệt mạng trong trận động đất kinh hoàng cuối tháng 4 đã vượt qua con số 7.000. 

Tất cả số thi thể vừa được tìm thấy đều chưa được nhận dạng. Chính quyền Nepal cho biết, ít nhất 200 người vẫn đang mất tích, trong đó có cả dân địa phương và người leo núi. Con số thiệt mạng chính thức được xác nhận là 7.040, và số người bị thương là 14.123. Hơn 100 người ở Ấn Độ và Trung Quốc cũng thiệt mạng. Nhiều nhóm cứu trợ từ hơn 20 quốc gia đã dùng chó nghiệp vụ và thiết bị dò nhiệt để tìm nạn nhân dưới đống đổ nát.

Trong khi đó, đại diện LHQ vừa bày tỏ quan ngại đặc biệt trước tình trạng hải quan Nepal đang làm chậm tiến độ vận chuyển hàng viện trợ. Sau khi chính phủ Nepal loại trừ khả năng tìm thêm người sống sót trong các đống đổ nát ở thủ đô Kathmandu, nhiệm vụ trọng tâm chuyển sang phân phát hàng cứu trợ cho các gia đình và những người ở vùng sâu vùng xa. 

Quan chức phụ trách các vấn đề nhân đạo của LHQ, bà Valerie Amos, hôm qua nói rằng, bà lo ngại hàng cứu trợ đổ vào Nepal (để giúp quốc gia nghèo khó vượt qua thảm họa động đất lớn nhất trong hơn 80 năm qua) bị ngưng trệ do tình trạng quan liêu. Bà Amos cho biết, bà đã đề nghị Thủ tướng Sushil Koirala đẩy nhanh các thủ tục hải quan cho hàng cứu trợ, Xinhua đưa tin.

Các máy bay chở hàng cứu trợ từ khắp thế giới đang đổ về Nepal, nhưng nhiều báo cáo nói rằng, số hàng này đang bị tắc tại sân bay quốc tế nhỏ hẹp ở Kathmandu, thậm chí cán bộ hải quan nước này còn chặn các xe tải chở hàng cứu trợ từ nước láng giềng Ấn Độ. 

Quản lý sân bay Tribhuvan ở Kathmandu nói rằng, các máy bay cỡ lớn không được phép hạ cánh vì lo ngại tình trạng đường băng không tốt sau trận động đất và hàng loạt cơn dư chấn, dù không có vết nứt nào được nhìn thấy trên đường băng.

Nepal đã dỡ bỏ thuế đối với bạt và lều từ cuối tuần trước, nhưng phát ngôn viên Bộ Nội vụ, bà  Laxmi Prasad Dhakal, nói rằng, mọi hàng hóa từ nước ngoài đều phải được kiểm tra. Ngoài ra, lượng xe tải và tải xế chở hàng cứu trợ cũng thiếu nghiêm trọng vì nhiều lái xe trở về quê để giúp gia đình họ. 

Theo kế hoạch, các máy bay quân sự và quân nhân Mỹ đến Nepal hôm qua, muộn hơn 1 ngày so với dự tính, nhằm giúp vận chuyển hàng tiếp tế bằng phà đến những khu vực bị ảnh hưởng ở ngoài Kathmandu, Reuters dẫn lời phát ngôn viên của lực lượng Thủy quân Lục chiến Mỹ. Tướng Paul Kennedy nói rằng, ít nhất 100 lính Mỹ, các thiết bị nâng nhấc và 6 máy bay quân sự, trong đó có 2 trực thăng, đến Nepal để giúp sức.

Hiện nay, tình trạng thiếu lều bạt rất nghiêm trọng, trong khi hàng trăm ngàn người dân vẫn trong cảnh vô gia cư. Tại Kathmandu, hàng chục nghìn người sống sót phải ở ngoài trời suốt 8 ngày liên tiếp từ khi động đất xảy ra, vì họ mất nhà hoặc sợ dư chấn có thể khiến các ngôi nhà vốn đã bị yếu đi nhiều đổ sập.

 LHQ cho biết, khoảng 600.000 ngôi nhà đã bị sập hoặc hư hại. Khoảng 8 triệu trong tổng số 28 triệu dân Nepal bị ảnh hưởng bởi trận động đất, với ít nhất 2 triệu người cần lều, nước, thực phẩm và thuốc men trong 3 tháng tới.

Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) cảnh báo, công tác cứu trợ phải chạy đua với thời gian để tránh một đại dịch bệnh tấn công 1,7 trẻ em nước này khi mùa mưa bão đến trong vài tuần tới.

Ngày 3/5, Vụ Báo chí - Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết vẫn chưa thể xác nhận thời gian đoàn leo núi người Việt ở Nepal được đưa về nước. 

MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.