Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và an ninh Nguyễn Kim Khoa trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam. Ảnh: Vnexpress
Theo quy định tại dự thảo Luật được thông qua, cấp bậc thượng tướng dành cho: Đô đốc hải quân, các thứ trưởng Bộ Quốc phòng (có cấp bậc cao nhất là thượng tướng nhưng không quá 6), Phó Tổng Tham mưu trưởng, Phó Chủ nhiệm Tổng Cục Chính trị, Giám đốc, Chính ủy Học viện Quốc phòng.
Tư lệnh, Chính ủy các Quân khu, Quân chủng, Bộ đội Biên phòng, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, TPHCM... có quân hàm trung tướng.
Cùng ngày, Quốc hội thông qua Luật Công an nhân dân (sửa đổi). Theo báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Công an nhân dân (sửa đổi), một số ký kiến đồng ý với cấp hàm trung tướng đối với Giám đốc Công an thành phố Hà Nội và TPHCM. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉnh dự thảo luật theo hướng cấp hàm cao nhất của Trưởng công an quận thành phố Hà Nội, TPHCM là thượng tá như các quận, huyện khác.
Còn quy định Giám đốc Công an cấp tỉnh có trần cấp hàm đại tá là để bảo đảm tương quan với Chỉ huy trưởng, Chính ủy Bộ Chỉ huy quân sự cấp tỉnh. Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin giữ như quy định của dự thảo luật trình Quốc hội.
Luật Sĩ quan Công an nhân dân sửa đổi không có quy định thêm một đại tướng cho vị trí Thứ trưởng thường trực - Phó Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương (giữ nguyên thượng tướng như hiện nay). Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, chức vụ Thứ trưởng - Phó Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương là cấp phó của Bộ trưởng Bộ Công an, giúp Bộ trưởng (đồng thời là Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương) thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn, trong đó có nhiệm vụ về công tác Đảng.
Theo quy định, Phó Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương chỉ lãnh đạo trực tiếp đối với các tổ chức Đảng bộ của các tổng cục và các đơn vị trực thuộc Bộ Công an.