Quân đội Mỹ vừa chiến đấu với đại dịch, vừa đối phó với Trung Quốc

Một chiếc máy bay ném bom B-1B và đội máy bay F-16 thực hiện đợt diễn tập trên vùng trời Nhật Bản ngày 22/4. (Ảnh: Không quân Mỹ)
Một chiếc máy bay ném bom B-1B và đội máy bay F-16 thực hiện đợt diễn tập trên vùng trời Nhật Bản ngày 22/4. (Ảnh: Không quân Mỹ)
TPO - Sĩ quan hàng đầu của Hải quân Mỹ phải cách ly từ đầu tháng này sau khi một người trong gia đình ông dương tính với virus corona. Trong lúc đó, tàu sân bay Mỹ USS Ronald Reagan đóng tại Nhật chuẩn bị khôi phục nhiệm vụ tuần tra trên vùng biển Tây Thái Bình Dương.

Thông tin đó cho thấy những khó khăn gần đây mà quân đội Mỹ phải đối diện khi vừa phải ứng phó với virus, vừa phải duy trì sự hiện diện mạnh mẽ ở Tây Thái Bình Dương nhằm trấn an các đồng minh và ngăn chặn Trung Quốc tận dụng tình hình khó khăn. 

Dù Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper đầu tháng này nói rằng COVID-19 tác động rất ít đến khả năng sẵn sàng chiến đấu của quân đội Mỹ, ông cũng cảnh báo rằng dịch bệnh có thể ảnh hưởng nhiều hơn vì tình hình chưa lắng dịu. 

Tính đến ngày 19/5, hơn 5.700 quân nhân Mỹ đã dương tính với virus corona, theo số liệu của Lầu Năm góc.

Chưa rõ có bao nhiêu binh lính Mỹ ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương mắc bệnh vì Bộ Quốc phòng Mỹ yêu cầu các căn cứ và bộ chỉ huy không công bố số liệu riêng lẻ vì lý do an ninh. Tuy nhiên, tàu sâu bay Theodore Roosevelt, hiện đang đậu tại đảo Guam, đã có hơn 1.150 ca bệnh, trong khi tàu khu trục USS Kidd buộc phải quay về căn cứ hải quân ở San Diego sau khi phát hiện các ca bệnh khi đang hoạt động ở Thái Bình Dương. Đã có 63 binh lính trên tàu này mắc COVID-19. 

Tàu sân bay Ronald Reagan có ít nhất 16 thủy thủ mắc bệnh trong khi đang được bảo trì thường niên, báo New York Times đưa tin ngày 22/4. 

Lực lượng Mỹ tại Nhật Bản đã kéo dài tình trạng khẩn cấp về y tế đối với tất cả binh lính Mỹ đóng tại nước này cho đến ngày 14/6. 

Bất kể quân đội Mỹ hồi phục nhanh như thế nào, các chuyên gia cho rằng đại dịch càng làm gia tăng hoài nghi về sự cam kết của Washington đối với khu vực dưới thời Tổng thống Donald Trump, với những quan ngại rằng Trung Quốc có thể đang tìm cách lấp vào chỗ trống. 

Tại Nhật Bản, Bộ trưởng Quốc phòng Taro Kono tháng trước thừa nhận tình trạng lây nhiễm COVID-19 trong lực lượng Mỹ đóng tại nước này, nhưng khẳng định mức độ “chưa đến mức ảnh hưởng đến năng lực răn đe”. Các chuyên gia cho rằng những lo ngại của các nước đồng minh như Nhật sẽ tiếp tục gia tăng trong tình hình hiện nay.

“Chắc chắn đang có sự lo lắng ở Tokyo về mức độ sẵn sàng của quân đội Mỹ trong tình cảnh đại dịch”, ông Collin Koh, nhà nghiên cứu cấp cao và là một chuyên gia về an ninh biển tại Trường Quốc tế học S. Rajaratnam School ở Singapore, nhận định. 

Ông Koh cho rằng trận chiến của quân đội Mỹ với COVID-19, về lâu dài, sẽ dẫn đến việc Nhật Bản phải tăng cường tự lực về quốc phòng. 

Phô trưởng cơ bắp

Trong khi Washington và Bắc Kinh cãi nhau về nguồn gốc virus và cách ứng phó với đại dịch, Trung Quốc đang tuyên truyền theo hướng cho rằng quân đội Mỹ đang cố che giấu thế yếu của mình. 

Nhiều tiêu đề bài báo tập trung vào chuyện quân đội Mỹ đối phó với dịch bệnh như “Đại dịch cản trở sự hiện diện của quân đội Mỹ gần Trung Quốc”, “Liệu tàu sân bay Mỹ có trở thành du thuyền Diamond Princess tiếp theo?” hay “Quân đội Mỹ là nạn nhân hay kẻ phát tán virus?”

Ông Koh cho rằng trên báo chí chính thống, Trung Quốc chắc chắn đang tận dụng tình hình. 
“Chủ đề nổi lên trên các bài bình luận của báo chí chính thống Trung Quốc gần đây là thông điệp: quân đội Mỹ đang gặp rắc rối vì đại dịch, họ bị các lãnh đạo chính trị ở Washington bỏ rơi vì chính quyền Trump chính trị hóa và xử lý kém đại dịch, nên các chính phủ khu vực không nên kỳ vọng nhiều rằng người Mỹ có thể hỗ trợ mình”, ông Koh đánh giá. 

Trong khi đó, quân đội Trung Quốc khẳng định không có binh lính nào trong số 2 triệu quân nhân của họ mắc COVID-19. 

“Thật khó tin rằng khả năng sẵn sàng chiến đấu của họ không bị virus corona tác động. Từ quan điểm đó, Bắc Kinh có thể đang nỗ lực thể hiện hình ảnh mạnh mẽ của họ ra bên ngoài”, ông Dereck Grossman, nhà phân tích quốc phòng cấp cao tại hãng nghiên cứu Rand Corp., nhận định. 

Ngoài thể hiện trên báo chí chính thống, Bắc Kinh cũng tiếp tục thể hiện điều mà nhiều chuyên gia gọi là lập trường hung hăng trên biển Đông và Hoa Đông. 

Đầu tháng này, Bắc Kinh điều các tàu công vụ ra truy đuổi tàu cá của Nhật Bản ở vùng biển gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông rồi ở lại đó trong 3 ngày liên tục, lần đầu tiên như vậy kể từ tháng 8/2016. 

Tháng trước, Trung Quốc điều tàu sân bay Liêu Ninh và nhóm tàu tấn công thực hiện hành trình qua eo biển Miyahko nằm giữa hai đảo Okinawa và Miyako của Nhật rồi đi qua Đài Loan. Tuyến đường biển này có vai trò quan trọng về chiến lược, là một trong ít tuyến hàng hải mà Hải quân Trung Quốc có thể đi qua để ra Thái Bình Dương. 

Trên biển Đông, Bắc Kinh thành lập 2 cái gọi là quận hành chính để quản lý các đảo và bãi đá mà họ kiểm soát trái phép nhằm củng cố yêu sách chủ quyền ở khu vực. 

Trong tháng qua, Hải quân Trung Quốc triển khai các cuộc diễn tập chiếm đảo và bắn đạn thật trên biển Đông để nâng cao “năng lực chiến đấu”. Bắc Kinh cũng điều tàu khảo sát Hải Dương 8 và các tàu hộ tống xuống bám đuôi tàu thăm dò dầu khí West Capella của hãng dầu khí quốc gia Malaysia. 

Theo Phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách Đông Nam Á Reed B. Werner, các chiến đấu cơ Trung Quốc đã quấy rối máy bay trinh sát Mỹ “ít nhất 9 lần” ở khu vực biển Đông kể từ giữa tháng 3, cùng thời gian tàu Roosevelt cập cảng ở Guam. 

Ông Werner nói rằng hành động khiêu khích của Trung Quốc không chỉ ở trên trời, mà còn nhằm cả vào tàu khu trục tên lửa USS Mustin khi tàu này đi tuần tra gần nhóm tàu sân bay Trung Quốc trên biển Đông vào tháng trước. Một tàu hộ tống Trung Quốc đã di chuyển theo cách “không an toàn và không chuyên nghiệp”, ông Werner nói với Fox News. 

Những hành động đó dẫn đến phản ứng giận dữ từ Washington, trong đó có tuyên bố đưa ra hồi cuối tháng 4 của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, nói rằng Bắc Kinh đang cố “lợi dụng sự phân tán” do đại dịch để tiếp tục cách hành xử khiêu khích. “Trung Quốc đang gây áp lực quân sự và chèn ép các nước láng giềng”, ông Pompeo nói. 

Chuyên gia phân tích Grossman cho rằng dù Nhật Bản và các nước khác có thể lo lắng về sự sẵn sàng của quân đội Mỹ, nhưng nhiều dấu hiệu thể hiện sự hiện diện mạnh mẽ và bền vững của Mỹ ở khu vực. 

Ông dẫn ra việc Mỹ tiếp tục tuần tra khẳng định tự do hàng hải ở gần những đảo mà Trung Quốc chiếm đóng trên biển Đông, đưa tàu tấn công đổ bộ USS America và đội máy bay chiến đấu F-35B vào huấn luyện ở khu vực để “đối đầu với sự quyết liệt của Trung Quốc”. 

Một bước đi gây ngạc nhiên là việc Hạm đội 7 của Mỹ hôm 8/5 thông báo tất cả các tàu ngầm của họ sẽ triển khai chiến dịch huấn luyện trên biển để “ủng hộ khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương mở và tự do trong giai đoạn đại dịch”. Ngày hôm sau, Hạm đội 7 cho biết 3 tàu ngầm của họ cùng các tàu nổi và máy bay tham gia đợt huấn luyện chiến đấu từ ngày 2-8/5 ở vùng biển gần Philippines. 

Hạm đội 7 cũng cử 2 tàu tấn công ra gần tàu thăm dò dầu khí West Capella mà Malaysia đang vận hành để khẳng định sự hiện diện.

Ngoài các chiến dịch của Hải quân, Không quân Mỹ cũng gia tăng hoạt động ở khu vực. 
Dù kết thúc 16 năm duy trì hiện diện liên tục lực lượng máy bay ném bom ở đảo Guam, Không quân Mỹ gần đây điều các máy bay ném bom B-1B đến khu vực để triển khai các nhiệm vụ điều quân linh hoạt và “không thể dự đoán”. 

Trong tháng qua, Mỹ điều 5 chiếc B-1B ra huấn luyện trên biển Hoa Đông và phía bắc Nhật Bản, cùng với 6 chiếc F-16, bảy chiếc F-2 và tám chiếc F-15 của Lực lượng phòng không Nhật Bản. 

Mỹ cũng thông báo cử 3 chiếc B-1B ra biển Đông, trong đó chiến dịch hôm 8/5 để “mô phỏng cuộc tấn công bằng tên lửa hành trình nhằm vào các căn cứ trên đảo nhân tạo của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa”, ông Olli Suorsa, nhà nghiên cứu cấp cao tại Trường S. Rajaratnam, nói. 

“Những hành động gây chú ý và được thông tin rộng rãi như vậy là sự thách thức trực tiếp chiến dịch tuyên truyền của Trung Quốc rằng sức mạnh quân sự của Mỹ ở Tây Thái Bình Dương đã suy giảm”, ông Suorsa nói.

Theo theo Japan Times
MỚI - NÓNG