Chợ B Buôn Ma Thuột xây xong đóng cửa:

Quan điểm bất nhất, tiểu thương khốn khó

Chợ xây xong từ lâu vẫn chưa được phép hoạt động
Chợ xây xong từ lâu vẫn chưa được phép hoạt động
TP - Tỉnh Đắk Lắk có 2 khối chợ trung tâm được xây mới khang trang, hiện đại, mà chợ nhiều tỉnh khác quanh khu vực không sánh bằng. Tuy nhiên, trong khi khối chợ C ngày càng buôn bán tấp nập, thì chợ B cửa đóng im ỉm hơn nửa năm qua. 

Dân mỏi mòn chờ trong chợ tạm


Dọn sạch khu chợ cũ nhếch nhác đã hình thành cách đây hơn nửa thế kỷ để xây nên một trung tâm mua bán tiện nghi, đẹp đẽ là chủ trương táo bạo, đúng đắn của UBND tỉnh Đắk Lắk 10 năm trước. 

Sau thời gian dài chuẩn bị, theo đề nghị của đơn vị chủ trì là UBND TP Buôn Ma Thuột, tháng 10/2006 UBND tỉnh đồng ý giao cho Công ty cổ phần đầu tư Xây dựng và Kinh doanh chợ Buôn Ma Thuột (viết tắt là Cty Chợ BMT) triển khai công trình này theo hình thức BO (thuê đất, đầu tư, kinh doanh), quy hoạch lại cả 3 khu chợ A, B, C.

Tất cả các quầy hàng trong chợ cũ phải dời qua chợ tạm đặt ở góc sân vận động cuối đường Lê Hồng Phong. Như hầu hết các dự án xây chợ khác, các bên liên quan đều đã đau đầu với hàng chục cuộc đối thoại nảy lửa, gỡ rối hàng trăm vụ tranh cãi, khiếu nại, kiện cáo, giải phóng mặt bằng chậm… Sau 2 lần lùi thời hạn, các khối nhà thiết kế theo tiêu chuẩn chợ loại 1 mới dần hình thành.

Khu A là nơi tái định cư cho các hộ sống trên nền chợ cũ, nay đã thành dãy phố mới khang trang. 

Khu chợ C tổng mức đầu tư 170 tỷ đồng đi vào hoạt động từ tháng 1/2011, có thang cuốn, thang máy, hệ thống làm mát, thông gió, nhà hầm để xe, 4 tầng lầu. Dù mức giá cho thuê sạp năm đầu bình quân chỉ 200.000đ/m2/tháng, gần đây mới tăng lên 240.000đ/m2/tháng, nhưng do quanh phố vẫn còn các chợ tạm, chợ nhỏ, chợ trời tự phát không dẹp được, bối cảnh kinh tế trì trệ, tới nay Cty Chợ BMT cũng chỉ cho thuê được 583 quầy/670 quầy.

Trừ vốn và lãi vay ngân hàng, hạch toán sau 3 năm đi vào hoạt động chợ C, theo báo cáo của Cty Chợ BMT: tuy mức lỗ từng năm giảm dần, song… nhà đầu tư hiện vẫn lỗ 3 năm tới gần 24,5 tỷ đồng. 

Khu chợ B xây đối xứng, quy mô tương đương chợ C, tổng vốn đầu tư 208 tỷ đồng, hoàn tất tháng 4/2014. Hai chợ B, C nối thông nhau trên cao bằng một cầu vượt đẹp mắt băng qua đường N’Trang Lơng. Từ đầu năm 2014, hàng trăm chủ sạp hộ tiểu thương đóng trước tiền thuê quầy chợ B đã tập kết hàng hóa chờ bán vào dịp lễ 30/4-1/5.

Tuy nhiên, tới hẹn, dù họ cuống cuồng kêu van, thậm chí kéo nhau giăng biểu ngữ biểu tình trước cổng trụ sở UBND tỉnh và UBND thành phố, cửa chợ vẫn đóng im ỉm. Gọi Cty Chợ BMT, thì ông Trần Văn Tam- giám đốc Cty than ông còn sốt ruột hơn họ, bởi cứ mỗi tháng chợ chưa đi vào hoạt động, Cty mất thu phí và gánh lãi nợ vay ngân hàng thêm 2 tỷ.

Các hộ đã đóng tiền thuê sạp tại chợ B đành cử 10 tiểu thương đại diện các ngành hàng ký đơn kiến nghị gửi các cấp lãnh đạo Đảng, chính quyền và nhà đầu tư, hỏi lý do gì mà chợ xây khang trang an toàn, nhà chức trách lại không cho hoạt động?

Chủ tịch trước gật, chủ tịch sau lắc!

Có thể nói nguyên nhân chính khiến chợ B dài hạn đóng cửa, là do mâu thuẫn quan điểm về việc chi tiền giải phóng mặt bằng, và cách định giá cho thuê quầy của nhà chức trách.   

Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Trọng Hải khẳng định việc dùng tiền ngân sách chi bồi thường, giải phóng mặt bằng để xây chợ mới là “sai phạm”, đã đặt bút ký dưới Kết luận Thanh tra Công trình chợ BMT số 8143 ngày 11/11/2013, và Quyết định số 1050 ngày 20/5/2014, buộc Cty Chợ BMT phải “hoàn lại cho ngân sách” trên 97 tỷ đồng, đồng thời phải trả tiếp cho các hộ chưa nhận bồi thường thêm gần 14,5 tỷ nữa.

Cty Chợ BMT choáng váng, khiếu nại, chứng minh Cty làm đúng tất cả các yêu cầu của nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Lữ Ngọc Cư, người cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho Cty Chợ BMT thực hiện dự án phù hợp với các quy định hiện hành, về việc nhà nước chi tiền ngân sách đền bù và giải phóng mặt bằng, rồi mới có thể cho doanh nghiệp thuê đất trong 50 năm để đầu tư xây chợ theo hình thức BO.

Vụ này chưa có kết luận cuối cùng, thì tháng 7/2014 Hội đồng nhân dân tỉnh họp ra Nghị quyết về mức thu các loại phí, lệ phí trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Theo đó, phí chợ hạng I xây không bằng tiền ngân sách, mức thu tối đa không được quá 300.000đ/m2/tháng.

Cty Chợ BMT có nguy cơ phá sản đành kêu cứu khắp nơi, vì trước đó liên sở cùng các ban ngành chuyên môn của tỉnh họp đi họp lại nhiều lần mới đề xuất được mức giá tối đa cho thuê sát giá thành xây dựng là 360.000đ/m2/tháng, chờ UBND tỉnh duyệt.

Khi “cuộc chiến giữa các vì sao” còn chưa dứt, thì chợ B Buôn Ma Thuột vẫn tiếp tục đóng cửa. Chỉ khổ dân!

Nhiều cơ hội kinh doanh đã trôi qua, chúng tôi vẫn phải kinh doanh trong chợ tạm đã xuống cấp nghiêm trọng do hơn 6 năm không được tu sửa nâng cấp.

Vừa qua, khu dân cư đường Y Jút cháy lớn, mới đây tại đường Ama Khê xảy ra thêm 1 vụ cháy nữa khiến chúng tôi hết sức lo lắng cho tình hình phòng chống cháy nổ ở chợ tạm.

Chúng tôi đóng tiền thuê quầy hơn nửa năm rồi, mà vẫn phải đợi không biết đến bao giờ chợ mới mở cửa? 

Trích đơn kêu cứu đại diện 250 hộ tiểu thương gửi báo Tiền Phong
MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.