Quần đảo Solomon bầu cử, Mỹ - Trung ‘nín thở’

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Hôm nay (17/4), Quần đảo Solomon tổ chức bầu cử. Đây là cuộc tổng tuyển cử đầu tiên từ khi Thủ tướng Manasseh Sogavare ký thỏa thuận an ninh với Trung Quốc năm 2022, đưa quốc đảo Thái Bình Dương xích lại gần Bắc Kinh.
Quần đảo Solomon bầu cử, Mỹ - Trung ‘nín thở’ ảnh 1

Người dân Quần đảo Solomon. (Ảnh: Reuters)

Cuộc bầu cử lần này được cả Mỹ, Trung Quốc và Úc theo dõi sát sao để đánh giá tác động tiềm tàng đối với an ninh khu vực, dù các cử tri Quần đảo Solomon chỉ quan tâm đến y tế, giáo dục và đường sá.

Quần đảo Solomon có dân số chỉ khoảng 700.000 người, nhưng nằm ở vị trí quan trọng về chiến lược, chỉ cách vùng đông bắc nước Úc 1.600km.

Các điểm bỏ phiếu được mở từ 7h sáng (giờ địa phương), với cuộc bầu cử quốc gia và cấp tỉnh diễn ra trong cùng ngày.

Cảnh sát từ Úc, New Zealand, Papua New Guinea và Fiji đang hỗ trợ cảnh sát Quần đảo Solomon bảo đảm an ninh.

Sau khi ông Sogavare trở thành thủ tướng năm 2019, Quần đảo Solomon cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan (Trung Quốc) để thiết lập quan hệ với Bắc Kinh. Trung Quốc đang xây dựng các bến cảng, đường sá và mạng viễn thông ở đảo quốc Thái Bình Dương này.

Đài truyền hình quốc gia SIBC chiếu cảnh lãnh đạo đối lập Mathew Wale của đảng Dân chủ Solomon bỏ phiếu tại điểm bầu cử ở tỉnh Malaita sáng nay.

Đảng của ông Wale lập liên minh với đảng Liên minh Dân chủ, cam kết thúc đẩy giáo dục và sửa sang bệnh viện. Chính trị gia này trước đây chỉ trích sự hiện diện của cảnh sát Trung Quốc ở Quần đảo Solomon.

Một ứng viên nổi bật khác là ông Peter Kenilorea Jr của đảng Thống nhất. Ứng viên này tuyên bố muốn hủy thỏa thuận an ninh với Trung Quốc và hợp tác với các nước phương Tây để giảm ảnh hưởng của Bắc Kinh.

Còn Thủ tướng Sogavare, người chạy đua với tư cách lãnh đạo đảng Sở hữu, Thống nhất và Trách nhiệm, khẳng định việc ông tổ chức đại hội Pacific Games tại các sân vận động được Trung Quốc xây tặng là một thành tựu lớn.

Các nhóm quan sát từ Úc, New Zealand, Thái Bình Dương, Nhật Bản, châu Âu và Mỹ đang có mặt tại Quần đảo Solomon để giám sát việc bỏ phiếu và kiểm phiếu.

Theo Reuters
MỚI - NÓNG