Từ Quốc lộ 19, đi sâu vào con hẻm làng Chuết 1 (phường Thắng Lợi, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai ) chừng 100m là đến quán Bazan. Điều đầu tiên đập vào mắt thực khách chính là một cây nêu cao vòi vọi đứng sừng sững giữa khoảng sân rộng. Mười căn nhà sàn bao xung quanh khu non bộ được che bởi hàng cây núc-nác, một loại cây thường được trồng quanh nhà người J’rai, cho trái ăn ngon, có khả năng chữa bệnh, tỏa bóng mát rượi.
Dẫn chúng tôi lên nhà sàn, chủ nhân có khuôn mặt khá điển trai, đậm chất nghệ sỹ hài hước giới thiệu: Mình thường được gọi là Ksor Không Ngủ, vì tên cúng cơm là Ksor Thức, sinh năm 1983!
Nhấp cạn tuần rượu nóng, “quán chủ” kể chuyện về đời mình. Sinh ra và lớn lên tại làng Chuết 1, giống như bao nhiêu người J’rai khác Ksor Thức rất say mê âm nhạc, từng là “cây văn nghệ có số má” của trường THPT Phan Bội Châu. Học xong lớp 12, Ksor Thức muốn thi vào một trường thanh nhạc ở Hà Nội cho thỏa chí song cha mẹ đã gàn lại với lý do không có tương lai và phải xa gia đình. Thể theo nguyện vọng của cha mẹ, Ksor Thức đã chọn khoa Mỹ thuật-thanh nhạc của trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai để theo học rồi được phân về dạy tại trường Tiểu học Chu Văn An (TP. Pleiku).
Khuôn viên quán Bazan
Dù có nghề nghiệp ổn định, song máu âm nhạc cứ hừng hực trong huyết quản khiến thầy giáo trẻ luôn cảm thấy bứt rứt. Năm 2006, nhân sự kiện nhóm nhạc Bazan tan rã, ca sĩ Phi Ưng và A Mư về phố Núi lập nghiệp, Ksor Thức đã lập tức đến gặp và bàn với 2 ca sĩ này lập nhóm Bazan Gia Lai. Dù đất diễn khá nhỏ hẹp song các ca sỹ vẫn luôn cháy hết mình tại các show phục vụ nhà hàng, quán cà phê, quán trà… nên được người dân phố Núi khá mến mộ.
Trong thời gian chạy các show này, Ksor Thức thấy hầu hết khách thập phương khi đến với phố Núi ngoài mong muốn được thưởng lãm phong cảnh đặc sắc thì còn ưa thích các món ăn dân dã của người địa phương, nên rất nhiều quán ăn mang phong vị của người đồng bào dân tộc thiểu số đã mọc lên và hầu như quán nào cũng đông nghịt khách.
Ksor Thức-quán chủ đồng thời là ca sỹ chính luôn nhiệt tình phục vụ thực khách
“Những nhà hàng, quán ăn dạng này thời điểm đó khá nhiều song mình thấy có gì đó vẫn còn thiếu. Truyền thống, văn hóa, âm nhạc, ẩm thực của người đồng bào… như là máu đang hàng ngày lưu thông trong huyết quản mình, sao mình không mang cái vốn sẵn có này ra phục vụ du khách, vừa quảng bá văn hóa đồng thời kiếm thêm thu nhập, làm giàu một cách chân chính. Từ suy nghĩ này, mình đã tự vạch một lối đi riêng dù trong tiềm thức của người J’rai, việc buôn bán là điều gì đó khá xa lạ”.- Ksor Thức hồi tưởng.
Tháng 9/2012, nhà hàng Bazan mang đậm chất núi rừng của thầy giáo Ksor Thức ra đời sau khi anh gom hết tiền tiết kiệm và vay thêm hơn 100 triệu đồng để đầu tư. Để những món ăn đúng “chất” đồng bào nhất, ông chủ trẻ đã tuyển chọn những người J’Rai lâu nay vẫn nức tiếng nấu ăn giỏi trong làng làm đầu bếp, nhân viên cũng đều là người thân quen trong làng.
Hàng đêm, dưới cây nêu, ngọn lửa hồng sẽ khiến mọi người xích lại gần nhau
Bazan chỉ phục vụ các món ăn đặc sắc của người đồng bào như gà nướng, cơm lam, muối é, lá mì, cà đắng, rượu cần, ngoài ra ở đây còn có nhiều món mà không quán nào có như rau dớn, bò nướng trộn mật…
Song điểm “độc” của quán này chính là, trong men say chuếnh choáng của rượu cần, thực khách được thưởng thức giọng ca trong trẻo, bốc lửa của Kalin, H’Hoanh, Ksor Thức; chàng nghệ sỹ mù Y Tói với điệu trống Kdong độc đáo; tiếng đàn T’rưng réo rắt của nàng Bla xinh đẹp; những điệu xoang nhịp nhàng do các nghệ sỹ “cây nhà lá vườn” đến từ làng Chuết 1...
“Sự kết hợp hài hòa giữa âm nhạc và ẩm thực khiến du khách khó có thể nào quên nếu đã từng một lần đặt chân đến. Nơi đây tin rằng sẽ mang lại cho bạn cảm giác tự hào nếu một ngày nào đó, bạn vào vai gia chủ đãi khách phương xa ! ”- Đó là lời của anh Đặng Ngọc Ánh (40 tuổi, trú TP. Pleiku)- một trong những thực khách ruột của quán.
Món ăn đậm chất dân dã của người J’rai
Theo Ksor Thức, lợi nhuận tháng thấp nhất của quán cỡ 15 triệu đồng, yên tâm hơn là món nợ vay ban đầu đã được anh thanh toán dứt điểm. Quán ăn đã tạo ra công ăn việc làm ổn định cho nhiều người với thu nhập thấp nhất gần 3 triệu đồng/tháng. Dù việc kinh doanh khá phát đạt song ông chủ trẻ vẫn chỉ coi đây là nghề tay trái. Với Ksor Thức, dạy học mới là việc quan trọng nhất.
“Mình rất yêu trẻ con, không thể nào rời xa tiếng ríu rít của lũ học trò. Một phần cũng do sau 6 năm ưng nhau, sau nhiều lần chạy chữa, gần đây vợ chồng mình mới có bé. Chính vì vậy, mình luôn cố gắng sắp xếp hài hòa giữa công việc chính và nghề tay trái”, Ksor Thức chia sẻ.