Trả lời phỏng vấn tờ Dein Spiege, ông Koenig mô tả quyết định của Nga khi khai màn chiến dịch quân sự ở Ukraine là “nguồn cơn” của mọi chuyện.
“Chúng ta đang hòa bình, thì đột nhiên một quốc gia đưa quân vào một quốc gia khác, ở châu Âu”, ông Koenig nói.
Tuy nhiên, đại diện của Đức tại NATO nhấn mạnh rằng liên minh quân sự nói chung không có nghĩa vụ pháp lý để giúp Kiev đẩy lùi chiến dịch của Mátxcơva vì Ukraine không phải là một quốc gia thành viên NATO. Điều 5 trong Hiệp ước của NATO cũng không thể được kích hoạt, quan chức này giải thích. Điều 5 quy định cuộc tấn công vào một thành viên NATO được coi là một cuộc tấn công chống lại toàn khối. Lúc này, tất cả các quốc gia thành viên sẽ chung tay hỗ trợ quốc gia bị nhắm mục tiêu.
Theo ông Koenig, NATO muốn tránh tham gia trực tiếp vào cuộc giao tranh bằng mọi giá, vì điều này có khả năng làm bùng phát một cuộc xung đột cực lớn với sự tham gia của thêm 30 quốc gia thành viên liên minh - điều mà “không ai mong muốn”.
Khi được hỏi NATO có thể làm gì để giúp Ukraine, ông Koenig giải thích rằng các quốc gia thành viên vẫn đang cung cấp cho Kiev vũ khí và tiền bạc. Ngoài ra, Liên minh châu Âu (EU) cũng đã áp dụng lệnh trừng phạt lên Nga trong 6 tháng qua.
Ông kết luận rằng triển vọng hòa bình là khá mong manh vì Ukraine và Nga dường như không thể hòa giải.
Theo ông Koenig, Kiev "đúng đắn" khi yêu cầu Mátxcơva nhượng lại tất cả các vùng lãnh thổ từng thuộc Ukraine ở phía Nam và phía Đông mà mới đây đã bỏ phiếu gia nhập Nga, cũng như Crimea, bán đảo đã sáp nhập Nga vào năm 2014. Tuy nhiên, Điện Kremlin không có khả năng đồng ý với các điều khoản như vậy.