Quán cà phê nói chuyện bằng tay

0:00 / 0:00
0:00
Lê Phú Tài đang nhờ quản lý phiên dịch giúp. Ảnh: Giang Thanh
Lê Phú Tài đang nhờ quản lý phiên dịch giúp. Ảnh: Giang Thanh
TP - Mỗi khi đón chào khách, phục vụ nước, nhân viên quán cà phê Angel (Ðà Nẵng) đều cúi gập người và ra dấu “chân thành cảm ơn”.

Trao “cần câu”

Dù mới đi vào hoạt động nhưng quán cà phê Angel (quận Thanh Khê) khá tấp nập. Thoạt nhìn, quán không khác biệt gì so với hàng trăm quán cà phê khác ở Đà Nẵng với phong cách trang trí thanh lịch và không gian mở thoáng đãng. Tuy nhiên, khi vào quán, nhiều người bất ngờ bởi đa số nhân viên khiếm thính, thậm chí câm điếc.

Thấy khách vào, Lê Phú Tài (SN 1994, Đà Nẵng) cúi gập người để gửi lời chào rồi giơ tay mời khách sang quầy gọi nước và thanh toán. Nom cậu nhân viên cao ráo, nhanh nhẹn, chẳng ai nghĩ Tài là người khuyết tật (câm điếc bẩm sinh). Có khách cất lời hỏi thăm, Tài nhanh nhẹn dùng ngôn ngữ kí hiệu hoặc dùng tay diễn tả để hướng dẫn khách, chỉ lúc “bí” quá, cậu mới ra hiệu nhờ quản lý hỗ trợ.

Trước đây, vì khuyết tật nên Tài chủ yếu chỉ ở nhà, cũng chưa làm qua công việc gì. Những ngày đầu, Tài khá bỡ ngỡ, nhưng vì đồng nghiệp cùng hoàn cảnh nên cậu hòa đồng và bắt nhịp rất nhanh. “Làm việc ở đây rất vui, mọi người đều như gia đình của em vậy. Em cũng mong chờ tháng lương đầu tiên để có thể mang về tặng cho bố mẹ”, Tài khua nhanh những ngón ngay với ánh mắt háo hức.

Ý tưởng về quán cà phê được Trần Đình Tâm (SN 1993, quận Sơn Trà) ấp ủ từ năm 2019. Thường xuyên tổ chức, tham gia các hoạt động thiện nguyện, Tâm có nhiều cơ hội tiếp xúc với những người khuyết tật. “Nhận thấy đa số người khuyết tật thường nhận những công việc phụ trợ làm thêm ở nhà như: làm lông mi giả, cắt chỉ thừa…, thu nhập thấp mà lại ít có cơ hội gặp gỡ với bên ngoài, tôi muốn xây dựng một mô hình kinh doanh giúp người khuyết tật vừa có công việc ổn định, vừa hòa nhập tốt với xã hội”, Tâm nói.

Để tìm ra mô hình phù hợp nhất, Tâm liên hệ với Hội Người khuyết tật TP Đà Nẵng, gặp gỡ, trao đổi tâm tư, nguyện vọng với những người khuyết tật, tham khảo các mô hình đã triển khai có hiệu quả… “Tôi lựa chọn mở quán cà phê vì nhiều người áp dụng mô hình này khá thành công. Bên cạnh đó, khi làm việc ở quán, các bạn khuyết tật có cơ hội giao tiếp, gặp gỡ, để mọi người có thể hiểu thêm về họ, để bản thân họ có thể cởi bỏ tự ti, mặc cảm”, Tâm chia sẻ.

Học thủ ngữ

Tâm mất gần 1 năm để có thể hoàn thiện quy trình vận hành của quán, giải quyết những khó khăn có thể phát sinh khi nhân viên ở các bộ phận đều là người khuyết tật. “Tất cả các vị trí, tôi đều có sự tính toán để đảm bảo khi làm việc ở vị trí đó, các bạn có thể bắt nhịp tốt. Ví dụ, các bạn sẽ gặp khó khi trao đổi với khách nên quán áp dụng gọi món, tính tiền tại quầy, hay nhiều bạn sức khỏe không đảm bảo nên tôi cũng phải sắp xếp ca và thời gian hợp lý…”, Tâm nói.

Đầu tháng 4, Tâm tổ chức đào tạo cho nhân viên, từ cách chào khách, “nói” cảm ơn đến cách thức đăng ký ca làm việc, cách phục vụ, pha chế, tính tiền… Do các đợt dịch bệnh liên tiếp, Tâm phải dời ngày khai trương 2 lần. Đến giữa tháng 10, quán mới chính thức hoạt động.

“Hội có kết hợp để giới thiệu người khuyết tật vào quán cà phê làm việc. Nếu có thể duy trì được lâu dài, đây sẽ là mô hình hay, tạo được việc làm ổn định cũng như tạo cơ hội hòa nhập cho người khuyết tật khiếm thính, câm điếc”.

Ðặng Hương Giang, Phó chủ tịch Hội Người khuyết tật TP Ðà Nẵng

Quán hiện có 15 nhân viên là người khiếm thính hoặc câm điếc bẩm sinh, chủ yếu đến từ Quảng Nam và Đà Nẵng, đảm nhiệm nhiều vị trí trừ quản lý, bảo vệ và 50% nhân viên pha chế. Cuối tuần, quán lại tổ chức các buổi thảo luận, trao đổi để nhân viên chia sẻ những khó khăn, cải thiện những vấn đề trong quá trình làm việc.

Để dễ dàng trao đổi, Tâm cũng dành thời gian để học thủ ngữ. “Trước đây, tôi cũng biết đôi chút thủ ngữ khi tham gia các hoạt động thiện nguyện. Sau này, khi quyết định mở quán, tôi đầu tư học thêm qua Internet để trò chuyện với các bạn. Các nhân viên là người bình thường ở quán cũng được yêu cầu phải học ngôn ngữ kí hiệu để trò chuyện, thảo luận công việc với các bạn khác”, Tâm kể.

Phụ trách phục vụ khách ở tầng 2, Lê Đỗ Đinh Kha (SN 1994, quận Sơn Trà) tất bật luôn tay luôn chân. Gặp một nhóm khách đều là người câm điếc, Kha hào hứng trò chuyện và giới thiệu quán.

“Những ngày đầu, nhiều khách không biết nên cũng phàn nàn khi phục vụ nước lên chậm hay quên châm trà cho khách… Anh quản lý phải giải thích để khách hiểu. Sau này, nhiều khách biết đến quán, lúc rảnh thường hỏi để học thủ ngữ, hoặc trò chuyện với chúng em bằng thủ ngữ”, Kha cho hay.

MỚI - NÓNG