Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật TƯ tổ chức Hội thảo khoa học toàn quốc về chủ đề “Nhìn lại quá trình xã hội hóa các hoạt động văn học, nghệ thuật ở Việt Nam từ ban hành chủ trương đến nay” vào ngày 19/12 tại Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam.
BTC mời khoảng 250 đại biểu, nhận được 67 tham luận. Ba mục tiêu của hội thảo: Đánh giá tác động của chủ trương xã hội hóa đến thực tiễn VHNT trên tất cả các phương diện tổ chức; Phân tích thực tiễn, chỉ ra những thành công và hạn chế của chủ trương trên từng lĩnh vực VHNT cụ thể; Đề xuất kiến nghị, giải pháp tiếp tục hoàn thiện chủ trương, cơ chế chính sách xã hội hóa các hoạt động VHNT…
Chiều 19/12, tại kỳ họp thứ 5 của Hội đồng, các thành viên tập trung thảo luận, đánh giá và kết quả thực hiện nhiệm vụ trong năm 2018, đồng thời thảo luận, cho ý kiến về các nhiệm vụ trọng tâm của Hội đồng dự kiến triển khai trong năm 2019.
Ông Phan Đình Tân khẳng định chủ đề hội thảo khoa học này nhận được sự quan tâm lớn của những người làm nghề. “BTC nhận được nhiều ý kiến đóng góp, trong đó cũng có nhiều bức xúc”, TSKH. Phan Đình Tân nói. Không ít đơn vị bắt nhịp với xã hội hoá, nhưng cũng không hiếm đơn vị lo sợ xã hội hoá nghĩa là bị nhà nước quẳng ra ngoài.
“Bên cạnh những thành tựu của quá trình xã hội hoá cũng không ít hạn chế, khuyết điểm ở nhiều tỉnh thành, đơn vị. Một số đơn vị tự tung tự tác, cậy mình là đơn vị sự nghiệp có thu tự nhận người về không theo quy chuẩn, biến cơ quan thành gia đình, biến khối tài sản khổng lồ của Nhà nước thành lợi ích nhóm”, ông Phan Đình Tân nói. Ông phân tích bên cạnh khuyết điểm từ đơn vị, cơ quan chủ quản nhà nước cũng có khiếm khuyết nhất định khi phó mặc để các đơn vị này tự tung tự tác.
Hội thảo khoa học lần đầu tiên nhìn nhận lại chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước này hứa hẹn là dịp để mổ xẻ, phân tích và đề ra giải pháp cho tiến trình trong thời gian tới. Dự kiến lãnh đạo Đảng, Nhà nước tham dự hội thảo để lắng nghe ý kiến của các đại biểu.