Quá tải sĩ số và lạm thu

Quá tải sĩ số và lạm thu
TP - Báo cáo của Bộ GD&ĐT không có một dòng nào đề cập tình trạng quá tải sĩ số lớp học cũng như việc chấn chỉnh lạm thu ở các thành phố lớn nhưng các vấn đề này lại trở nên nóng trong cuộc họp báo chuẩn bị năm học mới chiều qua, 30-8.

> TPHCM công bố các khoản thu đầu năm học mới

Học sinh trường Tiểu học Tràng An (Hà Nội) sau buổi tập trung trước khai giảng. Ảnh: Xuân Phú
Học sinh trường Tiểu học Tràng An (Hà Nội) sau buổi tập trung trước khai giảng. Ảnh: Xuân Phú.

Bộ biết nhưng…

Trừ quận Hoàn Kiếm, tất cả các quận còn lại của Hà Nội đều có trường tiểu học sĩ số bình quân trên 50 học sinh/ lớp, nhiều trường lên đến 60 – 65 học sinh/lớp.

Bộ có biết việc này không? Ông Nguyễn Tiến Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, trả lời: “Bộ có biết”. Nhiều văn bản của Bộ, trong đó có điều lệ trường tiểu học, đều quy định sĩ số lớp học bậc tiểu học không vượt quá 35 học sinh/lớp.

Trên thực tế, ở các thành phố lớn, số học sinh ngày càng một đông lên do hiện tượng di cư làm gia tăng dân số cơ học. Việc tốc độ xây trường không theo kịp tốc độ tăng dân số là trách nhiệm của UBND các thành phố đó. Nhưng với Bộ GD&ĐT, mọi trẻ em đều phải được đi học.

Ông Thành so sánh: “Việc đi học không giống việc mua vé lên một chuyến xe. Nếu cơ quan quản lý quy định một chuyến xe chỉ được chở 35 hành khách thì những xe chở 36 hành khách có thể bị phạt và thậm chí không được đi tiếp. Còn với một lớp học thì không thể như thế.

Cho dẫu lớp học đó có trên 35 em, ngành GD&ĐT không thể cấm lớp đó không được học nếu các thành phố không có thêm trường. Vì vậy trong số các giải pháp Bộ buộc phải chấp nhận giải pháp sĩ số tăng để đảm bảo quyền lợi được đi học cho các cháu.

Bộ không thể về các thành phố để xây thêm lớp, thêm trường cho các cháu học. Việc đảm bảo 35 học sinh/lớp là bài toán mà lãnh đạo chính quyền các thành phố phải giải quyết”.

Phóng viên Tiền Phong đặt vấn đề, với học sinh tiểu học nên chăng xem các tiêu chí đảm bảo điều kiện dạy học, trong đó có yêu cầu bắt buộc sĩ số lớp học phải thực hiện đúng điều lệ, là một tiêu chí quan trọng khi đánh giá chất lượng giáo dục một trường học, một địa phương chứ không phải là các tiêu chí xếp loại học sinh khá giỏi? Phải chăng, Bộ GD&ĐT cần tạo áp lực mạnh hơn nữa trong việc yêu cầu các địa phương phải xây thêm trường cho học sinh?

Ông Thành cho biết Bộ có gây sức ép, mặc dù trước mắt vẫn ưu tiên quyền được đi học của học sinh lên hàng đầu. “Do nhiều yếu tố, trong đó có vấn đề sĩ số, năm nay Hà Nội không được khen trong mảng giáo dục tiểu học. Đó cũng là một áp lực. Có thể lãnh đạo Bộ sẽ có những áp lực mạnh hơn chăng”, ông Thành nói.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa lại bày tỏ sự thông cảm với các thành phố lớn khi đề cập vấn đề giảm sĩ số: “Có những vấn đề làm được ngay nhưng cũng có những vấn đề phải có quá trình, chẳng hạn như để giải quyết tình trạng quá tải sĩ số lớp học thì địa phương cần có thời gian để giải quyết”.

Lạm thu không phải vì học phí thấp

Theo ông Lê Khánh Tuấn, phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính, mặc dù năm học mới chưa chính thức bắt đầu nhưng đã có một số hiện tượng lạm thu.

Một số nhóm biện pháp sẽ được triển khai. Trước mắt, cơ cấu chi thường xuyên phải đảm bảo đạt mức tối thiểu 80% chi cho lương và các chi phí có tính chất lương, 20% cho các hoạt động giáo dục.

“Chúng tôi chưa đặt vấn đề tăng học phí trong bối cảnh hiện nay. Theo tôi, học phí thấp dẫn đến lạm thu chỉ là ý kiến riêng của một số ít hiệu trưởng. Chứ đó không phải là nguyên nhân chủ yếu”, ông Tuấn nói.

Bộ có nhiều văn bản yêu cầu các địa phương triển khai tới các trường để thực hiện tốt các quy định hiện hành, chẳng hạn như yêu cầu thực hiện tốt thông tư 55 ban hành điều lệ cha mẹ học sinh; thực hiện tốt ba công khai.

Bộ cũng đề xuất với UBND các tỉnh/thành phố thực hiện tốt việc kiểm tra thanh tra giám sát theo chức năng ngay từ đầu năm học để ngăn chặn lạm thu.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG