Quá tải bệnh nhân, chảy máu bác sĩ

Quá tải bệnh nhân, chảy máu bác sĩ
TP - Không chỉ quá tải bệnh nhân, các trung tâm y tế, bệnh viện (TTYT, BV)  tuyến huyện, tỉnh thuộc Quảng Nam còn trong tình trạng thiếu bác sĩ, dược sĩ đại học trầm trọng. Trong khi đó, ngành y tế tỉnh lại không đủ sức giữ chân cán bộ, bác sĩ chủ chốt

Đang vào mùa của các loại dịch bệnh miền núi sốt rét, sốt phát ban, sởi, số lượng bệnh nhân tại TTYT huyện Nam Trà My (Quảng Nam) lúc nào cũng quá tải.

Trung bình mỗi giường có 2-3 bệnh nhân. Trong khi đó, toàn trung tâm có chưa đầy 10 bác sĩ trong tổng số hơn 30 cán bộ y tế.

Bác sĩ Nguyễn Văn Cầm - Giám đốc  TTYT huyện, cho biết, đơn vị có hơn 30 giường bệnh nhưng số bệnh nhân mỗi ngày luôn dao động từ 50 - 60 bệnh nhân.

Đặc biệt từ khi triển khai mô hình một đơn vị hai chức năng, trung tâm vừa làm công tác phòng bệnh vừa khám chữa bệnh, cộng với đặc thù miền núi, trung tâm cần có thêm ít nhất 10 bác sĩ.

Tất cả TTYT huyện trên địa bàn như Đông Giang, Nam Giang, Tây Giang, Nông Sơn... cũng đang thiếu bác sĩ, dược sĩ đại học trầm trọng. Ngay cả các TTYT, BV tuyến tỉnh (BV Đa khoa Quảng Nam, BV Y học cổ truyền, BV Lao và bệnh phổi...) cũng lâm vào cảnh tương tự.

BV Đa khoa tỉnh Quảng Nam có 600 giường với khoảng 600 cán bộ y tế. Tuy nhiên số bác sĩ chỉ có hơn 100 người. Theo lãnh đạo bệnh viện, đơn vị cần ít nhất từ 50 - 100 bác sĩ nữa mới đảm bảo đủ yêu cầu.

Ông Huỳnh Thế Vinh, Trưởng phòng Tổ chức - Hành chính, Sở Y tế Quảng Nam, cho biết, công suất sử dụng giường bệnh qua nhiều năm ở tuyến huyện hơn 171%, tuyến tỉnh gần 160%...

Trong khi đó, theo thống kê toàn tỉnh đến năm 2009, chỉ có 754 bác sĩ, 49 dược sĩ trong tổng số 4.685 cán bộ y tế. Con số này thấp hơn nhiều so với trung bình cả nước, chỉ đạt 4,4 bác sĩ (y tế công lập)/vạn dân (cả nước 6,03/vạn dân), dược sĩ đại học (y tế công lập) 0,2/vạn dân (cả nước 1,28/vạn dân)...

Điều đáng báo động, chỉ có 5/18 TTYT huyện có dược sĩ đại học, 65% xã không có bác sĩ.

Chảy máu  bác sĩ

Tính riêng tại BV Đa khoa khu vực tỉnh, vài năm gần đây có hơn 20 bác sĩ rời nhiệm sở, chuyển công tác. Bác sĩ Võ Đôn, Giám đốc BV cho biết: Đơn vị sụt giảm số lượng bác sĩ từ 63 xuống còn 41 bác sĩ.

Thống kê tại Sở Y tế, từ năm 2005 đến nay, ngành y tế Quảng Nam có 44 cán bộ y tế bỏ nhiệm sở, trong đó chủ yếu là người có trình độ đại học, sau đại học. Phần lớn nguyên nhân chảy máu bác sĩ là do cơ chế, cơ sở vật chất kỹ thuật khám chữa bệnh tại các đơn vị y tế không đảm bảo.

Ông Huỳnh Thế Vinh cũng nhận định các bác sĩ hầu hết chuyển sang các bệnh viện tư trên địa bàn như BV Đa khoa Thái Bình Dương, BV Vĩnh Đức... do chế độ lương trả tốt hơn.

Để khắc phục tình trạng này, UBND tỉnh, Sở Y tế xây dựng bản quy hoạch phát triển hệ thống y tế tỉnh Quảng Nam đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020.

Theo đó, sẽ ưu tiên phát triển nguồn lực, củng cố và hoàn thiện các mạng lưới y tế; từ nay đến năm 2025, ngành y tế cần bổ sung 236 bác sĩ, 124 dược sĩ đại học, 1.127 điều dưỡng, gần 1.300 y tế thôn, bản...

Tuy nhiên, theo Phòng Tổ chức - Hành chính, Sở Y tế Quảng Nam, dù có nhiều chính sách đãi ngộ, thu hút nhân lực hiện tại, như biên chế thẳng (không qua thi tuyển) cho các bác sĩ, dược sĩ đại học về công tác và được chọn chỗ làm, số lượng bác sĩ về Quảng Nam đầu quân vẫn ít, mỗi năm trung bình chỉ 5 người trong tổng số 60 người của tỉnh tốt nghiệp trường y trong cả nước.

 Riêng từ đầu năm 2009 đến nay, chỉ có 4 trường hợp (3 bác sĩ, 1 dược sĩ đại học) về tỉnh.  

MỚI - NÓNG