Đến hẹn lại lên, hàng năm cứ tầm này chị Nguyễn Minh Anh ở Hoàng Quốc Việt, Hà Nội lại lên facebook cá nhân rao bán một loại quả lạ lẫm. Đó là những trái sake. Nhìn bên ngoài, sake giống trái mít ở miền Bắc, nhưng bên trong lại không có hạt, thịt dày, màu trắng bùi bùi vừa béo vừa thơm, có thể chế biến thành nhiều món ăn hấp dẫn.
Chị Minh Anh cho biết, đợt này, vườn sake nhà người thân của chị ở miền Tây bắt đầu thu hoạch những trái già, mỗi tuần gửi ra Hà Nội 3-4 tạ nhờ chị bán giúp. Vì thế, chị đăng lên facebook để mọi người biết và mua về ăn đợt nghỉ lễ 30/4-1/5 tới.
Sake đang bước vào những ngày đầu mùa. Còn chính vụ thì tầm vào tháng 7 hàng năm. Khi đó, trái sake già, người dân miền Tây sẽ thu hái và bán ra thị trường. Giá loại quả này luôn bình dân và ở mức 25.000-55.000 đồng/kg.
Những năm trước, giá sake đầu mùa được bán giá đắt đỏ hơn, khoảng 55.000 đồng/kg. Nhưng năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên sake đầu mùa giá giảm chỉ còn 40.000 đồng/kg. Càng vào chính vụ, giá sake càng giảm nữa, chỉ khoảng 20.000-25.000 đồng/kg.
Vì loại quả này được trồng tự nhiên ở miền Tây nên ăn rất an toàn, không hề có hóa chất. Mỗi quả có trọng lượng từ nửa cân đến hơn 1 cân. "Nhìn bề ngoài, chúng giống với những trái mít. Song bên trong lại không có hạt. Thịt của chúng chắc, dày và có màu trắng ngà. Khi ăn có hương vị vừa béo vừa bùi, lại thơm ngon nên sake được nhiều người yêu thích", chị Minh Anh nói.
Vì thế, đến mùa sake là nhiều bà nội trợ Hà Nội đặt mua cả yến về chế biến các món ăn khác nhau như chiên, hầm, nấu canh, nấu chè đều rất mềm, thơm ngậy và thanh mát.
Chị MInh Anh cũng chia sẻ, mỗi ngày chị bán được cả tạ sake. Ngoài các nhà hàng, món ăn đặt mua làm món sake tẩm bột chiên, nhiều bà nội trợ còn đặt mua từ 2kg đến cả yến ăn dần.
“Khi mua sake về, chỉ cần gọi bỏ vỏ bên ngoài và rửa sạch rồi thái thành miếng. Muốn có sake ăn quanh năm, có thể bọc sake trong túi nilon cất ngăn đá tủ lạnh, để thoải mái được 7-8 tháng", chị Minh Anh cho hay.
Để chọn được những trái sake ngon, chín già và bùi thơm không quá khó. Khi mua loại quả này, theo chị Minh Anh, chỉ cần thuộc lòng những bí quyết sau: Chọn trái cứng, nở hết gai, màu xanh vàng, có trọng lượng lớn từ 7 lạng trở lên. Đây được coi là những trái sake ngon. Khi bổ ra, những trái này có thịt có màu trắng ngà, hoặc vàng nhạt, ăn không có nhựa, bở và bùi.
Ngược lại, không chọn những trái nhỏ vì đa phần là những trái còn non. Những trái này khi ăn có nhiều nhựa, ăn sượng, không có độ bùi, dẻo đặc trưng, không có vị ngọt.
Tùy theo món ăn chế biến mà chọn sake già non khác nhau.
Theo chị, nếu dùng sake để chiên, hấp, nướng thì bà nội trợ bắt buộc phải chọn những trái to (trong lượng trên 700 gr/quả). Như vậy, khi ăn sẽ cảm nhận được vị ngọt dịu, độ bùi, dẻo. Nhưng khi dùng sake để làm các món canh, nấu, hầm, salad, gỏi, thì có thể mua những trái sake nhỏ, còn xanh nhưng vẫn phải nở hết gai. Riêng những quả chín già, vỏ có màu vàng sậm, ấn hơi mềm tay, thịt màu vàng, có vị ngọt đậm phù hợp với những người hảo ngọt.
Chị Trần Quỳnh Như, nhân viên marketing một công ty dược phẩm ở Trung Hà, Hà Nội vừa đặt mua cả yến sake về ăn dần năm nay. Chị kể, 3 năm trước khi vào Sài Gòn công tác, chị được ăn món sake chiên xù tại một nhà hàng. Thấy hương vị lạ, thơm, bùi, chị Như mê luôn món đó.
"Sa kê mua tại Sài Gòn có giá chỉ 25.000 đồng/kg khi vào chính vụ. Ở ngoài Hà Nội khi mua thì phải chấp nhận đắt đỏ hơn rồi vì chi phí vận chuyển. Song loại quả mỗi năm chỉ có một mùa này nhà mình ai cũng thích ăn vì mềm và bùi. Thích nhất là dùng sake chiên xù, rất ngon”, chị Như nhận xét.
Vì thế, chị thường đặt mua cả yến cất tủ lạnh ăn dần. Nhưng thực tế, vì nhà chị đều thích ăn nên có khi 10kg sake chị đặt chỉ trong vòng 2 tháng là hết.