Trọng Tấn là một trong những nhân vật nặng nợ nhất với ê-kip Tâm điểm Âm nhạc (In the Spotlight). Không chỉ vì chương trình của anh bán vé tốt, đạt chất lượng nghệ thuật mà còn vì chục ngày trước đêm diễn, máy tính của giám đốc nghệ thuật kiêm nhạc sĩ phối khí bị hỏng, làm mất toàn bộ tổng phổ.
Không phải nhân vật nào của Tâm điểm Âm nhạc cũng dư hơi đến cuối chương trình để liên tục thăng hoa cùng các cao trào của bản phối như Trọng Tấn.
Tuy nhiên, không ai là hoàn hảo. Trọng Tấn có thể dư thừa về lực, nhưng lại hạn chế trong bản năng “phiêu linh” - thường là sở trường của các ca sĩ nhạc nhẹ. Điều này bộc lộ rõ trong bài Biển khát, khi anh vừa phải lên tông, vừa phải ngẫu hứng. Có thể nói kịch bản của Tâm điểm Âm nhạc đã thành công trong việc bộc lộ gần như toàn bộ sở trường của mỗi giọng hát.
Ở phần đầu chương trình, Trọng Tấn hoàn toàn làm khán giả yên tâm khi hát những bài gắn với nhiều tên tuổi và hiện gắn với tên anh như Nơi đảo xa, Về thăm mẹ, Trên đỉnh Trường Sơn ta hát…
Trọng Tấn có được tên tuổi như bây giờ một phần vì anh hát không bị căng cứng như phần lớn các giọng nam thính phòng trong dòng nhạc đỏ. Cách hát của anh có cái gì đó gợi như phong thái mềm dịu của Kiều Hưng và các giọng nam thời đó.
Chương trình ngầm khẳng định sự tiếp nối này khi chọn NSƯT Kiều Hưng làm khách mời bí mật. Ở tuổi 78, vừa trải qua tai biến, bước đi phải có người dìu, Kiều Hưng đã làm nên kỳ tích khi có thể hát không những “lưu loát” mà còn đọ giọng với hậu sinh trong Bài ca trên núi.
Ngay từ khi ông mở lời giao lưu, mọi người đã cười vì ông vẫn dùng hai tiếng “đồng bào” xưa cũ để thưa. “Không ngờ khán giả vẫn còn nhớ đến tôi”, ông cười mà tay chấm mắt. Được biết, ông đang định rời Việt Nam thì nhận được lời mời tham gia đêm nhạc Trọng Tấn. Và ông đã ở lại từ ngày 2 đến 21/9, chỉ để hát nửa bài trên sân khấu Cung Văn hóa Hữu Nghị.
Sau khi liệt kê tên những người anh trực tiếp thọ giáo, Trọng Tấn nhắc đến Kiều Hưng như một người thầy từ xa. Anh khẳng định, do ngấm cách Kiều Hưng hát Tiếng đàn bầu từ rất lâu, nên mới có thể hát bài này và giật giải Tiếng hát Truyền hình toàn quốc 1999.
Với những bài hát mang âm hưởng dân gian ở phần giữa chương trình, Trọng Tấn làm khán giả từ hài lòng đến bất ngờ. Anh đặc biệt thành công khi làm thay đổi cảm nhận của người nghe đối với Khúc hát sông quê - trước nay tưởng chỉ hợp với các giọng nữ cao thánh thót. Khi Trọng Tấn vừa cất mấy câu hò Huế, khán giả đã rất phấn khích vỗ tay. Và sau đó tiếp tục vỗ tay theo nhịp của bài Câu hò bên bến Hiền Lương. Điều này khá lạ vì bài hát hoàn toàn không mang tính hành khúc.
Khán giả của Trọng Tấn hóa cũng quá khích, vừa không tiếc sức vỗ tay vừa liên tục bật ra những lời như: “Hay quá”, “Tuyệt vời”… sau mỗi bài hát. Có lẽ vì vỗ tay quá nhiều, thành ra hơi ỉu về cuối chương trình - là lúc mà ca sĩ và ban nhạc cần tiếng vỗ tay nhất để chơi thêm bài cuối. Tuy nhiên, khi Trọng Tấn vừa cất những lời hát đầu của bài Tự nguyện, khán giả lại sực tỉnh. Những cánh tay giơ lên hưởng ứng tạo nên cái kết đẹp cho một đêm nhạc gần như hoàn thiện về mặt nghệ thuật.
Đôi bài ở phần nhạc pop cuối chương trình có thể không hợp gu một bộ phận khán giả. Mặc dù xét về tầm cữ giọng, Trọng Tấn thừa sức đảm nhiệm các bài như Có phải em mùa thu Hà Nội.
Tuy nhiên, điều này đã được dự báo, bản thân ca sĩ cũng thừa nhận đây không phải sở trường của anh. Điều quan trọng là ca sĩ đã mạnh dạn ra khỏi vùng an toàn.