Sau gần 4 năm lên lịch trình và một thập kỷ xây dựng, sân bay mới nhất của khu vực Trung Đông được đưa vào sử dụng vào cuối tháng 5/2014. Đó là sân bay quốc tế Hamad, nằm tại thủ đô Doha của Qata.
Tổng diện tích phi trường này là 29 km2, tương đương gần một phần ba thành phố Doha. Vốn đầu tư dự án là 15 tỷ USD. Ngoài việc có thể đón 50 triệu lượt khách mỗi năm, siêu sân bay này còn có nhiều không gian công cộng như triển lãm tranh, cổng dành cho khách VIP và nhà thờ Hồi giáo dưới nước.
Bảo tàng Hồi giáo tại sân bay quốc tế Hamad, Doha, Qatar.
Giống như những thành phố giàu có tại khu vực này, Doha đang nỗ lực đa dạng hóa các nguồn lực kinh tế của mình bằng cách chớp lấy cơ hội thương mại du lịch mới. Sân bay này được các hãng hàng không hết sức mong đợi. “Sân bay quốc tế Hamad mang lại cho chúng tôi cơ hội vô tận”, CEO Akbar al Baker của hãng Qatar Airways chia sẻ. Theo ông, sân bay quốc tế Doha thường xuyên bị quá tải, không đáp ứng được những tiêu chuẩn dịch vụ mặt đất muốn mang tới cho khách hàng.
Các nhà phân tích nhận định, cũng như các thành phố khác trong khu vực, Doha nhận thức được sức mạnh và tiềm năng của hàng không trong việc mang lại một ngành công nghiệp phát triển bền vững trong dài hạn tại Trung Đông.
Giám đốc hãng phân tích hàng không JLS Consulting nhận xét: “Chính phủ Qatar nhận thức vai trò kinh tế của ngành hàng không là không chỉ mang lại việc làm, mà còn mang lại lợi ích thương mại, sự phát triển bền vững của ngành du lịch. Chúng ta đã thấy ví dụ điển hình được làm tại thành phố Dubai”.
Năm ngoái, Dubai đã mở cửa sân bay thứ 2 Dubai World Central và có kế hoạch nâng khả năng phục vụ hơn 200 triệu lượt khách thay vì 120 triệu lượt như thiết kế ban đầu. Paul Griffiths, CEO sân bay Dubai, cho biết muốn xây dựng sân bay lớn nhất thế giới. Trong quý I/2014, sân bay quốc tế Dubai, trở thành sân bay bận rộn nhất thế giới với hơn 18 triệu lượt khách, vượt qua Heathrow của London (16 triệu lượt khách). Hiện mức đón khách của sân bay lớn nhất thế giới đặt tại Atlanta, Georgia, Mỹ là 89 triệu lượt.