Ba người con xa xứ chào năm mới 2007 tại quê nhà

Ba người con xa xứ chào năm mới 2007 tại quê nhà
TP - Tiếng vĩ cầm trong trẻo, réo rắt của Nguyễn Hữu Khôi Nam, bản giao hưởng “Tổ quốc tôi” ngọt ngào, sang trọng của nhà soạn nhạc Lân Tuất dưới cây đũa chỉ huy của Lê Phi Phi đã làm rộn ràng không khí xuân trong chương trình hòa nhạc Chào năm mới 2007 tại Nhà hát Lớn Hà Nội hai tối 27 và 28/12.
Ba người con xa xứ chào năm mới 2007 tại quê nhà ảnh 1
Nhạc trưởng Lê Phi Phi và cây violin Nguyễn Hữu Khôi Nam trong đêm nhạc chào mừng năm mới 2007 (Ảnh VietnamNet)

Đêm nhạc là một cuộc hội ngộ lý thú của ba tài năng âm nhạc Việt Nam đã thành danh trên thế giới: Nghệ sỹ công huân Nga, GS-TS Lân Tuất, nhạc trưởng thường trực của Dàn nhạc Macedonia Lê Phi Phi và thành viên của Dàn nhạc giao hưởng quốc gia Pháp Nguyễn Hữu Khôi Nam.

Concerto số 5 cho violin và dàn nhạc, giọng La trưởng là solo đầu tiên của cây violin đến từ dàn nhạc giao hưởng quốc gia Pháp Nguyễn Hữu Khôi Nam. Lê Phi Phi đã dành cơ hội thử sức cho Nam, cũng là cho chính bản thân nhạc trưởng.

Cả khán phòng Nhà hát Lớn nín lặng lắng nghe tiếng vĩ cầm vuốt ra từ người nhạc công bé nhỏ, nhưng đầy điêu luyện trong trình diễn. Và người nổ tràng pháo tay đầu tiên khi tiếng đàn của Khôi Nam vừa dứt chính là nhạc sỹ Lân Tuất.

Có lẽ đây là lần đầu tiên tôi được nghe một bản giao hưởng, thứ âm nhạc bác học của phương Tây mà lại có âm thanh của cồng chiêng, của tiếng chuông chùa.

Tổ quốc tôi đích thị là bản giao hưởng, mà là bản giao hưởng của Việt Nam. Khí nhạc dân tộc kết hợp nhuần nhuyễn và sang trọng với khí nhạc phương Tây. Qua cây đàn celesta, từng hồi chuông chùa ngân vang mở đầu cho Tổ quốc tôi (My Motherland).

 Quê hương đất nước Việt Nam tươi đẹp như mở ra trước mắt thính giả: Những cánh đồng thẳng cánh cò bay, những làng quê yên bình với mái đình, gốc đa, giếng nước.

Ta có thể nghe thấy tiếng ru hời của người mẹ hiền gắn liền với tuổi thơ của bao đứa trẻ, có thể nghe thấy tiếng xào xạc của đồng lúa chín, tiếng bước chân rầm rập của đoàn quân ra trận trong Tổ quốc tôi. Tâm tư của những người con xa xứ cũng đã được thổ lộ trong chương cuối kéo dài tới 10 phút.

Hồn nhạc Nga, quê hương thứ hai của nhạc sỹ cũng thấp thoáng trong Tổ quốc tôi qua tiếng nhạc chuông kính coong giao hòa năm mới, tiếng kính coong của chú lật đật, thứ âm thanh quen thuộc mà đứa trẻ nào có người nhà đi Nga về đều biết.

Ở tuổi 73, nhưng dường như sức viết của nhạc sỹ Lân Tuất vẫn đang ở độ sung. Vở ballet Thiên Thai ông viết trong dịp về ăn Tết năm ngoái đã hoàn thành và “ưu tiên” dàn dựng ở quê nhà trước. Hiện, nhà hát giao hưởng nhạc vũ kịch Việt Nam đang giữ bản thảo đó và sẽ dàn dựng phần khí nhạc trước.

Trước khi rời Việt Nam trở lại Novosibirk để kịp chấm thi cho sinh viên, Nga, nhạc sỹ Lân Tuất cho biết, ông hy vọng bản giao hưởng số 4 Gửi người yêu nơi xa của ông cũng như một số bản giao hưởng chưa từng công bố của ông sẽ được trình diễn  tại quê nhà.

Vấn đề lớn nhất hiện nay của người nhạc sỹ không phải là không có tác phẩm, mà là không có nhà tài trợ. Thiết nghĩ, đối với những tác phẩm âm nhạc thuộc loại quí hiếm như thế này rất cần có sự hỗ trợ mạnh mẽ của Nhà nước, của Hội âm nhạc khi Việt Nam đang Hội nhập với thế giới cũng như để thoát khỏi hiện trạng “âm nhạc Việt Nam chỉ là ca khúc”.

Ngay như cuốn sách “Sân khấu và âm nhạc chèo” do GS Lân Tuất biên soạn bằng tiếng Nga vừa được xuất bản và trở thành sách nghiên cứu tại các trường nhạc của Nga cũng nhờ có sự hỗ trợ của Hội người Việt Nam tại Nga. 

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.