Trần Anh Hùng: Đừng gồng lên khi xem phim của tôi

Trần Anh Hùng: Đừng gồng lên khi xem phim của tôi
TP - Vẻ ngoài mảnh khảnh, giọng nói nhẹ nhàng đậm chất Hà Nội, vị đạo diễn Việt kiều này khiến người khác mất cảm giác Việt kiều ở anh. Mới biết vì sao những tác phẩm điện ảnh của Trần Anh Hùng dù ở thể tài nào vẫn ngai ngái màu xứ sở: “Mùi đu đủ xanh”, “Mùa hè chiều thẳng đứng”…

> Nhuệ Giang và 'Tâm hồn mẹ'

Từng băn khoăn, vì sao cuốn tiểu thuyết “Rừng Na uy” của nhà văn nổi tiếng Nhật Bản lại đặc biệt ăn khách ở Việt Nam? Trong khi “Rừng Na uy” không hoàn toàn dễ đọc hay a dua thị hiếu. Phim của Trần Anh Hùng thoang thoảng không khí của “Rừng Na uy” (không chỉ trong tác phẩm chuyển thể tiểu thuyết “Rừng Na uy”) .

Sự u ám, chầm chậm ấy có thể dễ dàng nhận thấy trong “Mùa hè chiều thẳng đứng”. Song hình như vị đạo diễn Việt kiều ghi dấu ấn nhất định ở phim trường quốc tế lại có vẻ khó làm dậy sóng đam mê với tác phẩm của anh từ khán giả quê nhà (“dậy sóng” có chăng chỉ ở phương tiện truyền thông).

Tôi rất muốn gặp Trần Anh Hùng, để xem con người ấy có u trầm như những đứa con tinh thần của anh. Cơ hội đến, khi Trần Anh Hùng tới Đà Nẵng để trao đổi kinh nghiệm với các đạo diễn trẻ Việt Nam trong khóa học làm phim nâng cao ở khuôn khổ chương trình “Gặp gỡ mùa thu” (3-8/11). Đạo diễn Việt kiều chọn một villa nhỏ nằm trong mênh mông rừng dừa để “truyền lửa”.

Mất một buổi trưa chúng tôi mới tìm đúng nơi trú ngụ của đạo diễn. Anh lánh ồn ào không chỉ trong nghệ thuật mà cả trong đời thường. Trần Anh Hùng từng tâm sự với báo chí: “Người nghệ sỹ đích thực cũng nên PR cho tên tuổi của mình nhưng tôi thì thích trốn lắm. Nhiều lúc tôi còn muốn nói dối cơ. Dối về tuổi, dối về nhiều thứ lắm”.

Khó hay dễ, chẳng qua vì… yêu

Từng nghe đồn về sự khó tính của Trần Anh Hùng ở vai trò đạo diễn, ngay cả khi diễn viên là vợ anh, Trần Nữ Yên Khê. Yên Khê từng tiết lộ về một cảnh quay trong “Mùa hè chiều thẳng đứng”: ”Hùng luôn nhắc: Đó phải là những hình ảnh quan trọng của phim, nó hầu như không có thoại, nhưng nhất thiết phải đầy ắp không khí. Không khí của những người biết thở và không quên mình thở”.

Để vừa ý đạo diễn mà cũng là ông chồng, Yên Khê đã chọn lối diễn hình thể, học cách làm nũng của một con mèo khi tỉnh dậy. Vậy nên khi gặp anh tại lớp học, chúng tôi cứ tưởng Trần Anh Hùng sẽ sắm vai một ông thầy lạnh lùng, khó tính. Nhưng anh đáp: Lớp học không có biên giới giữa thầy và trò.

Các đạo diễn trẻ thoải mái trò chuyện, thoải mái thể hiện tâm tư, ý tưởng làm phim. Ai bảo đã nổi tiếng thì không cần học? Vị đạo diễn Việt kiều chưa bao giờ có ý nghĩ đó. Anh học ở mọi nơi, mọi lúc, ngay trong lớp học của những người trẻ tuổi: “Các bạn trẻ biết nhiều điều mà tôi chưa biết”. Một sự khiêm tốn và cầu thị đáng quí ở một đạo diễn tài năng và tên tuổi như Trần Anh Hùng. Chúng tôi có cơ hội mục sở thị lớp học của anh, đúng như anh nói, không khí thoải mái vô cùng. Chẳng thể nghĩ đây là vị đạo diễn giành nhiều giải thưởng điện ảnh quốc tế: Giải camera vàng LHP Cannes 1993 cho Mùi đu đủ xanh, đề cử Oscar cho phim nói tiếng nước ngoài, Giải Sư tử vàng LHP Venice 1995 cho “Xích lô”… chỉ còn đọng lại hình ảnh “thầy Hùng” bình dị, gần gũi. Thông điệp anh muốn chuyển tải tới thế hệ làm phim trẻ: “Điện ảnh như tình yêu, có khả năng nói ra thay vì phải bắt nhau cảm nhận. Làm nghệ thuật không chỉ dựa vào linh cảm. Chưa đủ đâu. Phải nói ra. Nói cho nhau nghe”.

“Phim thương mại? Chịu chết, không làm được”

Trần Anh Hùng đương nhiên là một đạo diễn của dòng phim nghệ thuật. Từ “Mùi đu đủ xanh”, “Mùa hè chiều thẳng đứng" cho đến “Rừng Na uy” hay “Tôi đến với mưa” đều chứng minh điều đó. Anh thú nhận không biết chút nào về cách làm phim giải trí, thương mại: "Tôi chịu chết!”.

Nhưng theo anh, khán giả, kể cả các đạo diễn nghệ thuật cần cảm ơn các nhà làm phim thương mại. Thật đơn giản, thương mại đang nuôi sống nghệ thuật: ”Cái gì kéo khán giả tới rạp xem hiện nay, chỉ có thể là dòng phim thương mại? Tôi rất vui bởi điện ảnh Việt Nam còn có những Lê Hoàng, Vũ Ngọc Đãng… phim của họ kéo khán giả đến rạp”.

Nhưng anh cũng ngậm ngùi khi nghĩ đến thực trạng của điện ảnh ta: “Việt Nam hiện nay chưa thể gọi là một nền điện ảnh khi chỉ có dòng phim thương mại quá lấn lướt” . Trần Anh Hùng thẳng thắn: Cảm ơn nhà làm phim thương mại nhưng đừng phát triển dòng phim đó nữa.

“Bởi nó đã rất phát triển, luôn kéo được khán giả tới xem rồi. Nếu muốn, hãy ưu ái cho dòng phim nghệ thuật. Bây giờ, làm phim nghệ thuật ở Việt Nam rất khó”.

Rồi vị đạo diễn say sưa phân tích hiện trạng của dòng phim nghệ thuật trên thế giới: Đếm trên đầu ngón tay, chỉ duy nhất ở Pháp người ta còn chịu bỏ tiền cho dòng phim nghệ thuật. Nhưng người làm phim nghệ thuật ở đây cũng bắt đầu gặp khó, trước sự tấn công ào ạt của dòng phim giải trí…

Trần Anh Hùng
Trần Anh Hùng.

 “Khán giả thường có thói quen phân tích khi xem phim, chỗ này ý nghĩa gì, chỗ kia ý nghĩa gì…. Không! Nghệ thuật rất đơn giản, hãy để nó thấm vào bạn từ từ tự nhiên”. 

Còn ở Mỹ, dòng phim thương mại đặc biệt phát triển nhưng Việt Nam không thể nào chọn dòng phim này để quảng bá văn hóa, đất nước như Mỹ. Dòng phim nghệ thuật mới đảm đương được trọng trách đó. Trần Anh Hùng kể kỷ niệm vui, có lần đi ngoài phố, nhiều du khách nhận ra anh, tiến tới bắt tay chào và nói, họ biết tới Việt Nam qua những bộ phim của anh. Vị đạo diễn cũng đã thay đổi cái nhìn về điện ảnh Việt Nam. Năm vừa qua anh đã được xem nhiều bộ phim của các đạo diễn trẻ người Việt, thấy nhiều nét tươi mới, cuốn hút, anh cười hóm hỉnh: “Mình rất thích thú, ít nhất khi không phải xem phim của mình làm ra”.

Phim không có quốc tịch

Tôi hơi băn khoăn về sự gắn mác cho phim, Trần Anh Hùng lí giải: “Dự án có tiền tài trợ của Pháp thì đương nhiên phải là gắn mác Pháp rồi. Một ngày nào đó, ai đó ở Việt Nam bỏ tiền cho tôi làm phim, đó sẽ là phim của Việt Nam”. Rồi anh xoa dịu: “Điện ảnh là một thứ ngôn ngữ không biên giới, phim không có quốc tịch, bởi vậy Pháp hay Việt không còn quan trọng”.

Trở lại với lớp học của các đạo diễn trẻ, tôi hỏi: “Anh đã thu lượm được những gì từ lớp học này?”. Anh cười: “Các bạn trẻ kể cho tôi nghe một câu chuyện rất quen. Tôi sẽ kể lại chính câu chuyện đó cho các bạn nghe một cách lạ lẫm hơn bằng ngôn ngữ điện ảnh. Ví dụ: Các bạn đưa cho tôi hình ảnh bà bán xôi. Một khách hàng ăn xôi, vứt lá gói xôi vào sọt rác, còn sót lại một vài hạt xôi trắng tinh trên nền lá xanh. Tôi sẽ cận cảnh vào từng hạt nếp trên lá. Đó là một câu chuyện khác”.

Có vẻ phim Trần Anh Hùng khá khó hiểu, như cách anh tỉ mẩn cận cảnh từng hạt nếp trên lá? Đạo diễn: “Không! Phim tôi không đánh đố người xem. Chỉ cần khi xem phim của tôi, bạn đừng cố cảm gì hết. (Mà xem phim của bất kỳ ai cũng thế). Đừng gồng lên, đừng cố hiểu. Hãy thả lỏng, để nó chảy vào cơ thể từ từ. Hoặc bạn có thể để tâm trí nổi loạn ngay, nếu cần. Rồi sau đó, xong xuôi sẽ dọn dẹp lại suy nghĩ. Không sao hết”. Anh ví dụ phân cảnh cuối trong “Rừng Na uy”, đoạn làm tình giữa Watanabe Toru và Reiko. Đó là sự trả lại cho Reiko về với bản ngã của chính mình. Nếu như ngôn ngữ của tiểu thuyết khó chuyển tải được ý nghĩa này với người đọc thì ngôn ngữ điện ảnh đã làm được điều đó.

Ưu ái vợ là đương nhiên

Ngoài đời, Trần Anh Hùng là một người cha bận rộn với con cái. Anh từng tâm sự: “Tôi là một người bố thường xuyên đưa đón con đi học, dạy con học, lâu lâu mới có thời gian để viết, có khi đang viết lại bị con chạy ra quấy rầy, nhiều khi phải quát nó để có vài phút riêng tư, hoặc yếu thế hơn là chờ đến khi con đi ngủ mới bắt đầu làm việc”.

“Trong phim của anh vai nữ diễn viên chính thường do chị nhà đảm nhận - nữ diễn viễn Trần Nữ Yên Khê. Có sự thiên vị nào chăng?”, tôi hỏi. Trần Anh Hùng không do dự: “Đương nhiên, tôi có sự ưu ái cho vợ tôi chứ! Nhưng cũng phải công nhận một điều cô ấy diễn xuất rất đạt. Nếu không đã không đem tới cho tôi từ sự cảm hứng này sang cảm hứng khác. Với một nữ diễn viên, khi thử vai mà không đem lại cho tôi một cảm xúc nào, hoặc thật ít cảm xúc thì không thể là vai nữ trong phim của tôi được”.

Anh khen vợ: Yên Khê không có sự khó khăn nào trong sự thay đổi từ một vai nữ hiền lành, nhẹ nhàng và nữ tính trong “Mùi đu đủ xanh”, “Mùa hè chiều thẳng đứng”, “Rừng Na uy”… sang vai dữ dằn hơn trong “Tôi đến với mưa”. Rồi anh đúc kết: “Đóng một cảnh ghê rợn dễ dàng hơn đóng một cảnh nhẹ nhàng, biểu cảm. Dịu dàng bao giờ cũng khó khăn hơn bạo lực. Làm một bộ phim về mâu thuẫn vợ chồng. Dễ ợt. Nhưng làm một phim về sự hạnh phúc, rồi chuyển tải điều muốn nói qua sự hạnh phúc đó. Rất khó”.

Trần Anh Hùng bật mí, Đà Nẵng chính là quê vợ, bởi thế, không loại trừ những dự án làm phim tương lai, anh sẽ chọn một số cảnh quay ở Đà Nẵng.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG