Bộ trưởng TN&MT đề xuất công khai tên người bỏ cọc trúng giá đất

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy đề xuất 6 giải pháp giải quyết bất cập trong hoạt động đấu giá đất ở các địa phương thời gian qua, trong đó công khai tên các trường hợp trúng đấu giá nhưng bỏ cọc.

Sáng nay (24/11), Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Diễn đàn “Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam – Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường lắng nghe nông dân nói”.

Tại Diễn đàn, ông Nguyễn Văn Hiếu, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Yên, huyện Phú Xuyên, Hà Nội chia sẻ câu chuyện thời gian qua, một số địa phương của Hà Nội như Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Oai, Mê Linh tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất ở, tạo nên cơn sốt rất cao, có những nơi lên tới cả 100 triệu đồng/m2.

Ông Hiếu cho rằng, chủ trương đấu giá đất là đúng, nhưng cũng lo ngại, nhiều đối tượng lợi dụng cơ hội để thổi giá đất. Đại diện Hội Nông dân xã Phú Yên mong muốn được biết, thời gian tới nhà nước sẽ có công cụ và chính sách gì để kiểm soát việc đẩy giá đất “ảo” lên quá cao, đồng thời vẫn tiếp tục áp dụng hình thức đấu giá đất để đảm bảo hài hòa lợi ích, tăng thu cho ngân sách nhà nước.

Ông Hiếu cũng mong muốn được biết cơ quan chức năng sẽ có cơ chế như thế nào để chuyển đổi đất nông nghiệp thành các khu đất đấu giá, góp phần tạo thêm nhiều nguồn quỹ đất đáp ứng như cầu của người dân.

Bộ trưởng TN&MT đề xuất công khai tên người bỏ cọc trúng giá đất ảnh 1

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy chia sẻ tại Diễn đàn “Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam – Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường lắng nghe nông dân nói".

Chia sẻ về nội dung, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cho biết, nhằm khắc phục bất cập, vướng mắc, trong đó có các trường hợp trục lợi từ đấu giá đất, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp khả thi, hiệu quả, cứng rắn và đồng bộ.

Trước hết, yêu cầu các địa phương phải thực hiện nghiêm quy định của Luật Đấu giá tài sản, Luật Giá, Luật Đất đai 2024.

Hai là phải công khai minh bạch quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị tại các khu vực đấu giá đất. Giải pháp thứ ba là điều chỉnh hợp lý giá đất trong bảng giá đất làm cơ sở để tính giá khởi điểm khi thực hiện đấu giá đất.

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy chia sẻ thêm, theo quy định, đất đấu giá được đầu tư đồng bộ về hạ tầng, kỹ thuật thì cơ quan có thẩm quyền phải xác định lại giá đất khởi điểm cho phù hợp. Tuy nhiên có những địa phương đầu tư đồng bộ về mặt hạ tầng kỹ thuật nhưng lấy giá đất khởi điểm theo phương án khi chưa đầu tư hạ tầng, dẫn đến giá khởi điểm và giá trúng giá có sự chênh lệch rất lớn, xuất hiện nhiều đối tượng lợi dụng hoạt động đấu giá để mua bán kiếm lời.

Bộ trưởng TN&MT đề xuất công khai tên người bỏ cọc trúng giá đất ảnh 2

Một khu vực đấu giá tại huyện Hoài Đức, Hà Nội.

Giải pháp thứ tư, theo tư lệnh ngành tài nguyên và môi trường, các địa phương cần tăng cường giải pháp đảm bảo nguồn cung về đất ở phù hợp với khả năng chi trả và tiếp cận của đa số người có nhu cầu, để khắc phục tình trạng thiếu cung cầu trên thị trường bất động sản. “Khi cung cầu không gặp nhau thì giá bất động sản sẽ bị cao”, Bộ trưởng nêu.

Giải pháp thứ 5, theo Bộ trưởng Đỗ Đức Duy, có thể quy định rút ngắn thời gian nộp tiền trúng đấu giá trong quy chế đấu giá, đồng thời bổ sung quy định công khai các trường hợp bỏ cọc trúng giá đất để chuộc lợi.

Cuối cùng là tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các tổ chức cá nhân có vi phạm pháp luật trong đấu giá quyền sử dụng đất. Bộ trưởng cho rằng, nếu thực hiện đồng bộ các giải pháp như trên sẽ khắc phục được bất cập trong hoạt động đấu giá đất thời thời gian qua, nhất là các huyện vùng ven Hà Nội.

Về giải pháp giúp người dân tiếp cận với “đất ở”, ông Đào Trung Chính, Cục trưởng Cục Quy hoạch và Phát triển Tài nguyên đất, Bộ Tài nguyên và Môi trường thông tin thêm, Luật Đất đai 2023 đã có những quy định rất mới, rất mở về vấn đề này. Theo đó, điều 124 của Luật Đất đai đã quy định các trường hợp được giao đất ở mà không cần tham gia đấu giá. Với trường hợp người dân chưa có đất ở, chưa được Nhà nước giao đất ở, các xã, huyện, tỉnh phải quy hoạch khu vực để giao đất. Ông Chính cho biết, đây là quy định mới, trong thời gian tới, các địa phương sẽ phải điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất để giải quyết nhu cầu đất ở cho người dân.

Bốn trường hợp sẽ được Nhà nước giao đất

Điều 124 của Luật Đất đai 2023 quy định các trường hợp giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất gồm:

Một là, cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan tại ngũ, quân nhân chuyên nghiệp, công chức quốc phòng, công nhân và viên chức quốc phòng, sĩ quan, hạ sĩ quan, công nhân công an, người làm công tác cơ yếu và người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu hưởng lương từ ngân sách nhà nước mà chưa được giao đất ở, nhà ở;

Hai là, cá nhân là giáo viên, nhân viên y tế đang công tác tại các xã biên giới, hải đảo thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn nhưng chưa có đất ở, nhà ở tại nơi công tác hoặc chưa được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở theo quy định của pháp luật về nhà ở;

Ba là, cá nhân thường trú tại xã mà không có đất ở và chưa được Nhà nước giao đất ở hoặc chưa được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở theo quy định của pháp luật về nhà ở.

Bốn là, cá nhân thường trú tại thị trấn thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn mà không có đất ở và chưa được Nhà nước giao đất ở.

MỚI - NÓNG
Quốc hội đồng ý tái khởi động điện hạt nhân, tăng vốn Vietnam Airlines
Quốc hội đồng ý tái khởi động điện hạt nhân, tăng vốn Vietnam Airlines
TPO - Quốc hội đồng ý tiếp tục thực hiện chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận và giao Chính phủ khẩn trương chỉ đạo bố trí nguồn lực thực hiện theo kết luận của cấp có thẩm quyền; nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các luật có liên quan, trong đó có Luật Năng lượng nguyên tử. Quốc hội cho phép Vietnam Airlines chào bán thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ với quy mô tối đa 22.000 tỷ đồng.