Khởi nghiệp từ cà gai leo

0:00 / 0:00
0:00
TP - Sau nhiều năm đi làm thuê, anh Lê Minh Triều (SN 1995, trú trấn Ea Drăng, huyện Ea H’leo, Đắk Lắk) quyết định về quê khởi nghiệp. Anh chọn cây cà gai leo để nghiên cứu làm trà thảo mộc.

Cuối năm, anh Lê Minh Triều, chủ nhân sản phẩm trà thảo dược cà gai leo khá bận rộn. Anh cho biết, đang hoàn tất thủ tục để đưa sản phẩm đánh giá OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm).

Khởi nghiệp từ cà gai leo ảnh 1

Anh Lê Minh Triều (bên phải) giới thiệu sản phẩm trà thảo dược cà gai leo

Chia sẻ về hành trình khởi nghiệp với cây cà gai leo, anh Triều tâm sự, từng trải qua nhiều công việc làm thuê khác nhau, năm 2017, thấy cây cà gai leo là vị thuốc quý, anh mong muốn tạo ra sản phẩm tốt cho sức khoẻ. “Thời gian đầu, kinh nghiệm hầu như bằng 0. Tận dụng quỹ đất từ gia đình, tôi trồng 3 sào cà gai leo đồng thời nghiên cứu cách chế biến”, anh Triều nhớ lại.

Rong ruổi nhiều nơi tìm đầu ra cho sản phẩm, anh Triều nhận thấy, cà gai leo được bán chủ yếu ở dạng túi lọc hoặc chế biến thô, khá bất tiện. Bởi nhu cầu của khách hàng rất cần “nhanh - gọn, hiệu quả”. Do đó, anh nghiên cứu tạo ra sản phẩm trà cà gai leo hòa tan. Như vậy, người tiêu dùng chỉ cần hoà vào nước để sử dụng.

“Nói thì dễ, nhưng khi bắt tay vào làm rất khó. Làm sao tinh chế được cà gai leo thành cao, loại bỏ được tạp chất, chỉ giữ các hoạt chất tốt cho người sử dụng. Trong điều kiện thiếu vốn, nhân lực…, tôi phải nhờ tới bên thứ 3 làm việc này, với điều kiện giữ được bí quyết của bản thân”, anh Triều nói.

Làm được sản phẩm đã khó, đưa ra thị trường còn khó hơn. Thời gian đầu, anh Triều tự đi khắp các nơi để giới thiệu sản phẩm. Để tạo được uy tín, anh cam kết hoàn tiền nếu khách hàng sử dụng không hiệu quả. “Điều tôi tự tin nhất chính là chất lượng sản phẩm. Tôi kiểm soát chất lượng ngay từ khâu trồng, chăm sóc, thu hái, đến sơ chế, tạo ra thành phẩm. Người trước dùng thấy hiệu quả lại giới thiệu cho người sau. Cứ thế, tệp khách hàng của tôi ngày càng rộng. Không chỉ bán trong tỉnh, tôi còn có đại lý phân phối hầu hết các tỉnh thành trên cả nước”, anh Triều phấn khởi.

Mỗi tháng, anh Triều đưa ra thị trường gần 1.000 hộp trà cà gai leo hòa tan với giá 160.000 đồng/hộp, mang về doanh thu 160 triệu đồng/tháng. Hiện tại, anh Triều bao tiêu vùng nguyên liệu của bà con trong vùng. Bản thân anh tập trung mở rộng thị trường, tìm nguồn vốn để mở rộng sản xuất. Mục tiêu của anh là xây dựng nhà máy chế biến sản phẩm chuyên sâu. Anh đã vạch kế hoạch cho từng năm. “Tôi biết, mục tiêu đặt ra rất lớn, cần nhiều nguồn lực. Tuy nhiên, tôi cố gắng thực hiện từng bước, cái nào cần thiết thì đầu tư trước. Tuổi trẻ mà, phải ước mơ, hoài bão và phải quyết tâm thực hiện”, anh Triều chia sẻ về tương lai.

Ông Lê Xuân Anh - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Ea H’leo (Đắk Lắk) cho biết, anh Lê Minh Triều đang xây dựng sản phẩm theo hướng OCOP để nâng tầm sản phẩm, phát triển bền vững. Phía Hội Nông dân rất ủng hộ và đã hướng dẫn anh Triều liên hệ với các đơn vị chuyên môn để hoàn thành thủ tục.

MỚI - NÓNG
Tri thức may, mặc áo dài Huế là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia
Tri thức may, mặc áo dài Huế là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia
TPO - Theo Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Thừa Thiên-Huế (TT-Huế), Tri thức may, mặc áo dài Huế được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là thành quả thực hiện đề án Huế - Kinh đô Áo dài Việt Nam là điều kiện, cơ sở quan trọng để tỉnh tiếp tục lộ trình hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO đưa vào danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.